Vì sao các tỷ phú Trung Quốc muốn né ngôi vị người giàu nhất?

Các doanh nhân từng đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc đều đối mặt với rắc rối. Do đó, không ít tỷ phú dùng những biện pháp khéo léo để giảm giá trị tài sản ròng.

Theo Bloomberg, ở Trung Quốc, việc quá giàu có có thể dẫn tới những rủi ro bất ngờ. Các đại gia từng đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc - từ doanh nhân bất động sản đến tỷ phú công nghệ - đều đối mặt với không ít rắc rối.

Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) - nhà sáng lập hãng địa ốc Dalian Wanda Group - từng là người giàu nhất Trung Quốc năm 2016. Chỉ một năm sau đó, ông bị buộc phải thoái vốn ra khỏi các tài sản ở nước ngoài khi chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch giảm nợ trong ngành bất động sản.

Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) - tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2017, ông chủ đế chế bất động sản China Evergrande Group - cũng bị chính quyền Bắc Kinh yêu cầu cắt giảm nợ đáng kể. Evergrande xâm phạm ba "lằn ranh đỏ" tài chính theo quy định của chính phủ và hiện là công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới (129 tỷ USD).

 Tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ China Evergrande Group. Ảnh: SCMP.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ China Evergrande Group. Ảnh: SCMP.

Thế khó của các đại gia công nghệ

Gần đây nhất, tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt. Sau khi Jack Ma lên tiếng chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ", chính quyền Bắc Kinh buộc Ant Group của ông hủy đợt IPO 35 tỷ USD. Alibaba - công ty chị em của Ant Group - bị điều tra vì hành vi độc quyền.

Mã Hóa Đằng - ông chủ Tencent Holdings - cũng từng vươn lên vị trí số một trên danh sách tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Và Tencent cũng bị đưa vào danh sách điều tra vì các hoạt động fintech và sáp nhập. Nguồn tin Bloomberg cho biết mới đây, ông Mã Hóa Đằng tình nguyện đến gặp cơ quan quản lý Trung Quốc để trao đổi về việc tuân thủ các quy định chống độc quyền.

Bloomberg dẫn lời một số nhà quan sát nhận định Bắc Kinh đặc biệt quan ngại nguy cơ các tập đoàn bất động sản vay nợ ồ ạt để mở rộng, qua đó đe dọa sức khỏe hệ thống tài chính nước này. Đồng thời, Bắc Kinh cũng ngày càng siết chặt giám sát các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech).

Vai trò quá lớn của Tencent và Alibaba trong nền kinh tế Trung Quốc dẫn tới các cáo buộc kinh doanh độc quyền. Giới chuyên gia cho rằng với sức mạnh tài chính khổng lồ, Tencent và Alibaba có thể không chỉ bóp nghẹt đổi mới trong ngành công nghệ, mà còn gây ra những rủi ro đối với xã hội Trung Quốc.

Tập đoàn Alibaba bị phạt 2,8 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền. Ảnh: Time.

Tập đoàn Alibaba bị phạt 2,8 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền. Ảnh: Time.

Do đó, nhiều tỷ phú Trung Quốc dùng các chiến thuật khôn ngoan để thu nhỏ giá trị tài sản ròng, qua đó tránh được sự chú ý. Cách đầu tiên là chi tiền cho từ thiện. Hoàng Tranh (Colin Huang) - nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Pinduoduo - mới vươn lên thành người giàu thứ 4 Trung Quốc nhờ giá cổ phiếu công ty tăng vọt.

Năm ngoái, Hoàng Tranh quyên góp hơn 10% cổ phần tại Pinduoduo cho các hoạt động từ thiện và nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, tổng giá trị tài sản ròng của Hoàng Tranh giảm hơn 10 tỷ USD. Trên giấy tờ, Hoàng Tranh sở hữu 46,3 tỷ USD, kém 16 tỷ USD so với tài sản của Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), ông chủ hãng nước đóng chai Nongfu Spring. Ông Chung hiện là người giàu nhất Trung Quốc.

Mới đây, Hoàng Tranh rời vị trí chủ tịch công ty để "tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cuộc sống". Giá cổ phiếu Pinduoduo sụt giảm vì thông tin này, tài sản của Hoàng Tranh giảm thêm 4 tỷ USD.

Phần nổi của tảng băng

Dù vậy, những gì nhà sáng lập Pinduoduo làm vẫn chưa thể sánh với ông chủ tập đoàn bất động sản Evergrande. Năm 2020, với việc quyên góp 458 triệu USD, ông Hứa Gia Ấn trở thành doanh nhân làm từ thiện nhiều nhất Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp.

