Vì sao cần kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%?

Việc Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 giống như người thuyền trưởng xác định rõ hải trình và đích đến cho con tàu, dù biết phía trước có thể gặp bão tố, gió ngược.

Việc Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 là một lựa chọn có tính toán, chiến lược rõ ràng. Ảnh: VGP

Việc Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 là một lựa chọn có tính toán, chiến lược rõ ràng. Ảnh: VGP

Cuối tuần trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và Hội nghị trực tuyến với các địa phương. Dù nhận định tình hình thế giới có thể tiếp tục biến động lớn, chiến tranh thương mại lan rộng, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn thuận lợi, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ giữ vững mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi đang bủa vây. Bởi chỉ tiêu GDP không chỉ là một con số thống kê, mà còn mang ý nghĩa như một tín hiệu chính sách quan trọng gửi đến thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư - thể hiện thái độ chủ động, quyết liệt và nhất quán của Chính phủ trong điều hành. Một mục tiêu tăng trưởng cao, trước hết, là để giữ vững niềm tin cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thị trường còn dè dặt, doanh nghiệp cân nhắc mở rộng sản xuất, còn nhà đầu tư nước ngoài chần chừ “xuống vốn”.

Quan trọng hơn, việc duy trì mục tiêu này buộc các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt hơn, chủ động và sáng tạo hơn - nhất là trong giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý - thay vì bằng lòng với một mức tăng trưởng thấp, an toàn. Điều này vốn đã quan trọng, nay càng trở nên cấp thiết khi cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy và triển khai chủ trương nhập tỉnh, bỏ huyện, tổ chức lại cấp xã.

Một mục tiêu tăng trưởng cao, trước hết, là để giữ vững niềm tin cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thị trường còn dè dặt, doanh nghiệp cân nhắc mở rộng sản xuất, còn nhà đầu tư nước ngoài chần chừ “xuống vốn”.

Cuộc sắp xếp này sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đồng thời mở rộng không gian phát triển cho đất nước. Tuy nhiên, ngay trong quá trình chuyển đổi, khó tránh khỏi việc ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực thi công vụ, xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính. Sẽ có những cán bộ, công chức có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng vị trí mới rồi mới hành động. Quá trình sáp nhập, điều chỉnh tổ chức cũng có thể làm “đứt gãy tạm thời” một số chức năng, đầu mối phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương. Trong khi đó, sự thay đổi về nhân sự, vị trí lãnh đạo khiến không ít quyết định bị trì hoãn, cấp dưới ngại đề xuất, cấp trên dè chừng phê duyệt...

Tất cả điều này đều có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân; làm chậm quá trình hiện thực hóa nhiều chủ trương lớn; và cuối cùng là ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tăng trưởng. Thực tế, giải ngân đầu tư công ba tháng đầu năm nay chỉ đạt 8,98% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2024 (11,64% kế hoạch); có tới 35/63 địa phương chưa phân bổ vốn kế hoạch năm - khiến mục tiêu giải ngân 95-100% vốn kế hoạch năm 2025 trở nên đầy thách thức. Đây chính là minh chứng rõ nhất cho lực cản hiện hữu mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao sẽ tạo sức ép để cả hệ thống buộc phải vượt qua lực cản này.

Đặc biệt, mục tiêu tăng trưởng cao cũng đòi hỏi Chính phủ phải chủ động thiết kế và triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả hơn. Có thể thấy nỗ lực này qua chương trình phiên họp tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với hàng loạt chính sách đang được thảo luận, chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng cả trước mắt lẫn lâu dài.

Ví dụ: đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng cho sáu tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; ban hành nghị quyết về trung tâm tài chính Việt Nam; cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT giao thông; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội... Đồng thời, hàng loạt luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng... Đây đều là những chính sách thiết thực, có khả năng phát huy hiệu quả trong ngắn hạn và định hướng dài hạn.

Rõ ràng, việc Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 là một lựa chọn có tính toán, chiến lược rõ ràng. Ở đây, vấn đề không chỉ là đạt hay không đạt con số 8%, mà chính là duy trì áp lực tăng trưởng để buộc chính sách phải đủ mạnh, giải pháp phải đủ nhanh và hành động phải đủ quyết liệt - từ việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc pháp lý bất động sản, cải cách thủ tục đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Dù vậy, một mục tiêu cao trong bối cảnh nhiều thách thức khó tránh khỏi những rủi ro. Áp lực tăng trưởng có thể dẫn tới xu hướng chạy theo số lượng, bỏ quên chất lượng. Những năm trước, nền kinh tế từng chứng kiến hệ quả từ việc tăng trưởng nóng dựa vào bất động sản, tín dụng dễ dãi và đầu tư công dàn trải - kéo theo lạm phát, nợ xấu và bất ổn vĩ mô kéo dài. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị.

Vì vậy, điều quan trọng lúc này là phân tích đúng thực trạng, tính toán kỹ các kịch bản, giữ vững ổn định vĩ mô, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá. Nếu thị trường thực sự bất lợi, Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh linh hoạt theo các ngưỡng mục tiêu hợp lý, ưu tiên củng cố nền tảng dài hạn. Dù chỉ đạt dưới 8% nhưng chất lượng tăng trưởng tốt, ít phụ thuộc vào đầu cơ, tín dụng “nóng” thì đó cũng là một thành công đáng ghi nhận.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-can-kien-dinh-muc-tieu-tang-truong-8/