Vì sao càng nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ chỉ nguyên nhân khiến ai cũng 'sốc'

Từ lâu, nhồi máu cơ tim vẫn được xem là 'căn bệnh của tuổi già'. Thế nhưng, thực tế đang cho thấy căn bệnh nguy hiểm này ngày càng trẻ hóa, không ngần ngại 'gõ cửa' cả những người đang ở độ tuổi sung sức nhất.

Tỉnh dậy sau hơn một tuần điều trị nhồi máu cơ tim, anh Nguyễn Văn Q. (32 tuổi, TP Vinh) vẫn chưa thể tin rằng mình vừa bước một chân vào cửa tử chỉ sau một cơn đau tức ngực.

Làm công nhân tại khu công nghiệp, anh Q. đã hút thuốc lá hơn 10 năm, mỗi ngày hơn một bao. Đêm nhập viện, anh đột ngột đau tức ngực dữ dội và được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An. Kết quả chẩn đoán: nhồi máu cơ tim. Sau khi được dùng thuốc ổn định, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt stent. May mắn được cấp cứu kịp thời, anh đã vượt qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân đã ổn định, đang duy trì thuốc điều trị suy tim và đã bỏ hút thuốc.

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện HNĐK Nghệ An can thiệp cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện HNĐK Nghệ An can thiệp cho bệnh nhân.

Cũng bị đau ngực dữ dội sau khi uống rượu, anh Nguyễn Trung D. (35 tuổi) phải cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Anh cho biết mình là tài xế, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm và mắc bệnh tiểu đường. Sau khi uống rượu với bạn bè, anh bắt đầu xuất hiện cơn đau thắt ngực, kèm theo tức ngực, khó thở, cơn đau tăng dần.

Khi nhập viện, bệnh nhân được tiên lượng "lành ít dữ nhiều". Các bác sĩ lập tức sốc điện, dùng thuốc và chuyển thẳng vào phòng mổ, "chạy đua với tử thần để giành lại bệnh nhân". Quá trình can thiệp phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch vành, phải tiến hành thông mạch. May mắn, anh đã được cấp cứu kịp thời và vượt qua nguy kịch.

Các bác sĩ Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, nếu trước đây độ tuổi 45 còn được xem là quá trẻ để mắc nhồi máu cơ tim, thì nay căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí xuất hiện ở nhóm dưới 40 tuổi. Đáng chú ý, phần lớn trong số đó có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tim mạch.

Theo thống kê từ các bệnh viện lớn trên cả nước, tỷ lệ người trẻ mắc nhồi máu cơ tim đã chạm ngưỡng 10,5%, trong đó nhóm rất trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm 1,8%. Những con số biết nói này là hồi chuông cảnh báo về xu hướng trẻ hóa đáng lo ngại của bệnh lý tim mạch hiện nay.

Hình ảnh kíp bác sĩ đang can thiệp tim mạch cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Hình ảnh kíp bác sĩ đang can thiệp tim mạch cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Trao đổi với phóng viên, BSCKII Phan Việt Tâm Anh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Tim mạch 1, Bệnh viện HNĐK Nghệ An – cho biết, nhồi máu cơ tim là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch vành – con đường đưa máu nuôi dưỡng trái tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời, hậu quả để lại là tổn thương, hoại tử cơ tim, dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Tâm Anh lý giải, xơ vữa động mạch là "thủ phạm" chính gây tắc nghẽn mạch máu – vốn trước đây hiếm gặp ở người trẻ. Nhưng theo các nghiên cứu mới, thực tế này đang thay đổi. Hiện nay, có từ 4–10% ca nhồi máu cơ tim cấp xảy ra ở người dưới 45 tuổi, chủ yếu là nam giới khỏe mạnh, không có bệnh nền rõ ràng. Đáng chú ý, ở nhóm bệnh nhân trẻ, tổn thương mạch vành thường khu trú, chỉ ảnh hưởng một nhánh động mạch, nhưng vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh các yếu tố như di truyền, bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…), thì lối sống hiện đại thiếu khoa học cũng đang góp phần đẩy nhanh quá trình “già hóa trái tim” ở người trẻ.

Nhồi máu cơ tim cấp, căn bệnh từng gắn liền với người cao tuổi, nay đang có xu hướng trẻ hóa.

Nhồi máu cơ tim cấp, căn bệnh từng gắn liền với người cao tuổi, nay đang có xu hướng trẻ hóa.

Cũng theo BSCKII Phan Việt Tâm Anh, trước đây, xơ vữa động mạch vành được xem là căn bệnh của người cao tuổi, hiếm gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi nhanh chóng khi tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Thực tế này cho thấy quan niệm xơ vữa động mạch chỉ xảy ra ở người lớn tuổi đang dần trở nên lỗi thời. Bên cạnh yếu tố di truyền, những nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa ở người trẻ gồm: stress kéo dài, chế độ ăn uống thất thường, ít vận động, thừa cân, béo phì và đặc biệt là hút thuốc lá.

Khói thuốc không chỉ phá hủy thành mạch, mà còn gây co thắt mạch vành, rối loạn nhịp tim, làm tăng nguy cơ đột tử lên nhiều lần. Dù đã nhiều lần được cảnh báo, nhưng tình trạng hút thuốc lá ở người trẻ – thậm chí ở cả tuổi vị thành niên – vẫn đang có xu hướng lan rộng.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: hút thuốc lá, ít vận động, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch. BSCKII Phan Việt Tâm Anh khuyến cáo: “Người dân, đặc biệt là người trẻ, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, thay đổi lối sống và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng tránh những biến cố tim mạch nguy hiểm.”

Dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe – đặc biệt là tim mạch – nhưng thực tế, không ít người vẫn phớt lờ. Việc hút thuốc thường xuyên không chỉ tàn phá thành mạch máu, mà còn dễ gây co thắt động mạch vành – yếu tố trực tiếp dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đáng lo ngại hơn, khói thuốc làm tăng nồng độ catecholamine trong máu, gây rối loạn nhịp tim, rung thất và có thể dẫn đến đột tử nếu không được xử trí kịp thời.

Thực trạng hút thuốc đang trẻ hóa nhanh chóng, len lỏi cả vào nhóm tuổi vị thành niên. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm, theo dõi sát sao con em mình để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị dụ dỗ sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-cang-nhieu-nguoi-tre-bi-nhoi-mau-co-tim-bac-si-chi-nguyen-nhan-khien-ai-cung-soc-169250507114134813.htm