Vì sao chúng ta cần bàn về văn chương Thụy Điển?

Hội thảo Văn học Thụy Điển và triển lãm poster 'Giữa những dòng chữ' diễn ra vào tối ngày 9/10 nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 55 năm ngoại giao giữa Việt Nam và đất nước Bắc Âu này.

Buổi hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả đến tham dự. Tại đây, bạn đọc Việt Nam được lắng nghe những chia sẻ từ các nhà văn Thụy Điển đến tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Ngoài ra triển lãm poster "Giữa những dòng chữ" do Viện Thụy Điển sản xuất là hợp tác giữa các tác giả và các chuyên gia văn học nổi tiếng của Thụy Điển, nơi họ chia sẻ suy nghĩ về những vấn đề cơ bản xung quanh vai trò và ý nghĩa của văn chương.

 Nhà văn Karin Smirnoff (trái) chia sẻ về văn học Thụy Điển. Ảnh: P.T.L

Nhà văn Karin Smirnoff (trái) chia sẻ về văn học Thụy Điển. Ảnh: P.T.L

Dấu ấn văn học Thụy Điển

Theo đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, thời gian gần đây, có nhiều tác phẩm đến từ cây viết Thụy Điển được dịch ra tại Việt Nam và ngược lại, nhiều sách Việt Nam được dịch và xuất bản tại Thụy Điển mà có thể nhiều người chưa biết.

Nhà văn và tác giả người Thụy Điển Karin Smirnoff là đại diện Bắc Âu duy nhất có mặt trực tiếp tại Hà Nội tối ngày 9/10. Bà là người viết tiếp series sách bán chạy và đoạt giải thưởng Millennium, vốn do Stieg Larsson sáng tác, được xuất bản tại Việt Nam dưới tên gọi Cô gái có hình xăm rồng - Cô gái đùa với lửa - Cô gái chọc tổ ong bầu.

Bên cạnh việc chia sẻ quá trình sáng tác của bản thân, Karin Smirnoff cũng giải thích cho độc giả về thuật ngữ "Nordic Noir" - vốn để chỉ một thể loại tiểu thuyết trinh thám tội phạm đặc trưng của các nước Bắc Âu.

Theo đó, dàn nhân vật trong thể loại này thường là những người gặp phải các vấn đề về tâm thần như điên loạn, chống đối xã hội, độc đoán… thực hiện các tội ác và tạo ra bầu không khí tăm tối và sầu thảm ghê rợn.

Thụy Điển nói riêng và các nước trên bán đảo Scandinavia nói riêng có một nền tảng hoàn hảo cho thể loại này, với đặc điểm tự nhiên ít nhận được ánh nắng mặt trời, thời tiết lạnh giá, nhiều tuyết, dễ tạo cảm giác cô đơn. Hơn thế nữa, các nước Bắc Âu thường có vẻ ngoài "hoàn hảo" như quốc gia hạnh phúc, dễ tạo nên sự đối lập với những tội ác xảy ra ở bên trong.

Một nhà văn Thụy Điển khác kết nối thảo luận trực tuyến là Patrik Svensson, tác giả của cuốn sách Phúc âm của loài cá chình, một phần là phi hư cấu về loài cá chình và lịch sử văn hóa của nó, một phần là tự truyện về tác giả và cha ông.

Patrik Svensson chia sẻ về hành trình sáng tác và tìm hiểu để viết nên cuốn sách độc đáo kết hợp giữa hư cấu và khoa học về loài cá chình, một trong những sinh vật bí ẩn nhưng hấp dẫn nhất hành tinh.

Cuốn sách đã được bán bản quyền sang 33 ngôn ngữ khác nhau và giành giải August cho sách phi hư cấu của Thụy Điển vào năm 2019.

 Nhiều tựa sách Thụy Điển được dịch ra tiếng Việt và nhiều sách Việt Nam được xuất bản tại Thụy Điển. (Hàng dưới từ trái qua phải: Dế Mèn phiêu lưu ký, Nỗi buồn chiến tranh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Cánh đồng bất tận.)

