Vì sao có những người ăn nhiều mà vẫn không tăng cân?

Ăn quá nhiều đồ ăn trong một bữa vô tình tạo áp lực cho hệ tiêu hóa khiến thức ăn không chuyển hóa được thành chất dinh dưỡng cũng là lý do tại sao ăn mãi không béo.

(Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Ăn mãi không tăng cân, không béo được là tình trạng nhiều người gặp phải, nhất là những người gầy. Nỗ lực tăng cân mãi không thành công sẽ khiến họ băn khoăn tại sao ăn mãi không béo.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và có cách nào khắc phục được không?

1. Vì sao ăn mãi không tăng cân?

Vì sao có người “chỉ hít khí trời cũng béo," ngược lại có người “ăn cả thế giới” mà mãi không béo. Đây là câu hỏi rất được quan tâm bởi hội người gầy muốn tăng cân. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này và dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.

Công việc căng thẳng

Bạn thường hay gặp phải những áp lực công việc đè nén dẫn đến sức khỏe bị sút giảm, cân nặng không khả quan.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Mất ngủ kéo dài

Trung bình bạn cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày mới có thể đảm bảo được cho sức khỏe. Cho nên, nếu bạn ngủ không đủ giấc, ngủ quá ít hoặc thức khuya sẽ khiến lượng calo tiêu hao nhanh, dẫn đến cân nặng giảm sút.

Thói quen ăn uống

Khi ăn uống mà không chú ý đến sức khỏe hệ tiêu hóa thì cũng khó hấp thu được dinh dưỡng nên không thể tăng cân. Mặt khác, có nhiều người bỏ bữa sáng, theo thời gian khiến dạ dày gặp vấn đề và cơ thể dễ mắc nhiều bệnh lý nên việc hấp thu dưỡng chất cũng khó khăn.

Một điều không thể bỏ qua nữa là nhiều người ăn quá nhiều đồ ăn trong một bữa vô tình tạo áp lực cho hệ tiêu hóa và thức ăn không chuyển hóa được thành chất dinh dưỡng. Đây cũng chính là lý do tại sao ăn mãi không béo.

Mất cân bằng dinh dưỡng

Yếu tố về dinh dưỡng là điều quan trọng để giúp bản thân mỗi người phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc dẫn đến khó tăng cân còn đến từ nguồn dưỡng chất bị thiếu như là sắt, kẽm, magie, vitamin, khoáng chất,... Nếu để tình trạng thiếu chất kéo dài dễ làm mất cân bằng hệ sinh hóa, ức chế dây thần kinh dễ dẫn tới tình trạng biếng ăn, càng ảnh hưởng lớn về sức khỏe.

Thức ăn không được hấp thụ

Có nhiều người thể trạng yếu, suy nhược cơ thể nên không hấp thụ được thức ăn và dẫn tới biếng ăn. Bạn không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho bản thân dễ khiến cho cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu sức sống.

Việc hấp thụ kém còn có thể do lợi khuẩn đường ruột của bạn không tốt hoặc có thể bạn đang có vấn đề về hệ tiêu hóa. Gây cản trở quá trình chuyển hóa trao đổi chất, mất cân bằng về thể trạng.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Chuyển hóa năng lượng cao

Rất nhiều người gầy khó tăng cân mà không biết tại sao ăn mãi không béo. Những trường hợp này là do cơ thể chuyển hóa năng lượng cao tức là mức năng lượng tiêu hao cho các hoạt động cao hơn nhiều so với người bình thường.

Các trường hợp có mức chuyển hóa năng lượng cao sẽ hay có biểu hiện tim đập nhanh, da luôn nóng,... Để hạn chế tiêu hao năng lượng tốt nhất nên tránh dùng chất kích thích, đồ uống có ga và bổ sung thực phẩm có tính hàn trong thực đơn hằng ngày.

Lạm dụng thuốc tăng cân

Nếu bạn đang dùng thuốc kích thích tăng cân hoặc phụ thuộc nhiều vào thực phẩm chức năng thì đây cũng là một trong các lý do ăn mãi không béo được. Việc sử dụng thuốc hay những thực phẩm này có thể giúp tăng cân tạm thời nhưng thực chất đó chỉ là tăng do tích mỡ hoặc nước chứ không tăng khối cơ bên trong cơ thể.

Điều đáng lưu tâm là việc sử dụng kéo dài những sản phẩm này có thể khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ nguy hại đến sức khỏe.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Lười vận động

Nhiều người cho rằng khi gầy thì cơ thể không có nhu cầu tập luyện để tăng cân nhưng điều này không đúng. Việc tập luyện thường xuyên không chỉ giúp cải thiện các vấn đề về sức khỏe, tăng độ dẻo dai mà còn cải thiện quá trình trao đổi chất. Chính quá trình này mới quyết định đến vấn đề tăng cân.

Một số bệnh lý

Ngoài những lý do kể trên, bạn cũng nên cảnh giác với một số bệnh lý bên trong cơ thể làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng dù đã có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất.

