Vì sao các nước Vùng Vịnh hết mình vì chuyến thăm của Tổng thống Trump?
Quang cảnh chuyến thăm Trung Đông của nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy sự xa hoa vượt bậc của các quốc gia dầu mỏ giàu nhất trong khu vực, và họ sẵn sàng chịu chi đến mức nào để thắt chặt mối quan hệ với Mỹ.

Xe Tesla Cyber Truck của cảnh sát Qatar hộ tống đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Sân bay quốc tế Hamad. Ảnh: Facebook Donald J. Trump
Theo CNBC, Tổng thống Donald Trump đã được chào đón bằng sự phô trương hoành tráng tại Saudi Arabi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới khu vực này.
Tại Riyadh, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã phá vỡ nghi thức Hoàng gia khi đích thân chào đón tổng thống trên đường băng. Đoàn xe hộ tống của ông Trump từ sân bay Doha của Qatar được hộ tống bởi những chiếc xe điện Tesla màu đỏ tươi và đoàn người cưỡi ngựa. Và tại Abu Dhabi, nhà lãnh đạo UAE Mohammed bin Zayed đã trao tặng người đồng cấp Mỹ của mình Giải thưởng Zayed, danh hiệu dân sự cao nhất của quốc gia này.
Như thế vẫn chưa đủ, một đoàn lạc đà hoàng gia đã chào đón ông Trump bên ngoài Amiri Diwan, Văn phòng tổng thống Qatar. Phát biểu với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, ông Trump đã chia sẻ rằng ông rất ấn tượng.
"Là một người xây dựng, đây là loại đá cẩm thạch hoàn hảo", ông Trump nói, chỉ vào các bức tường và cột của cung điện. "Đây là thứ mà họ gọi là hoàn hảo. Chúng tôi đánh giá cao những con lạc đà đó", ông nói thêm. “Tôi đã không nhìn thấy những chú lạc đà như thế này trong một thời gian dài. Và thực sự, chúng tôi rất trân trọng điều đó",
Xem video Tổng thống Trump thăm Qatar (Nguồn: Facebook TT Donald Trump)
Những màn chào đón ấn tượng cho thấy sự xa hoa vượt bậc của các quốc gia dầu mỏ giàu nhất trong khu vực - và họ sẵn sàng chịu chi đến mức nào để thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của riêng mình.
Những con số này mang tính lịch sử. Qatar và Mỹ đã nhất trí về một "cuộc trao đổi kinh tế" trị giá 1,2 nghìn tỷ USD; Saudi Arabia cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ và các dự án lớn đã được ký kết với UAE, sau khi Abu Dhabi cam kết vào tháng 3 về khuôn khổ đầu tư trị giá 10 năm, 1,4 nghìn tỷ USD tại Mỹ.
Vẫn còn một số nghi ngờ về việc liệu những con số đó có thực tế hay không, đặc biệt là trong giai đoạn giá dầu thấp và doanh thu yếu hơn cho các quốc gia sản xuất dầu thô. Và một số thỏa thuận, như đơn đặt hàng kỷ lục 210 máy bay Boeing của Qatar và thỏa thuận vũ khí trị giá 142 tỷ USD của Saudi Arabia với Mỹ - thỏa thuận vũ khí lớn nhất từng được ký kết — có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để có kết quả.
Nhưng một thông điệp rất rõ ràng: các quốc gia vùng Vịnh muốn là những người đầu tiên hợp tác với Mỹ, dù là về kinh doanh, quân sự hay công nghệ.
“Vùng Vịnh luôn thân ái hơn với các tổng thống coi trọng kinh doanh và Tổng thống Trump hoàn toàn phù hợp với khuôn mẫu đó”, Tarik Solomon, thành viên hội đồng quản trị và cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Saudi Arabia, nói với CNBC.