Nhiều tựa sách Thụy Điển được dịch ra tiếng Việt và nhiều sách Việt Nam được xuất bản tại Thụy Điển. (Hàng dưới từ trái qua phải: Dế Mèn phiêu lưu ký, Nỗi buồn chiến tranh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Cánh đồng bất tận.)

Độc giả tham dự còn được lắng nghe phần đọc đến từ nhà thơ Niklas Schioler và phần phân tích thơ Tomas Tranströmer - nhà thơ Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn chương năm 2011.

Thụy Điển - Cái nôi của giải thưởng Nobel Văn chương danh giá

Giải Nobel Văn chương được công bố vào tháng mười hàng năm, được lựa chọn bởi Viện Hàn lâm Thụy Điển, trao cho những tác giả có cống hiến cho việc viết lách và tạo ra được những thành quả tuyệt vời.

Trong lịch sử, từng có 7 tác giả người Thụy Điển được trao Nobel Văn chương, lần lượt gồm Selma Lagerlöf (1909), Verner von Heidenstam (1916), Erik Axel Karlfeldt (1931), Pär Lagerkvist (1951), Eyvind Johnson (1974), Harry Martinson (1974) và Tomas Tranströmer (2011).

Selma Lagerlöf là nhà văn nữ đầu tiên của Thụy Điển cũng như của thế giới từng được trao Nobel. Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils Holgersson là cuốn sách nổi tiếng của bà được dịch và yêu thích tại Việt Nam suốt nhiều thế hệ.

Đây là câu chuyện về một cậu bé ngỗ nghịch 14 tuổi bị biến thành tí hon, lên đường chu du khắp các vùng quê Thụy Điển trên lưng của một con ngỗng, bắt đầu bài học về tình yêu thương, thiên nhiên, địa lí và văn hóa của đất nước mình.

Nhà thơ Tomas Tranströmer cũng là một trong tác giả Thụy Điển được đón nhận tại Việt Nam với số lượng bài thơ được dịch tương đối đồ sộ, phần lớn là bản dịch của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.

Theo nhà thơ Nguyễn Vũ Hiệu, người đã đọc và phân tích thơ của Tomas Tranströmer trong buổi hội thảo, thơ của ông có tính phổ quát, phù hợp với bất cứ ai, đọc ở bất cứ quốc gia nào, thời điểm nào.

 Selma Lagerlöf và Tomas Tranströmer là hai tác giả người Thụy Điển chiến thắng Nobel Văn chương được yêu thích tại Việt Nam.

Selma Lagerlöf và Tomas Tranströmer là hai tác giả người Thụy Điển chiến thắng Nobel Văn chương được yêu thích tại Việt Nam.

Hai khách mời của buổi hội thảo là Mats Malm và Anna-Karin Palm là thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng có những chia sẻ ngắn gọn về quá trình tuyển chọn giải Nobel Văn chương.

Nhờ vào quá trình tuyển chọn khép kín, danh sách đề cử chỉ được tiết lộ vào 50 năm sau, Nobel Văn chương trở thành giải thưởng bí ẩn và đầy bất ngờ nhất trong lĩnh vực văn học. Mỗi năm khi gần đến tháng Mười, các dự đoán lại liên tiếp mở ra nhưng rất ít khi chính xác do phạm vi quá lớn.

Nobel Văn chương 2023 được trao cho nhà văn người Na Uy Jon Fosse, vì "những vở kịch và áng văn xuôi sáng tạo đã lên tiếng thay những điều không thể nói".

Chủ nhân giải Nobel Văn chương 2024 sẽ được công bố vào 18h00 ngày 10/10 theo giờ Việt Nam.

Thiên Ái

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-chung-ta-can-ban-ve-van-chuong-thuy-dien-post1503109.html