Vì sao cần xét nghiệm lao ở người nhiễm HIV?

Để phát hiện sớm đồng nhiễm HIV/lao, tất cả trường hợp nhiễm HIV đều được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm lao định kỳ, tốt nhất là nên xét nghiệm đồng thời ngay khi phát hiện bị HIV...

Các biện pháp chẩn đoán đồng nhiễm HIV/lao

Không phải tất cả các trường hợp nhiễm HIV đều đồng nhiễm lao, nhưng người nhiễm HIV có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 19 lần so với người bình thường. Hơn nữa, tiến triển của bệnh lao rất nhanh và kéo theo tình trạng nhiễm HIV cũng khó kiểm soát hơn. Do đó người nhiễm HIV cần thiết phải xét nghiệm lao càng sớm càng tốt, đồng thời cần xét nghiệm HIV và lao định kỳ.

Nếu xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân bị mắc lao tiềm ẩn thì cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu cần thiết khác để loại trừ khả năng lao có thể đã chuyển sang dạng chính thức. Khi bệnh nhân được thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu, sẽ có cơ hội phát hiện ra các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó tăng hiệu quả điều trị sau này.

Nếu các xét nghiệm đều có kết quả là âm tính, thì ở lần khám bệnh sau, người bệnh vẫn cần được lặp lại các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là với những trường hợp nghi ngờ mắc lao.

Người nhiễm HIV có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 19 lần so với người bình thường.

Người nhiễm HIV có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 19 lần so với người bình thường.

Các phương pháp chẩn đoán:

- Chẩn đoán lâm sàng (Lưu ý tới các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao ở bệnh nhân bị HIV) như:

Có tiền sử điều trị bệnh lao trước đó.
Đã từng chữa bệnh ở các trại giam hoặc trại cai nghiện.
Có tiền sử nghiện rượu và ma túy.
Có tình trạng bị suy dinh dưỡng.

Trường hợp không có đủ 4 dấu hiệu như: Sụt cân, ho, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, có thể loại trừ khả năng bệnh nhân đã mắc thể lao tiến triển.

Nếu có ít nhất 1 trong 4 biểu hiện trên, bệnh nhân cần ngay lập tức đi xét nghiệm để phát hiện lao do những triệu chứng này thường có xu hướng diễn tiến nhanh, ít đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường.

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường về hô hấp cần đánh giá nguy cơ lao phổi đồng nhiễm HIV dựa trên những biểu hiện nguy hiểm sau:

Sốt cao trên 39 độ C.
Không tự di chuyển, đi lại được.
Nhịp thở trên 30 lần/phút.
Mạch nhanh trên 120/phút.
Cần sàng lọc cả 4 dấu hiệu: Ho, sốt, ra mồ hôi đêm, sụt cân trong bất kỳ thời điểm nào.

- Chẩn đoán cận lâm sàng: Phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng thường dựa trên kết quả xét nghiệm vi khuẩn, mô bệnh học - giải phẫu và chẩn đoán hình ảnh.

Kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn trên mẫu đờm: Xét nghiệm nhuộm soi đờm trực tiếp có thể được áp dụng ở y tế tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố. Bệnh nhân cần thực hiện theo hướng dẫn để lấy được đờm đúng cách.
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: Là xét nghiệm được ưu tiên dùng để chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV.
Cấy đờm: Được áp dụng khi nhuộm soi đờm trực tiếp có kết quả AFB (-). Phương pháp này có thể được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Ngoài cấy đờm, những mẫu bệnh phẩm khác như dịch màng tim, dịch màng phổi, dịch màng não, hạch... cũng có khả năng phát hiện vi khuẩn lao.
Chụp X-quang: Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, được thực hiện trong trường hợp người bệnh đang ở giai đoạn chớm nhiễm HIV khi virus chưa gây tổn hại nhiều tới sức đề kháng của cơ thể. Nếu quan sát hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang ngực, có thể nhận ra không có sự khác biệt so với người không nhiễm HIV. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn, có thể bắt gặp những tổn thương dạng nốt lan tỏa ở cả 2 phế trường, có hình ảnh hang, đôi khi thấy được hạch phế quản, hạch rốn phổi...
Chụp CT: Có thể cho kết quả hình ảnh những thương tổn như hang lao, hoặc các tổn thương khác là bằng chứng cho thấy bệnh nhân đang mắc bệnh lao.
Xét nghiệm mô bệnh học - giải phẫu: Kỹ thuật viên sẽ chọc hạch, sinh thiết hạch nhằm phát hiện các thành phần điển hình của bệnh trên mẫu mô bệnh tế bào.

Nhiễm lao ở người HIV có diễn tiến nhanh và tỉ lệ tử vong cao.

Nhiễm lao ở người HIV có diễn tiến nhanh và tỉ lệ tử vong cao.

Phác đồ điều trị lao đồng nhiễm HIV

Phác đồ điều trị bệnh lao đồng nhiễm HIV và người không bị HIV là tương tự nhau. Mục tiêu dùng thuốc điều trị lao là nhằm ngăn chặn khả năng lao tiềm ẩn tiến triển thành thể lao hoạt động. Trường hợp lao đang hoạt động dùng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn lao. Tùy trường hợp mắc lao tiềm ẩn hay lao thực sự sẽ có phác đồ lựa chọn thuốc cũng như thời gian điều trị bệnh lao khác nhau.

Trong khi điều trị lao, cần song song điều trị nhiễm HIV. Tùy theo thể trạng, hoàn cảnh của người bệnh để quyết định thời điểm bắt đầu cũng như lựa chọn thuốc điều trị.

Lưu ý, các loại thuốc trị lao và HIV khi được sử dụng cùng một lúc có khả năng làm gia tăng tình trạng tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc cũng tăng lên và khó kiểm soát hơn.

Do tác động qua lại của 2 loại thuốc, độc tính có trong thuốc và hiện tượng phản ứng của cơ thể bệnh nhân đối với thuốc sẽ khiến cho tình hình điều trị trở nên phức tạp hơn, do đó người bệnh dễ có suy nghĩ từ bỏ thuốc giữa chừng.

Do đó bệnh nhân cần có ý chí vững vàng, đồng thời cần có sự động viên của người thân để vượt qua những trở ngại này. Nếu kiên trì điều trị thì bệnh nhân có cơ hội phục hồi dần và chữa khỏi bệnh lao.

BS. Hoàng Thị Phượng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-can-xet-nghiem-lao-o-nguoi-nhiem-hiv-1692412011342151.htm