Vì sao căn cứ Mỹ bị Trung Quốc cáo buộc làm rò rỉ virus SARS-CoV-2?

Căn cứ Fort Detrick của Mỹ có lịch sử lâu dài nghiên cứu về các loại virus nguy hiểm, thậm chí có thời điểm từng nghiên cứu về các loại vũ khí hóa học và sinh học, nên sẽ rất hợp lý khi đặt ra thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đó.

Trong những năm qua, Fort Detrick là nơi chứa một số chất nguy hiểm nhất trên thế giới, từ virus Ebola, khí độc thần kinh cho đến mầm bệnh than. Đây cũng là lý do khiến một số người lo sợ rằng những chất độc như vậy có thể vô tình thoát ra ngoài hoặc bị cố ý đánh cắp.

Giờ đây, yếu tố đó đã đem lại bối cảnh thuận tiện cho một thuyết âm mưu rằng: virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ ở Frederick (Maryland) chứ không phải ở Vũ Hán, Trung Quốc - nơi nó được ghi nhận đầu tiên.

Bên ngoài căn cứ Fort Detrick ngày 15/7/2021. Ảnh: Baltimor Sun

Bên ngoài căn cứ Fort Detrick ngày 15/7/2021. Ảnh: Baltimor Sun

Lịch sử khiến Fort Detrick bị nghi ngờ

Steve S. Sin, một nhà nghiên cứu về các chiến dịch ảnh hưởng và an ninh quốc tế thuộc Đại học Maryland, cho rằng, những gì Trung Quốc đang lan truyền về căn cứ Fort Detrick là một chiến dịch tin giả nhằm “phản pháo” các cáo buộc về vai trò của nước này trong đại dịch Covid-19.

Do căn cứ Fort Detrick, đặt tại thành phố Frederick, bang Maryland, có lịch sử lâu dài nghiên cứu về các loại virus nguy hiểm, thậm chí có thời điểm từng tìm cách vũ khí hóa một số virus để phục vụ chiến tranh sinh học, nên sẽ rất hợp lý khi đặt ra thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đó.

“Lời nói dối tốt nhất là dựa trên nền tảng của sự thật”, ông Sin nói.

Một yếu tố khác được giới chức và các phương tiện truyền thông Trung Quốc tận dụng bắt nguồn từ tháng 7/2019, khi những lo ngại về việc xử lý nước thải khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tạm dừng một số nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID), một trong những phòng thí nghiệm tại Fort Detrick.

Các quan chức USAMRIID cho biết không có virus nào bị rò rỉ ra khỏi các khu vực thuộc thẩm quyền của phòng thí nghiệm này và nơi đây cũng đã hoạt động trở lại đầy đủ vào tháng 3/2020.

Vào lúc đó, virus SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, đã gây ra một đại dịch. Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump thậm chí còn gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.

Đổi lại, Trung Quốc bắt đầu gieo rắc nghi ngờ về vai trò của phòng thí nghiệm quân đội Mỹ trong việc lan truyền virus. Trong các tuyên bố chính thức, các bài đăng trên mạng xã hội và các bài báo trên các kênh truyền thông chính thức, phía Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ mở cửa cho các thanh tra viên điều tra cũng như tuyên bố về “lý do thực sự” nước này đóng cửa phòng thí nghiệm.

Hơn một năm sau, Fort Detrick vẫn là chủ đề được giới chức Trung Quốc nhắc đến. Trong các cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc tới căn cứ này, và thậm chí gắn thẻ Fort Detrick trong tuyên bố trên Twitter.

“Những bí mật nào được che đậy ở #FortDetrick và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ trên khắp thế giới?” ông Triệu Lập Kiên đăng tải trên Twitter hồi đầu năm nay.

Theo thời gian, thuyết âm mưu đã biến đổi - giống như bản thân virus - thành các “biến thể” khác nhau. Một phiên bản cho rằng một quân nhân dự bị của Lục quân Mỹ đã mang virus từ Fort Detrick đến Hội thao quân sự thế giới ở Vũ Hán vào tháng 10/2019. Một phiên bản khác cho rằng, đợt bùng phát bệnh hô hấp vào tháng 7/2019 tại một viện dưỡng lão ở Virginia mới thực sự là cụm ca Covid-19 đầu tiên, và do một nhân viên tử Fort Detrick đưa tới đó.

Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau

Trong một tuyên bố, USAMRIID nói rằng, phòng thí nghiệm này hoàn toàn không liên quan đến loại coronavirus mới. Phải tới tháng 2/2020, USAMRIID mới nhận được mẫu virus đầu tiên từ CDC để các nhà khoa học của phòng thí nghiệm này hỗ trợ việc tạo ra các xét nghiệm Covid-19 và sau đó tiếp tục phát triển các mô hình động vật để thử nghiệm vaccine.

Trung Quốc cho rằng chính Mỹ cũng tham gia vào các chiến dịch thông tin sai lệch. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden đã yêu cầu các quan chức tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực điều tra về nguồn gốc virus, từ khả năng con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh cho tới tai nạn trong phòng thí nghiệm.

