Vì sao các hãng ôtô đua nhau sản xuất xe điện
Cuộc đua xe điện nóng lên khi hàng loạt nhà sản xuất ôtô truyền thống vào cuộc. Vị thế dẫn đầu thị trường của Tesla thậm chí bị đe dọa bởi các startup địa phương sinh sau đẻ muộn.
Ông Brad Sowers, chủ một đại lý ôtô ở thành phố St. Louis (bang Missouri, Mỹ), đang lên kế hoạch đón hàng loạt mẫu xe điện mới từ General Motors (GM). Ông lắp các trạm sạc, nâng cấp khoang dịch vụ và đào tại lại nhân viên.
Theo Wall Street Journal, ông Sowers là một trong nhiều đại lý ôtô ở Mỹ sẵn sàng đón "thời đại mới" của ôtô điện. Triển vọng của ngành công nghiệp được thể hiện rõ trong những kế hoạch đầy tham vọng của các nhà sản xuất xe và những dự đoán lạc quan của giới đầu tư.
Giới quan sát đồng tình rằng đến một thời điểm, xe điện (EV) sẽ thống trị toàn bộ thị trường ôtô. Câu hỏi đặt ra là khi nào. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường IDTechEX, EV có thể chiếm 20% thị trường toàn cầu vào năm 2030 và lên đến 80% năm 2040.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích công nghệ cao cấp Luke Gear, thị phần EV chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng và các quy định về khí thải của châu Âu được áp dụng.
Ôtô điện (EV) là ôtô cắm điện với lực đẩy từ một hoặc nhiều động cơ điện, sử dụng năng lượng được lưu trữ trong pin sạc cho ôtô. Năm 2008 đánh dấu sự phục hưng của ngành công nghiệp sản xuất EV. Các động lực chính là những tiến bộ về pin, lo ngại dầu tăng giá và mong muốn giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, so với xe chạy động cơ đốt trong, EV êm hơn, không có khí thải đuôi xe và thường tạo ra lượng khí thải thấp hơn. Do đó, một số chính quyền cấp quốc gia và địa phương đã đưa ra các khoản giảm thuế, trợ giá và ưu đãi khác để đẩy mạnh việc giới thiệu và áp dụng EV trên thị trường đại chúng.
Sự tăng trưởng thần tốc của Tesla - hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk - được coi là minh chứng cho tương lai đầy hứa hẹn của EV. Hồi đầu năm 2021, giá cổ phiếu của Tesla ghi nhận mức tăng gần 800% so với 12 tháng trước đó. Đà tăng đưa CEO Elon Musk lên vị trí người giàu nhất hành tinh.
Cổ phiếu Tesla sụt giá kể từ đó. Tuy nhiên, tính đến ngày 25/3, giá vẫn ghi nhận mức tăng gần 500% so với một năm trước đó. Các nhà đầu tư định giá Tesla cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của cả bốn đại gia tên tuổi trong ngành - Toyota Motor, Volkswagen, General Motors và Ford - cộng lại.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Moya (Mỹ) nhận định tỷ phú Elon Musk đã "thay đổi thị trường EV mãi mãi". "Hãng xe điện của ông tận dụng xu hướng năng lượng sạch, nhất là khi người dùng e ngại các phương tiện giao thông công cộng vì dịch Covid-19", vị chuyên gia nói thêm.
Tesla sản xuất hơn nửa triệu chiếc EV vào năm 2020. Nếu trở lại ba năm trước, đó là cột mốc không tưởng. Trong thông cáo đăng trên trang web chính thức, hãng cho biết đã giao 180.570 xe vào quý IV/2020, nâng tổng số năm 2020 lên 499.550 chiếc. So với năm 2019, tổng doanh thu năm 2020 của Tesla tăng 36%.
Tesla cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất của hãng tại Trung Quốc. Điều này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở đất nước 1,4 tỷ dân. Ngoài Trung Quốc, hãng xe còn lên kế hoạch xây dựng nhà máy gần Berlin (Đức) và Austin (bang Texas, Mỹ).
Tesla hiện bỏ xa các đối thủ nhờ lợi thế trong việc sản xuất pin giá rẻ. Hồi năm 2019, mẫu Model 3 của Tesla là EV bán chạy nhất tại Mỹ với gần 155.000 chiếc. Trong khi đó, mẫu Model X - xe thể thao đa dụng với giá khởi điểm 80.000 USD - chỉ bán được 19.000 chiếc.
