Vì sao các nước muốn tiêm 2 mũi vaccine khác loại?
Một số quốc gia trên thế giới, từ châu Âu sang châu Á, đang tìm hiểu và thử nghiệm tiêm hai mũi vaccine là hai loại khác nhau để tăng hiệu quả miễn dịch.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiêm phối hợp hai loại chế phẩm ngừa Covid-19. Bà được tiêm vaccine AstraZeneca cho liều thứ nhất và vaccine Moderna cho mũi thứ hai.
"Chúng tôi xác nhận rằng Thủ tướng Merkel đã tiêm liều vaccine thứ hai được phát triển bởi hãng dược Moderna của Mỹ theo công nghệ mRNA", phát ngôn viên văn phòng thủ tướng Đức nói với AFP hôm 22/6. Trước đó, vào ngày 16/4, thủ tướng 66 tuổi của Đức đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca.
Bên cạnh Đức, một số quốc gia chọn cách tiếp cận phối hợp nhiều loại vaccine để nâng cao tỷ lệ ngừa SARS-CoV-2, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ các hãng dược. Các nước này gồm Tây Ban Nha, Anh, Canada, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan.
Thái Lan kết hợp AstraZeneca và Sinovac
Viện Virus học của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, đang nghiên cứu về khả năng tăng tỷ lệ miễn dịch đối với biến chủng Delta của virus corona thông qua phương pháp phối hợp nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau, theo Bangkok Post.
Theo Tiến sĩ Yong Poovorawan thuộc Đại học Chulalongkorn, nghiên cứu nói trên dự kiến hoàn tất vào mùa thu 2021.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Yong đang làm việc với một số đối tác để tìm hiểu về sự kết hợp giữa vaccine của hai hãng dược Sinovac và AstraZeneca.
Cụ thể, người tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm một liều vaccine Sinovac và một liều vaccine của AstraZeneca vào 4 tuần sau đó.
Một trong những kết quả khả dĩ của dự án nói trên là chứng minh được việc phối hợp nhiều loại chế phẩm ngừa Covid-19 có thể nâng cao khả năng miễn dịch so với sử dụng một loại vaccine duy nhất.
"Kết quả trong phòng thí nghiệm khá khả quan, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng về tác dụng phụ của việc kết hợp nhiều loại vaccine", tiến sĩ Yong nói.
Ông cũng cho rằng nếu được tiêm thêm một mũi vaccine thứ ba vào thời điểm thích hợp, khả năng ngừa Covid-19 có thể được nhân lên gấp 10 lần.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Yong lưu ý nguồn cung vaccine sản xuất tại Thái Lan bao gồm hai loại chế phẩm là vaccine bất hoạt là vaccine dựa trên vector virus, do đó việc kết hợp nhiều loại vaccine có thể khó khăn hơn so với ở châu Âu.
Philippines tận dụng những vaccine sẵn có
Giới chức Philippines hiện trong quá trình nghiên cứu kết hợp vaccine Sinovac của Trung Quốc với các chế phẩm ngừa Covid-19 khác, trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang "rất khó đoán định", theo Nikkei Asia.
Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines (DOST) cho biết dự án nói trên được chính phủ tài trợ và sẽ kéo dài từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022. Mục tiêu của nghiên cứu hướng đến việc kết hợp thành công các vaccine ngừa Covid-19 sẵn có ở Phillipines.
"Việc kết hợp vaccine Sinovac với các loại vaccine Covid-19 khác sẽ là mục tiêu chính của quá trình nghiên cứu, bởi đây (chế phẩm của Sinovac) là nguồn cung vaccine ổn định nhất trong nước", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Philippines Fortunato Dela Pena viết trên Facebook.
"Tóm lại, thành quả của dự án này là một phác đồ hoàn chỉnh gồm hai liều vaccine của hai hãng khác nhau dùng để tiêm cho cùng một người", ông Dela Pena thông tin thêm.