Vị tỷ phú này đặc biệt tích cực làm từ thiện trong thời kỳ dịch Covid-19. Ông trao trực tiếp tiền mặt cho Vũ Hán chỉ một ngày sau khi thành phố bị phong tỏa. Ông Hứa Gia Ấn cũng tài trợ hàng triệu USD cho các dự án nghiên cứu liên quan tới dịch bệnh.

Phương án thứ hai của các đại gia Trung Quốc là can thiệp vào cơ cấu cổ phiếu. Các bảng xếp hạng tài sản toàn cầu như Bloomberg Billionaires Index và Forbes phụ thuộc lớn vào giá cổ phiếu, trong khi tài sản cá nhân là thứ khó định đoán. Do đó, các tỷ phú công nghệ như Jeff Bezos và Elon Musk nhanh chóng trở thành những người giàu nhất thế giới.

Do đó, giới doanh nhân công nghệ Trung Quốc lại phải tìm cách kiềm chế đà tăng của tài sản ròng khi giá cổ phiếu lên cao. Các tỷ phú Trung Quốc sử dụng cấu trúc cổ phiếu hai tầng. Ví dụ, khi Hoàng Tranh còn giữ chức chủ tịch Pinduoduo, sổ cổ phiếu hạng B giúp ông kiểm soát 80% công ty.

 Tỷ phú Hoàng Tranh, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Pinduoduo. Ảnh: Nikkei.

Tỷ phú Hoàng Tranh, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Pinduoduo. Ảnh: Nikkei.

Tuy vậy, xét về quyền thụ hưởng, chủ tịch Pinduoduo chỉ có 29% cổ phần tại tập đoàn. Con số 29% là thứ được thể hiện trong các bảng xếp hạng tài sản. Nói cách khác, với các chủ các startup có định giá lớn trước khi niêm yết, cách tốt nhất để "tự vệ" là sắp xếp cấu trúc cổ phiếu hai tầng. Khi đó, chủ startup vừa kiểm soát chặt công ty, vừa đảm bảo tổng tài sản (trên giấy tờ) không phình quá to.

Chiêu thức thứ ba là lập nhiều công ty. Hứa Gia Ấn có một tài sản khổng lồ không được thể hiện trong bảng xếp hạng tài sản chung. Ông Hứa sở hữu hơn 70% cổ phần Evergrande. Đến lượt mình, công ty này sở hữu hơn 70% cổ phần hãng xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group.

Nếu tính startup xe điện, ông chủ Evergrande Hứa Gia Ấn sở hữu tới 43 tỷ USD, trở thành người giàu thứ năm Trung Quốc

Bloomberg

Giá cổ phiếu China Evergrande New Energy Vehicle Group tăng vọt hơn 1.000% trong năm ngoái, đẩy định giá công ty này lên 76 tỷ USD. Để so sánh, định giá của công ty mẹ Evergrande chỉ đạt 23-25 tỷ USD. Nếu tính cả China Evergrande New Energy Vehicle Group, ông Hứa Gia Ấn sẽ là người giàu thứ 5 Trung Quốc với khối tài sản khoảng 43 tỷ USD.

Tuy nhiên, trên các bảng xếp hạng tỷ phú, tài sản ròng của Hứa Gia Ấn chỉ được tính theo số cổ phần ông có tại Evergrande. Do vậy, ông Hui hiện vẫn chỉ là người giàu thứ 13 Trung Quốc với khối tài sản 23 tỷ USD.

Vậy tỷ phú nước đóng chai Chung Thiểm Thiểm - người giàu nhất Trung Quốc hiện nay - có nên lo lắng? Các chuyên gia cho biết ông Chung không làm giàu trong các ngành nhiều biến động như bất động sản và công nghệ. Ngoài hãng nước đóng chai, ông sở hữu cổ phần một hãng dược lớn.

Theo Bloomberg, nếu không muốn giữ ngôi người giàu nhất Trung Quốc, ông có thể từ bỏ một phần cổ phần công ty. Ông sẽ không thiệt hại gì đáng kể bởi tổng giá trị tài sản chỉ đơn giản là một vấn đề tính toán. Khi đó, ông Chung hoàn toàn có thể gối cao ngủ kỹ.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cac-ty-phu-trung-quoc-muon-ne-ngoi-vi-nguoi-giau-nhat-post1203444.html