"Giá sẽ là yếu tố quyết định công ty nào dẫn đầu thị trường. Và Tesla có vẻ vẫn giữ lợi thế về giá trong tương lai gần", New York Times dẫn lời ông Emmanuel Rosner, nhà phân tích của Deutsche Bank, bình luận.
Tesla cũng giữ ưu thế về phần mềm. Ngân hàng UBS nhận định so với những hãng xe đối thủ, Tesla có "kiến trúc phần cứng công nghệ thông tin phức tạp hơn" và "hệ thống phần mềm ở một cấp độ khác". UBS ước tính thu nhập tiềm năng từ phần mềm chiếm khoảng 2/3, tương đương 400 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe.
Theo nhà phân tích Dan Ives tại Wedbush Securities, thị trường EV là "thế giới của Tesla" và tất cả hãng xe khác đang "trả tiền thuê". Tuy nhiên, khi 150 nhà sản xuất xe khác theo đuổi cùng một mục tiêu, Tesla buộc phải thực hiện chiến lược của mình một cách hiệu quả.
Dĩ nhiên, tương lai của Tesla và ngành công nghiệp EV phụ thuộc phần nhiều vào sự ủng hộ của các chính phủ. Theo nhóm chuyên gia của Evercore ISI, công ty của ông Musk có thể hưởng lợi lớn từ việc đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng và lưỡng viện Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ các sáng kiến năng lượng xanh, do đó Tesla sẽ tận hưởng thêm nhiều ưu đãi kinh doanh.
Liên minh châu Âu (EU) cũng siết dần tiêu chuẩn về khí thải và hỗ trợ các ngành ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phần lớn khoản hỗ trợ dành cho những sáng kiến thúc đẩy người tiêu dùng mua EV, từ đó kéo nhu cầu tăng cao.
Trong năm 2020, doanh số bán xe điện mới tại các nước châu Âu tăng gấp đôi, chiếm 43% doanh thu toàn cầu. Đà tăng đưa EU vượt Trung Quốc trở thành thị trường EV lớn nhất thế giới.
Ông Hallgeir Langeland, 65 tuổi, một cựu chính trị gia kiêm nhà hoạt động môi trường Na Uy, không sở hữu ôtô trong suốt 25 năm. Nhưng khi Ford tung ra phiên bản Mustang chạy hoàn toàn bằng điện hồi năm ngoái, ông đã không cần nghĩ nhiều. "Tôi phải có nó. Tôi không thể chờ đến tháng 3 để lái nó", ông Langeland nói khi nhớ lại chiếc Mustang ông từng lái khi còn trẻ.
Ông Christian Burg, chủ một doanh nghiệp xây dựng nhà ở tiết kiệm năng lượng tại Đức, đã lái chiếc BMW X3 SUV chạy xăng trong nhiều năm. Khi chính phủ Đức tăng trợ giá cho ôtô điện, ông đã nộp đơn xin trợ giá dành cho doanh nghiệp nhỏ và chuyển sang chiếc iX3 phiên bản lai sạc điện.
"Chúng tôi nhận được khoản ưu đãi 3.750 euro (4.500 USD)", ông tiết lộ.
Khi các chính phủ đẩy mạnh ưu đãi kinh doanh, ngày càng nhiều hãng xe muốn đánh chiếm thị trường xe điện màu mỡ. Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2021, ít nhất bốn nhà sản xuất ôtô truyền thống đã công bố kế hoạch chuyển đổi từ xe chạy bằng động cơ đốt trong sang xe điện.
General Motors (GM) - một trong những thương hiệu hàng đầu của cuộc cách mạng xe điện vào thập niên 1990 - đang lên kế hoạch giành lại vị thế dẫn đầu từ tay Tesla. Hồi tháng 1, GM đã công bố kế hoạch không carbon đến năm 2040 và loại bỏ các loại xe có khí thải đuôi xe trong năm 2023.
Trong vòng chưa đầy bốn năm tới, GM cho biết sẽ tung ra 30 mẫu BEV (loại xe sử dụng hoàn toàn động cơ điện với bộ pin có thể nạp lại được). BEV cũng chiếm 40% mẫu xe được hãng cung cấp ở Mỹ. Theo Financial Times, Giám đốc điều hành GM Mary Barra tiết lộ tập đoàn sẽ tăng số tiền đầu tư vào phát triển EV lên 27 tỷ USD.