Bệnh cường giáp: Cường giáp làm tăng tiết hormone tuyến giáp nên quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, phải đốt cháy calo nhiều hơn. Bệnh nhân bị cường giáp không điều trị sớm thì sẽ bị sụt cân, khó và thậm chí không thể tăng cân được dù đã ăn rất nhiều.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Bệnh tiểu đường: Bị tiểu đường thường ăn nhiều mà không tăng được cân. Do bệnh lý này hay gắn với người béo phì nên nhiều người chủ quan không biết rằng đó chính là nguyên nhân khiến người gầy ăn mãi không tăng cân. Khi dư thừa đường huyết trong cơ thể thì sẽ đào thải qua nước tiểu gây mất glucose nên dù ăn nhiều nhưng không tăng được cân hoặc bị sụt cân.

Bệnh viêm ruột: Tình trạng viêm nhiễm trong bệnh lý này ảnh hưởng đến chức năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm đưa vào cơ thể, gây mất nước, tiêu chảy,... nên người bệnh cũng khó tăng cân.

 (Ảnh: Getty Images)

(Ảnh: Getty Images)

Bị rối loạn ăn uống: Tình trạng này liên quan trực tiếp đến tâm thần và tâm lý nên người bệnh gặp phải nhiều khó khăn trong ăn uống và duy trì cân nặng. Một số trường hợp bị rối loạn mức độ nặng và chán ăn tâm thần còn giảm cân nhanh và rất khó tăng cân trở lại.

2. Cách tăng cân nhanh đảm bảo an toàn

Có thể bạn nghĩ rằng việc tăng cân khó khăn và đó là điều không thể thực hiện. Nhưng bạn chỉ việc tập thể dục đều đặn cùng với thay đổi thói quen ăn uống không phù hợp hàng ngày sẽ trở nên dễ hơn. Cách tăng cân cần chú ý đầu tiên là cung cấp đủ 3 bữa chính với những thực phẩm có tính lành mạnh và lối sinh hoạt điều độ.

Bổ sung thực phẩm giàu chất protein

Một trong những dưỡng chất quan trọng và tuyệt vời khi áp dụng cách tăng cân đó là protein (chất đạm). Cơ bắp được cấu tạo nên từ protein, nếu không thì mọi dưỡng chất bạn nạp vào cơ thể sẽ tích tụ ở dạng mỡ.

Bạn nên nạp vào cơ thể từ 1,5-2,2g protein trên trọng lượng cơ thể của mỗi người. Nếu bạn là vận động viên thể thao, người tập gym có thể tăng dưỡng chất protein vì cơ thể tiêu hao calo sẽ nhiều hơn.

 (Ảnh: Getty Images)

(Ảnh: Getty Images)

Tăng khẩu phần ăn với carbohydrate và chất béo

Đối với người giảm cân, họ sẽ cần hạn chế carbohydrate và chất béo. Còn với người gầy sẽ ngược lại hoàn toàn về dưỡng chất bổ sung cho cơ thể. Cách tăng cân là bạn cần ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo lành mạnh với mỗi bữa ăn để có thể đạt được lượng calo mục tiêu.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên đảm bảo trong khẩu phần ăn có đủ cả protein, carbohydrate, chất béo ít nhất đủ 3 bữa/ngày. Ngoài bữa chính ra, bạn có thể ăn thêm các bữa phụ với lượng dinh dưỡng thích hợp để giúp bổ sung năng lượng hoạt động trong ngày.

Chọn lựa thực phẩm giàu dưỡng chất

Trong mỗi thực đơn ăn uống của người gầy, cách tăng cân để giúp bữa ăn ngon kích thích vị giác, bạn nên sử dụng thêm gia vị và nước sốt. Ngoài ra, bạn có thể chọn ra thực phẩm bổ sung nhiều năng lượng, giàu calo như thịt bò, gà, lợn, cừu,... ưu tiên nên chọn thịt có mỡ.

Cá hồi là loại thực phẩm lành mạnh, có chứa các loại chất béo tốt cho sức khỏe và hàm lượng dinh dưỡng cao. Do đó, nếu bạn đang muốn tăng cân an toàn thì nên bổ sung cá hồi trong chế độ ăn hàng ngày.

Cá ngừ được xem là một loại thực phẩm tuyệt vời để giúp cơ thể tăng cân mà không gây nguy hại gì cho sức khỏe.

Những loại động vật có vỏ như tôm, cua, sò, hàu,... sẽ là nguồn cung cấp protein tuyệt vời để giúp cơ thể tăng cân. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều hoặc chế biến thành những món ăn có sử dụng kèm một hàm lượng lớn bơ vì sẽ gây ra tác dụng ngược đến sức khỏe.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Dùng dầu quả bơ hoặc dầu ôliu nguyên chất cho bữa ăn.

Các loại sữa giàu chất béo gồm sữa chua, sữa nguyên chất, phô mai, kem.

Một số loại hạt như óc chó, đậu phộng, hạnh nhân.

Bạn cũng nên bổ sung thêm khoai lang, khoai tây, khoai mỡ cũng là cách tăng cân hiệu quả cho người gầy.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm bữa ăn phụ bằng một số loại trái cây giúp tăng cân nhanh đồng thời giúp cơ thể đủ dưỡng chất bao gồm chuối, xoài, sầu riêng, trái cây sấy khô, quả bơ,...

Nếu bạn bị rơi vào tình trạng ăn mãi không tăng cân trong một thời gian dài, tốt nhất nên đi khám bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng để xác định nguyên nhân và tìm ra hướng điều trị phù hợp./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-co-nhung-nguoi-an-nhieu-ma-van-khong-tang-can-post968446.vnp