Bên cạnh Sinovac, Philippines đã cấp phép sử dụng cho sáu loại vaccine ngừa Covid-19 khác, được phát triển bởi các hãng dược Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson của Mỹ, AstraZeneca của Anh, Bharat Biotech của Ấn Độ và Viện Gamaleya của Nga.
Tính đến tháng 6, Philippines nhận được hơn 8,3 triệu liều vaccine Covid-19, bao gồm 5,5 triệu liều từ Sinovac, 2,5 triệu liều từ AstraZeneca, 193.000 mũi từ Pfizer và 30.000 liều từ Viện Gamaleya. Philippines đã triển khai được hơn 4 triệu liều trong số này.
Dự án do chính phủ Philippines hậu thuẫn mang tên "Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và khả năng tạo miễn dịch từ sự kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau ở người trưởng thành Philippines". Tiến sĩ Michelle De Vera thuộc Hiệp hội Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Philippines dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
DOST cho biết sẽ xin sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines cùng Ban Đạo đức trong Nghiên cứu Y tế nước này trước khi bắt đầu tại 8 khu vực trên cả nước. Hiện chưa rõ bao nhiêu người sẽ tham gia dự án này.
Philippines có đợt bùng dịch nghiêm trọng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Chính phủ Philippines hướng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người, theo Reuters.
Hàn Quốc kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer
Khoảng 760.000 người Hàn Quốc đã tiêm một liều vaccine của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine Covid-19 của Pfizer. Điều này xuất phát từ sự chậm trễ trong khâu vận chuyển vaccine được phân phối theo cơ chế Covax, Reuters dẫn nguồn từ chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Vào tháng 5, Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành một thử nghiệm lâm sàng kết hợp vaccine Covid-19 của AstraZeneca với các chế phẩm do Pfizer và một số hãng dược khác phát triển.
Jeong Eun Kyeong, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này thử nghiệm việc phối hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau ở 100 nhân viên y tế để kiểm tra sự hình thành kháng thể và các hiệu ứng miễn dịch khác.
Châu Âu và Bắc Mỹ nghiên cứu kết hợp từ 4 nguồn vaccine
Tại Anh, các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford đang thử nghiệm việc phối hợp hai liều vaccine từ những hãng dược khác nhau. Bốn đối tượng được nghiên cứu là chế phẩm ngừa Covid-19 do AstraZeneca, Moderna, Novavax và Pfizer/BioNTech phát triển.
Các nghiên cứu với quy mô nhỏ hơn cũng đang được tiến hành tại Tây Ban Nha và Đức, theo Reuters.
Ở Bắc Mỹ, Canada là nước tiên phong trong việc khuyến khích người dân tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19 từ các hãng dược khác nhau.
Cụ thể, vào ngày 1/6, Ủy ban Khuyến cáo Phòng dịch Quốc gia Canada (NACI) thông tin rằng những người đã tiêm một mũi vaccine AstraZeneca có thể lựa chọn vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho liều tiêm thứ hai nếu họ muốn.
Vào ngày 17/6, NACI khuyến cáo người dân nên chọn vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA cho lần tiêm nhắc lại, tức vaccine do Pfizer/BioNTech hoặc Moderna phát triển.
Tuy nhiên, giới chức Quebec và British Columbia đã không làm theo lời khuyên của NACI. Thay vào đó, họ nói rằng người dân có thể toàn quyền lựa chọn phác đồ phối hợp các loại chế phẩm ngừa Covid-19 khác nhau hoặc tiêm cả hai mũi vaccine từ AstraZeneca.
Theo Tiến sĩ Kate O’Brien, giám đốc đơn vị vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại vaccine ngừa Covid-19 đang lưu hành trên toàn cầu đều được thiết kế để kích thích hệ thống miễn dịch của người tiêm sản sinh các kháng thế chống lại SARS-CoV-2.
Bà O’Brien dự đoán: "Dựa trên nguyên tắc cơ bản về cách vận hành của vaccine, chúng tôi nghĩ rằng các phác đồ phối hợp vaccine sẽ phát huy tác dụng".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cac-nuoc-muon-tiem-2-mui-vaccine-khac-loai-post1230064.html