“Ông ấy [Tổng thống Trump] vẫn tượng trưng cho dòng tiền nhanh, quốc phòng lớn và khả năng tiếp cận công nghệ của Mỹ. Vì vậy, nếu việc thân thiện với ông ấy giúp đảm bảo một vị trí tại bàn của trật tự thế giới tiếp theo, thì Vùng Vịnh đang mang đến chiếc ghế dát vàng”.
Một số nhà quan sát cho rằng ba quốc gia vùng Vịnh đang cạnh tranh với nhau để giành được tình cảm của ông Trump. Nhưng nhiều người trong khu vực cho rằng đó là sự liên kết chiến lược lâu dài hơn.
“Tôi không coi những thông báo kinh tế lớn là cuộc cạnh tranh giữa ba quốc gia; thay vào đó, chúng phản ánh cuộc cạnh tranh với các khu vực khác — ví dụ như châu Âu — để có mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Mỹ”, Ahmed Rashad, Phó giáo sư kinh tế tại Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế có trụ sở tại Abu Dhabi, cho biết.
“Các thỏa thuận kinh tế có vẻ rất quan trọng để tăng sức hấp dẫn của chuyến thăm Trung Đông. Mặt khác, động cơ chính của các nước GCC [Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh] dường như là củng cố mối quan hệ với Mỹ và đảm bảo quyền tiếp cận các công nghệ tiên tiến”, ông Rashad cho biết.
Cảm giác thân thiết thực sự diễn ra ở Saudi Arabia nói riêng, nơi Tổng thống Trump và Thái Mohammed bin Salman dành nhiều lời khen ngợi cho nhau trong các bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Mỹ - Saudi Arabi. Sự kiện được tổ chức tại khách sạn xa hoa Ritz-Carlton Riyadh, có sự tham dự của nhiều giám đốc điều hành hàng đầu của Mỹ, trong đó có Elon Musk của Tesla, Jensen Huang của Nvidia và Larry Fink của BlackRock…

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trong cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 15/5/2025. Ảnh: AA/TTXVN
Trong khi đó, tại UAE, ông Trump và nhà lãnh đạo Mohammed bin Zayed đã ca ngợi tình bạn cá nhân của họ và liên minh hơn 50 năm giữa hai quốc gia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới UAE kể từ khi Tổng thống George W. Bush đến thăm quốc gia này vào năm 2008.
Ngôn ngữ cơ thể nồng ấm và những lời khen ngợi lẫn nhau một cách thoải mái cho thấy sự khác biệt rõ rệt về giọng điệu so với các chuyến thăm của các quan chức từ chính quyền cựu Tổng thống Biden tới quốc gia này, vốn đầy căng thẳng.
UAE dường như đã gặt hái được thành quả từ sự thay đổi trong cách tiếp cận. Các báo cáo gần đây cho biết Mỹ đã có một thỏa thuận sơ bộ với UAE để cho phép nước này nhập khẩu lần đầu tiên 500.000 chip H100 của Nvidia mỗi năm — loại chip tiên tiến nhất mà công ty Mỹ sản xuất. Điều này sẽ đẩy nhanh khả năng xây dựng các trung tâm dữ liệu cần thiết để cung cấp năng lượng cho các mô hình AI của tiểu vương quốc sa mạc này.
“Chuyến đi của ông Trump đến vùng Vịnh phản ánh sự cá nhân hóa ngày càng tăng của địa chính trị”, Taufiq Rahim, hiệu trưởng 2040 Advisory và là tác giả cuốn “Trump 2.5: A Primer” cho biết.
Câu hỏi dài hạn hơn, ông Rahim lưu ý, tập trung vào tính khả thi của các khoản đầu tư. “Ví dụ, cần bao nhiêu trung tâm dữ liệu? Trong nỗ lực trở thành ‘lớn nhất’, chi phí của mỗi quốc gia thực sự có thể tạo ra nguồn cung vượt quá nhu cầu trong một số lĩnh vực nhất định”, ông nói.