Vì sao Chủ tịch tỉnh Quảng Nam không đồng thuận ý tưởng xây khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia?
Ngày 11/10, tại Hội nghị của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (lần thứ 2) tổ chức tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đề nghị không nên xây dựng trung tâm xử lý chất thải rắn cấp quốc gia ở tỉnh này.
Phát biểu tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, ông Lê Trí Thanh cho biết: Hoàn toàn rất bất ngờ về ý tưởng xây dựng trung tâm xử lý rác thải quốc gia đặt ở Quảng Nam.
Ông Thanh cho biết, tỉnh Quảng Nam đã phải ứng xử rất nhiều với các sự cố trong xử lý chất thải rắn. Quan điểm của địa phương là xử lý chất thải rắn nên phân tán, không nên tập trung ở cấp độ quốc gia tại bất cứ một địa phương nào.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị: Mỗi tỉnh, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng một trung tâm xử lý với công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô, công suất phát triển kinh tế - xã hội của mình.
“Xây trung tâm cấp quốc gia mặt tích cực có thể có. Nhưng mặt hạn chế là khi chúng ta xảy ra sự cố đối với nguồn chất thải rắn thì hàng loạt địa phương sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó không cần thiết”, ông Thanh cho biết.
Liên quan đến báo cáo quy hoạch vùng được đơn vị tư vấn trình bày tại hội nghị, ông Thanh cho biết: Quy hoạch sẽ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương nếu như làm tốt. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu làm vội vàng thì sẽ kìm hãm sự phát triển của các địa phương, gây tác động xấu đến cả khu vực.
“Dự thảo quy hoạch chưa nêu bật được tính đột phá cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh trong ngắn hạn. Ví dụ như về du lịch, địa phương nào cũng có du lịch, nhưng đột phá về du lịch thì chưa chỉ ra được. Chưa có tính logic giữa việc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển”, ông Thanh nói.
Chủ tịch Quảng Nam cũng cho rằng, cần làm rõ những công trình trọng điểm, công trình có thể thu hút được đầu tư vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách. Trong tiểu vùng cần phải xác định chức năng, nhiệm vụ cơ chế riêng cho từng tiểu vùng để từng tiểu vùng phát triển.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phân chia thành 3 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa - Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.