Vì sao cả xã hội được hưởng lợi khi đầu tư vào quyền của phụ nữ, trẻ em gái?

Trong khi bình đẳng giới ngày càng được công nhận là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững, thực tế cho thấy quyền của phụ nữ, đặc biệt là quyền sinh sản và tình dục vẫn đang bị thách thức, thậm chí thụt lùi.

Quyền được đến trường. Quyền được đi làm. Quyền đi bầu cử. Quyền sở hữu tài khoản ngân hàng. Quyền được quyết định có sinh con hay không, có dùng biện pháp tránh thai hay không. Quyền sống không bị bạo hành. Quyền được nói “có” hoặc “không” với tình dục. Quyền được lựa chọn nếu, khi nào và với ai kết hôn.

Những quyền tưởng chừng cơ bản ấy vẫn chưa được bảo đảm với hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Nhiều người trong số họ vẫn đang phải lên tiếng, đứng lên, thậm chí liều mình để bảo vệ điều mà lẽ ra họ nên được thừa hưởng từ lâu.

Phụ nữ đã đi một hành trình dài để giành lấy các quyền này thông qua vận động bền bỉ, cải cách chính sách, những hiệp ước toàn cầu, các khung pháp lý quốc tế và trên hết là sự thức tỉnh ngày càng rõ rang bình đẳng giới không chỉ vì phụ nữ, mà là vì tất cả mọi người.

Thế nhưng, đến hôm nay, không ít phụ nữ vẫn bị ngăn cản, trấn áp, thậm chí bị đe dọa bằng tù đày hay bạo lực chỉ vì họ đứng lên đòi lại quyền của mình. Những gì đạt được đang có nguy cơ bị đảo ngược, đặc biệt với các nhóm yếu thế, những người sống trong khủng hoảng nhân đạo hoặc cộng đồng bị thiệt thòi.

Nguyên nhân đến từ hiểu lầm bình đẳng giới chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ. Thực tế, nó mang lại lợi ích cho toàn xã hội từ gia đình, cộng đồng đến kinh tế quốc dân.

Ảnh: Như Nguyện

Ảnh: Như Nguyện

Vì sao đầu tư vào quyền của phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững?

Bạo lực với phụ nữ là cuộc khủng hoảng âm thầm toàn cầu

Mỗi 3 giây lại có một bé gái vị thành niên bị ép lấy chồng. Cứ 10 phút, một phụ nữ hoặc bé gái lại bị giết bởi chính người thân hoặc bạn tình. Khoảng 1/3 phụ nữ trên toàn cầu từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời.

“Bạo lực giới không chỉ là phân biệt đối xử. Đó là cưỡng hiếp, đánh đập, là giết chóc, là sự nhục mạ tàn nhẫn”, nhà tâm lý học Dafne Aquino, người đang làm việc cùng UNFPA để hỗ trợ phụ nữ bản địa ở Amazon, Peru chia sẻ.

Không chỉ gây đau đớn và tổn thương cá nhân, bạo lực giới còn làm tổn hại nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, đặc biệt ở châu Phi cận Sahara, nơi chỉ cần tỷ lệ bạo lực với phụ nữ tăng 1%, năng suất lao động có thể giảm tới 8% do phụ nữ phải rời khỏi thị trường lao động.

Không chỉ phụ nữ được hưởng lợi, những quốc gia có chỉ số bình đẳng giới cao cũng chứng kiến tỷ lệ tử vong ở nam giới thấp hơn đáng kể với nguy cơ tử vong do bạo lực giảm tới 40%.

Đầu tư vào quyền của phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Đầu tư vào quyền của phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Quyền sinh sản là quyền con người

Khi phụ nữ có quyền lựa chọn nếu và khi nào sinh con, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Việc tiếp cận các biện pháp tránh thai phù hợp giúp giảm các ca mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên, giúp phụ nữ tiếp tục học tập, làm việc và đóng góp cho xã hội, kéo theo những cải thiện rõ rệt về kinh tế, sức khỏe, an ninh và giáo dục.

Tatu Omar Sharif sống cùng chồng và 8 người con trên đảo Pemba (Zanzibar, Tanzania). Cô từng nhiều lần bất ngờ khi biết mình mang thai. Nhưng sau một lần cùng chồng đến phòng khám và được tư vấn kế hoạch hóa gia đình, cả hai quyết định thay đổi. Họ muốn chăm lo thật tốt cho những đứa con mình đang có thay vì để mọi thứ ngoài tầm kiểm soát.

Phụ nữ vẫn có thể mất mạng khi sinh con

Tại nhiều nơi trên thế giới, việc sinh con vẫn là hành trình cận kề cái chết.

Amina khi đang mang thai 9 tháng đã phải rời bỏ nhà cửa ở bang Aj Jazirah, Sudan để chạy trốn chiến sự. Cô sinh con ngay trên sàn nhà của một người lạ và chính người này đã mổ lấy thai cứu cô bằng tay không.

“Tôi phải đi lại chỉ 6 tiếng sau đó, bế con trên tay khi vết thương vẫn còn rỉ máu”, cô kể lại.

Hơn 60% ca tử vong mẹ xảy ra ở các khu vực xung đột hoặc bất ổn, nơi phụ nữ không thể tiếp cận dinh dưỡng hoặc chăm sóc y tế cơ bản. Trong khi đó, nếu được đầu tư đúng mức, riêng việc tăng cường đào tạo và cung cấp hộ sinh có thể giúp cứu 2,2 triệu sinh mạng mỗi năm từ nay đến năm 2035.

Khi một người mẹ qua đời, con của họ cũng đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn hoặc bị suy dinh dưỡng, bỏ học, sống thiếu thốn. Nhưng nếu chỉ cần đầu tư 1 đô la cho sức khỏe bà mẹ, xã hội có thể thu lại tới 8,4 đô la lợi ích kinh tế từ năng suất lao động, tuổi thọ, đến chất lượng cuộc sống thế hệ sau.

Khi phụ nữ được tự chủ với cơ thể và lựa chọn tương lai của mình, cả thế giới đều tốt đẹp hơn. Họ không chỉ sinh ra sự sống mà còn kiến tạo tương lai. hi họ có thể sống an toàn, học hành, làm việc, lựa chọn nếu và khi nào làm mẹ, cả xã hội đều hưởng lợi.

Trao quyền cho phụ nữ không phải là sự nhượng bộ. Đó là con đường tất yếu để nhân loại cùng tiến lên.

Chí Kiên

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-ca-xa-hoi-duoc-huong-loi-khi-dau-tu-vao-quyen-cua-phu-nu-tre-em-gai-d206838.html