“Trung Quốc phản đối thông tin giả dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả thông tin sai lệch rằng virus bị ‘rò rỉ từ phòng thí nghiệm’ở Vũ Hán”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, trả lời qua e-mail câu hỏi của báo The Baltimore Sun về việc chính phủ Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn vào căn cứ Fort Detrick.

“Chúng tôi ủng hộ một nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học về nguồn gốc [virus SARS-CoV-2] và chúng tôi cũng kêu gọi sự đoàn kết quốc tế hơn nữa để kiểm soát sự lây lan của virus. Phía Mỹ đã không phản hồi những lo ngại của quốc tế về Fort Detrick, và chúng tôi khuyên họ nên phản hồi để loại bỏ những lo ngại như vậy”, người phát ngôn này cho biết.

Căn cứ Fort Detrick nhìn từ trên cao. Ảnh: Fort Detrick News Post

Căn cứ Fort Detrick nhìn từ trên cao. Ảnh: Fort Detrick News Post

Michael Ricci, người phát ngôn viên của Thống đốc bang Maryland cho rằng, những đề xuất của Trung Quốc là “vô căn cứ”.

“Chúng tôi tự hào về vai trò hàng đầu của Fort Detrick trong hoạt động ứng phó của Mỹ với đại dịch. Điều quan trọng nhất là mọi người không chia sẻ, truyền bá hoặc hợp pháp hóa thông tin giả”, ông nói.

Thị trưởng thành phố Frederick Michael O’Connor, sống không xa Fort Detrick, cho biết ông chưa bao giờ lo lắng về bất kỳ mối đe dọa nào từ căn cứ này. Về ý tưởng cho rằng, bằng cách nào đó nơi đây nó là nguồn gốc của đại dịch, ông nói, không có cử tri nào nêu ra bất cứ mối quan ngại như vậy với ông.

“Nó có vẻ quá khó tin đối với tôi,” O’Connor nói.

Trong quá khứ của Fort Detrick, các nhà khoa học từng đã tìm cách phát triển vũ khí sinh học và hóa học phụ vụ trong chiến tranh, trong đó bao gồm cả chương trình kiểm soát tâm trí bí mật của CIA bằng cách sử dụng siêu hồng ngoại LSD và điện giật trên người hay kế hoạch thả muỗi nhiễm bệnh sốt vàng bằng máy bay xuống kẻ thù.

Tuy nhiên, đến năm 1969, Tổng thống Richard Nixon ra yêu cầu Fort Detrick chỉ tiến hành các công việc phòng thủ và phòng ngừa.

Dù vậy, các vật liệu có độc tính cao vẫn còn và đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể bị rò rỉ hoặc bị sử dụng sai mục đích. Đã có những sự cố khi các chất gây ung thư làm ô nhiễm nước ngầm vào thế kỷ trước và các bào tử bệnh than thoát ra khỏi phòng thí nghiệm vào năm 2002.

Nổi tiếng nhất, chính quyền liên bang cho rằng một nhà khoa học ở Fort Detrick có liên quan tới vụ tấn công bằng thư dính mầm bệnh than năm 2001 khiến 5 người thiệt mạng.

“Đại dịch tin giả” là mối đe dọa nguy hiểm

Không có gì ngạc nhiên khi lịch sử đầy âm mưu của Fort Detrick khiến căn cứ này trở thành đối tượng trong các thuyết âm mưu những năm qua. Vào những năm 1980, Liên Xô từng thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch rằng HIV đã được tạo ra tại Fort Detrick.

Nhà nghiên cứu Đại học Maryland, Steve S. Sin, cho rằng chiến dịch tin giả về HIV là một hình mẫu cho Trung Quốc.

Theo ông, Trung Quốc đã sao chép mô hình này và thay đổi nó thành Covid-19. Ông cũng cho rằng thuyết âm mưu về nguồn gốc SARS-CoV-2 đã thành công ở Trung Quốc nhiều hơn so với ở Mỹ. Ở Mỹ điều này dường như không có sức hút đối với dư luận.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng vẫn lo ngại về cách đại dịch Covid-19 đang làm hình thành nên một ngành công nghiệp thực sự của tin giả - về virus, vaccine, các biện pháp ứng phó đại dịch và các âm mưu chính trị khác.

Các bác sĩ của Mỹ mới đây cũng cho rằng “đại dịch tin giả” là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe của con người.

Tara Kirk Sell, trợ lý giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, coi thông tin sai lệch của Trung Quốc là một phần của việc “chính trị hóa Covid-19” và các chiến dịch này hiện nay đang được lan truyền dễ dàng trên phạm vi rộng nhờ internet và mạng xã hội.

Theo bà, cuối cùng, việc cáo buộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ gây ra bất hòa vào thời điểm cần sự thống nhất trong cuộc chiến tiếp tục chống đại dịch Covid-19.

“Chúng ta cần phải có một nỗ lực toàn cầu. Sự chia rẽ và đổ lỗi nhiều hơn không giúp được gì cho điều đó. Việc đổ lỗi cho nhau không giúp ích gì cho những điều chúng ta cần ở thời đểm hiện tại giờ, đó là tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới”, bà Sell cho biết./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Stars and Stripes

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-can-cu-my-bi-trung-quoc-cao-buoc-lam-ro-ri-virus-sars-cov-2-876061.vov