Vì sao các sàn online phản ứng việc kê khai/nộp thuế thay người bán hàng?
'Yêu cầu sàn thương mại điện tử phải kê khai/nộp thuế thay người bán hàng là chưa khả thi và quá rủi ro cho các sàn vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế', đại diện VECOM phân tích.
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuế, trong đó đề xuất nội dung các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn (người bán).
Trong công văn mới đây gửi tới Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị bãi bỏ nội dung này.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký VECOM, lý giải rõ hơn vì sao hiệp hội lại có phản ứng như vậy.
- Mới đây, một Vụ trưởng của Tổng cục Thuế cho hay quy định sàn TMĐT khai thuế thay cá nhân/hộ kinh doanh đã được nghiên cứu áp dụng theo kinh nghiệm quốc tế như EU, Mỹ, Trung Quốc,... VECOM có ý kiến phản biện về vấn đề này không, thưa ông?
Ông Trần Văn Trọng: Tại Trung Quốc, Luật TMĐT Trung Quốc (ban hành ngày 3/8/2018) quy định: Người bán trên sàn thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật và được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật (Điều 11); Người bán phải phát hành hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử và các chứng từ mua hàng, chứng từ dịch vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 14).
Tại Mỹ, trên trang web dành cho người bán của Amazon tuyên bố rõ ràng với người bán: “Bạn chịu trách nhiệm cho việc xác định các nghĩa vụ thuế của mình cùng với việc tính thuế, nộp thuế và báo cáo về tất cả các loại thuế thuộc nghĩa vụ của mình bất kể bạn có tham gia dịch vụ tính thuế của Amazon hay không”. Đồng thời, tuyên bố: “Amazon không báo cáo hay nộp hộ cho người bán hàng các loại thuế cho bất cứ chính phủ nào".
Nếu thực sự Chính phủ Mỹ quy định các nền tảng TMĐT phải nộp thuế thay cho người bán thì Amazon sẽ không thể công bố như vậy.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) đều không có quy định yêu cầu bên thứ ba là các sàn TMĐT phải kê khai thuế thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế. Một số nước có quy định yêu cầu các nền tảng khấu trừ (xin nhấn mạnh là “khấu trừ”) và nộp thuế cho cơ quan thuế số thuế VAT cho người bán nước ngoài kinh doanh dịch vụ số.
Những quy định này Việt Nam cũng đã có tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
- Theo ông, những hệ lụy đáng quan ngại nào sẽ xảy ra nếu áp dụng quy định sàn TMĐT khai thuế thay cá nhân/hộ kinh doanh trong thời gian tới?
Việc buộc trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay người bán không phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, việc nộp thuế của tổ chức chi trả thu nhập phải dựa trên cơ sở khấu trừ thu nhập mà họ chi trả cho đối tượng nộp thuế, khác hoàn toàn về bản chất với việc kê khai thay, nộp thuế thay.
VECOM và các hội viên rất lo lắng về tính khả thi, những rủi ro mà các sàn TMĐT phải gánh chịu khi phải chịu trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán, đặc biệt nếu xảy ra tình huống kê khai sai, tính thiếu hay thừa số thuế phải nộp của người bán,... trong khi pháp luật hiện hành chưa có cơ chế hoàn thuế cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Chưa kể, nếu không có giải pháp thấu đáo, quy định này có thể khiến hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh rời bỏ sàn chính thống để kinh doanh trên các kênh không thuộc đối tượng sàn phải thu thuế (ví dụ các mạng xã hội... ).
Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy cho công tác quản lý thuế cũng như quản lý thị trường TMĐT.
Trong bối cảnh hiện tại, khi các mặt hàng kinh doanh trên sàn có thể thuộc các đối tượng bị áp mức thuế khác nhau và pháp luật hiện hành chưa có cơ chế quyết toán, hoàn thuế cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thì chúng tôi cho rằng yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán hàng là chưa khả thi và quá rủi ro cho các sàn.
Mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng thực chất, mọi gánh nặng sẽ được đặt lên các sàn TMĐT vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế.
- Đã có sàn nào đưa ra những ước tính cụ thể về “gánh nặng” ông vừa đề cập hay chưa?
Một số sàn lớn đã đưa ra con số ước tính chi phí tuân thủ nếu phải thực hiện nhiệm vụ kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán là từ hàng chục tỷ đồng cho đến hàng chục triệu USD tùy vào quy mô của sàn.
Khoản chi phí này đến từ các yêu cầu về vận hành, bao gồm: bổ sung nhân sự chuyên môn; thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành; xây dựng, điều chỉnh hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu; thực hiện các thủ tục hành chính như: cung cấp giấy xác nhận nộp thuế cho người bán, giải quyết thắc mắc, khiếu nại...
VECOM sẵn sàng làm cầu nối giúp cơ quan thuế và các sàn ngồi lại với nhau cùng bàn luận, hỗ trợ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế một cách thấu đáo... để đưa ra giải pháp khả thi.
- Xin cảm ơn ông!