Trong khi đó, Hyundai và Kia giới thiệu EV từ các mẫu xe hiện có. Họ sẽ bắt đầu bán xe dựa trên nền tảng EV chuyên dụng từ tháng 3/2021, giúp giảm chi phí và cải thiện hiệu suất hoạt động. Hyundai và Kia có kế hoạch giới thiệu 23 mẫu EV mới và bán 1 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm 2025.
Các hãng xe sang như BMW, Mercedes và Audi cũng ra mắt EV cao cấp. Trong tháng 3, BMW đã công bố kế hoạch chuyển đổi thương hiệu Mini sang EV 100%. Trả lời báo giới, Chủ tịch Hội đồng quản trị BMW Oliver Zipse xác nhận Mini sẽ là thương hiệu đầu tiên của tập đoàn phát triển theo hướng thuần điện. Mẫu xe chạy động cơ đốt trong cuối cũng của Mini sẽ được ra mắt vào năm 2025.
JLR - công ty con của Tata Motors (có trụ sở tại Ấn Độ) - có kế hoạch đưa Jaguar thành một thương hiệu hoàn toàn bằng điện vào năm 2025. Sáu chiếu SUV chạy điện đã được lên kế hoạch trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, Mercedes cũng dự định công bố EQS sau chiếc flagship S-Class.
Tuy nhiên, trong số các hãng xe truyền thống nhảy vào cuộc đua EV, giới quan sát nhận định Volkswagen - công ty mẹ của Audi, Porsche - có thể là đối thủ lớn nhất của Tesla. Volkswagen, hãng xe lớn nhất châu Âu, đang đầu tư 35 tỷ euro (42 tỷ USD) vào EV. Theo các nhà phân tích của UBS, nhà sản xuất ôtô châu Âu có thể bán nhiều hơn Tesla 300.000 EV vào năm 2025.
Volkswagen mới tuyên bố sẽ bán hơn 2 triệu xe điện vào năm 2025, xây dựng mạng lưới nhà máy pin, thuê 6.500 chuyên gia công nghệ thông tin trong vòng 5 năm tới và khởi chạy hệ điều hành riêng. Hãng muốn trở thành công ty phần mềm lớn thứ hai châu Âu sau SAP.
Volkswagen - công ty sở hữu Porsche, Audi, Skoda và SEAT - đã bán 231.600 EV vào năm 2020. Doanh thu chưa bằng 50% Tesla nhưng đã tăng 214% so với năm 2019.
Doanh số của Volkswagen dự kiến tăng trưởng nhanh sau khi hãng tung thêm 70 mẫu EV mới trước năm 2030. Hãng sẽ vận hành 8 nhà máy xe điện vào năm 2022, sản xuất những mẫu xe ở hầu hết phân khúc, từ ôtô nhỏ, SUV đến sedan hạng sang.
"Hơn bao giờ hết, chúng tôi tin Volkswagen sẽ tăng trưởng về cả sản lượng lẫn biên lợi nhuận và trở thành nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới cùng với Tesla", nhà phân tích Patrick Hummel của UBS nhận định.
Theo dự đoán của UBS, Volkswagen sẽ sản xuất 2,6 triệu EV vào năm 2025, vượt Tesla với 2,3 triệu chiếc. Trong khi đó, Toyota có thể đứng thứ ba cùng 1,5 triệu xe (không bao gồm xe hybrid). Hyundai và Nissan có khả năng sản xuất khoảng 1 triệu chiếc, theo sau là GM với 800.000 xe.
Ngành công nghiệp xe điện còn có thể chịu áp lực lớn với sự xuất hiện của xe điện tự lái mang thương hiệu Apple. Tuy gã khổng lồ công nghệ Mỹ tiết lộ rất ít thông tin liên quan đến mô hình kinh doanh ôtô của hãng, sự tham gia của Apple sẽ khiến cuộc đua ngày càng khốc liệt.
Sự ủng hộ của các chính phủ cũng lôi kéo những doanh nghiệp địa phương tham gia thị trường. Chẳng hạn, các nhà sản xuất EV Trung Quốc đang giành giật thị phần từ Tesla. Trong tháng 1/2021, Li Xiang, Nio và Xpeng - ba thương hiệu EV hàng đầu của đất nước 1,4 tỷ dân - đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh số hơn 350%.
