Vì sao Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam bị khởi tố?
Các bị can đã giúp cho cựu lãnh đạo Công ty Thái Dương tổ chức khai thác, bán trái phép trên 160.000 tấn quặng đất hiếm và quặng sắt. Qua đó hưởng lợi bất chính hơn 630 tỷ đồng.
Ngày 1/12, mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) về tội Buôn lậu.
Cùng tội này, cơ quan điều tra khởi tố bị can Đỗ Hạnh Hương (Phó giám đốc Công ty Đất hiếm Việt Nam) cùng hai nhân viên dưới quyền gồm Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến.
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can Nguyễn Quang Mạnh (Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú) về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Theo cáo buộc, các bị can trên đã có hành vi giúp cho cựu lãnh đạo Công ty Thái Dương tổ chức khai thác, bán trái phép trên 160.000 tấn quặng đất hiếm và quặng sắt. Qua đó hưởng lợi bất chính hơn 630 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm bị can tại Công ty Đất hiếm Việt Nam bị điều tra hành vi khai báo hải quan gian dối để xuất khẩu và bán trái phép trên 470 tấn quặng đất hiếm ước tính tổng trị giá trên 380 tỷ đồng. Hành vi này gây thiệt hại về thuế (tạm tính) cho Nhà nước số tiền khoảng 80 tỷ.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh tố tụng đối với 5 bị can nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Nhà chức trách đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Trong vụ án này, hôm 20/10, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương), Nguyễn Văn Chính (Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng) và 4 bị can khác.
Theo cáo buộc, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép trên 11,2 triệu kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và hơn 152,8 triệu kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng. Qua đó, họ hưởng lợi bất chính khoảng 632 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính còn thỏa thuận với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp Công ty Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước trên 7,5 tỷ đồng.