Nhà sản xuất ôtô điện Li Xiang (có trụ sở tại Bắc Kinh) cho biết đã giao 5.379 chiếc SUV chạy điện Li Xiang One vào tháng 1, tăng 335,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm nay, công ty giao tổng cộng 38.976 chiếc.
Công ty cũng tuyên bố thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thượng Hải, chuyên nghiên cứu các công nghệ ôtô điện như công nghệ lái xe tự động và công nghệ buồng lái thông minh thế hệ tiếp theo.
Thương hiệu ôtô điện nội địa Nio cũng giao 7.225 chiếc xe mới trong tháng 1, tăng 352,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần thứ 6 liên tiếp hãng lập kỷ lục về số xe được giao hàng tháng. Trong khi đó, Xpeng đã bán 6.015 xe vào tháng 1, tăng từ 5.700 xe hồi tháng 12/2020 và leo dốc 470% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày càng nhiều tài xế ở Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới - lựa chọn EV vì các chính sách ưu đãi của chính quyền. Chẳng hạn, người sở hữu EV có thể nhận giấy phép trong thời gian ngắn hơn và chi phí thấp hơn so với ôtô thông thường.
Để giúp đẩy mạnh doanh số bán EV, chính quyền Bắc Kinh đã gia hạn các chương trình trợ cấp đến hết năm 2022. Thuế đối với xe điện cũng được miễn tới năm 2022.
Do nỗ lực giảm tắc nghẽn và ô nhiễm ở các thành phố Trung Quốc, người dân địa phương thường phải chờ nhiều năm và chi số tiền không nhỏ để mua biển cho xe chạy xăng.
Một khách hàng 27 tuổi, sống tại Hàng Châu, đã chờ gần một năm để nhận biển cho ôtô. Tuy nhiên, sau khi thấy chiếc G3 của Xpeng, cô quyết định không chờ đợi thêm nữa. "Nhờ áp dụng khoản trợ giá của chính phủ, chiếc xe phù hợp với ngân sách khoảng 180.000 NDT (27.643 USD) của tôi", cô chia sẻ.
Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ và vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn là những rào cản lớn đối với thị trường EV. Tại Trung Quốc, phần lớn EV không có chỗ đỗ xe cố định. "Điều này gây khó khăn cho nhiều tài xế trong việc truy cập thường xuyên vào các trạm sạc pin", ông Mingming Huang, nhà sáng lập quỹ Future Capital Discovery Fund, chia sẻ. Quỹ của ông là một trong những nhà đầu tư của Li Xiang.
Tương lai của EV cũng ảm đạm ở Ấn Độ, thị trường ôtô lớn thứ tư thế giới. Theo Bloomberg, Ấn Độ chỉ có khoảng 650 điểm sạc EV trong năm 2018. Để so sánh, con số này tại Trung Quốc là 456.000 điểm.
Giới quan sát nhận định tình trạng thiếu thốn điểm sạc tại Ấn Độ bắt nguồn từ vấn đề con gà và quả trứng. Giới chức trách và các hãng xe băn khoăn giữa việc nên xây dựng nhiều điểm sạc điện để thúc đẩy doanh số, hay đợi đến khi có đủ xe lưu thông trên đường.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo về "cú rơi" của thị trường EV sau khi các chính phủ cắt giảm trợ cấp. Theo Wall Street Journal, hàng trăm startup xe điện đã mọc lên sau khi chính quyền Bắc Kinh mạnh tay trợ giá cho ngành EV. Tuy nhiên, doanh số bắt đầu lao dốc khi Trung Quốc rút lại hỗ trợ vào giữa năm 2019.
Khi đại dịch bào mòn doanh thu bán EV, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về mục tiêu EV chiếm 20% doanh số bán xe mới của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các hãng sản xuất ôtô và giới đầu tư vẫn lựa chọn tin vào tương lai xán lạn hơn. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với CCTV, tỷ phú Elon Musk khẳng định: "Về dài hạn, Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi có nhiều phương tiện nhất, và cũng là nơi chúng tôi có nhiều khách hàng nhất".
"Tôi rất tự tin về tương lai của Tesla tại Trung Quốc", ông chủ Tesla khẳng định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cac-hang-oto-dua-nhau-san-xuat-xe-dien-post1197265.html