Vì sao con đường Đặng Lê Nguyên Vũ đã, đang và sẽ đi không còn đơn độc? - Kỳ 1

Câu hỏi này đã được giải đáp sau khi Hành trình Từ Trái Tim đến với miền Đông và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khép lại, cũng là khép lại một năm với 4 hành trình lớn lao, tâm huyết.

Đi thật xa, đến những nơi khó khăn nhất để thắp lên ánh sáng của niềm tin, khát vọng

Song song với chương trình tặng sách diễn ra tại các trường ĐH, CĐ, thư viện tỉnh, đoàn xe khác biệt của Hành trình Từ Trái Tim cũng len lỏi tới những vùng sâu, xa, khó khăn nhất của ĐBSCL để thắp lên ánh sáng của ngọn đèn tri thức, của niềm tin và khát vọng làm giàu.

Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện trên sông nước ở chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), ở cù lao Mỹ Hòa Hưng (An Giang), cụm dân cư Nam Hang (Đồng Tháp) và những trường tiểu học, THCS như Vồ Dơi, Thường Phước, Phong Điền, U Minh Thượng...

Chạy xe từ 4h sáng để kịp có mặt lúc mờ tối ở chợ nổi Ngã Năm, chúng tôi đã vô cùng xúc động vì câu chuyện người phụ nữ lớn tuổi như dì Đan phải lên tới tận Bình Dương để mua sách cho cháu nội học ĐH. Không chỉ tặng sách, dì đan còn muốn quan tâm xem con cháu mình ăn học ra sao. Ở vùng chợ nổi, quanh năm người dân chỉ mải lo buôn bán trên ghe, xuồng, nào có ai ngờ vẫn còn những con người trọng tri thức và tôn trọng khát vọng của người trẻ nhiều đến thế.

"Người ta hổng có sợ con cháu mình đói ăn mà ngại nhất tụi nó nghèo tri thức. Trên đời này, nghèo tri thức là nghèo hết mọi thứ, nghèo cả tình yêu, tiền bạc. Cái nghèo ấy nó là cái hèn, cái bóng đè ghê gớm nhứt", là câu nói của dì Đan khiến chúng tôi nhớ nhất khi nhắc đến chuyến đi tới chợ nổi Ngã Năm.

Dì Đan không được học đến cấp 2, chưa từng đi đâu xa ngoài lộ trình từ Sóc Trăng lên Bình Dương, vậy mà cũng có thể hiểu rằng: "Tặng sách nó khác tặng tiền nhiều lắm chớ". Dì Đan nói, người Sóc Trăng tuy không giàu nhưng họ trọng tri thức. Ai hiểu biết nhiều, ai học giỏi, họ mến, họ thương nhiều lắm. Và khi Hành trình Từ Trái Tim chạm đến vùng đất hiếu học, khát khao truy cầu tri thức như thế... những cuốn sách như đã thực sự chạm đến trái tim họ, được họ nâng niu, trân quý.

"Sách ông Vũ tặng hay quá, tui muốn xin thêm vài chục cuốn nữa tặng cho hàng xóm có được hông", dì Đan đã từng trăn trở khi vừa lật mở những trang sách đầu tiên.

Và, không chỉ có tấm lòng mến mộ 5 cuốn sách quý gồm: Đắc nhân tâm, nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, người dân ở chợ nổi Ngã Năm còn rất nể tấm lòng phụng sự xã hội của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

"Công nhận cái tầm nhìn của ổng rộng lớn thiệt. Người ta muốn trang bị tri thức cho người mình đứng lên tầm cao của thế giới chứ không chỉ dạy cho dân mình giỏi làm ăn, sinh kế ở quanh mảnh đất chật hẹp", anh Ngô Khánh Nguyên - một người được dì Đan tặng lại những cuốn sách từ Hành trình Từ Trái Tim và chỉ mới đọc một chút cuốn Nghĩ giàu làm giàu đã nói với chúng tôi như thế.

Đến với cù lao Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ không biết chữ, sống trên căn nhà nổi ven sông Hậu đã cẩn trọng, dùng hai tay nâng cuốn sách lên trước bóng đèn mà hỏi rằng: "Đây là sách gì thế".

Nguồn điện chị đang soi sáng cuốn sách phải đổi bằng công chị đi làm giúp việc miễn phí cho người ta. Không có điện, đêm về con gái không thể học bài được. Để cho con ăn học, chị Nguyễn Thị Kim Phụng dù đau yếu, vất vả đến đâu cũng cắn răng chịu đựng. Câu chuyện chị kể rằng có đêm, thấy mẹ làm việc đến kiệt sức, người con gái vừa học bài vừa đỏ hoe khóe mắt khiến chúng tôi trực trào nước mắt.

Chị Phụng đã mất một người con vì bệnh nặng, cả đời chị sống nghèo trên sông dù vốn rất căm ghét cuộc sống bị bao quanh bởi bốn bề mênh mông biển nước. Ước mơ cho con có tri thức, để con thoát nghèo là điều chị luôn trăn trở.

Khi tôi giới thiệu cho chị về 5 cuốn sách Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách... chị Phụng tỏ ra rất hào hứng. "Cầm sách ông Đặng Lê Nguyên Vũ tặng này, chị dù không biết chữ vẫn cảm thấy rất xúc động. Chị sẽ tặng lại cho con gái, cho nó có khát vọng đổi đời, chắc chắn nó sẽ rất trân quý những cuốn sách này".

Có người nói với tôi, khát vọng là thứ ai cũng có và hiểu rất rõ. Thực ra không phải như vậy. Rất nhiều người vì luôn lo sợ thất bại, thiếu tri thức, tầm nhìn và trải nghiệm cuộc sống đã không bao giờ dám ước mơ lớn. Chẳng hạn như ở những ngôi trường vùng sâu, xa, khó khăn ở miền Tây, rất nhiều em nhỏ đã bật khóc khi nhận ra, bấy lâu nay mình thực sự chưa có một khát vọng nào được xem là lớn lao.

Đó là câu chuyện của em Lê Nguyên Quyền và Võ Huy Khánh ở cụm dân cư Nam Hang (Đồng Tháp). Bố mẹ của cả 2 đều lên Bình Dương làm công nhân. 2 cậu bé học chung lớp, sống cùng ông bà già cả. Mỗi lần nhìn thấy gia đình các bạn có đủ ba má quây quần bên bữa cơm chiều, 2 đứa lại nắm chặt tay nhau vì tủi thân và vì muốn động viên nhau cùng cố gắng.

Tâm sự với chúng tôi, giống như rất nhiều học sinh có ba má đi làm xa, cả Quyền và Khánh đều mong có thể kiếm ra tiền để ba má quay về nhà sống chung nhưng nếu hỏi các em là làm sao để có tiền thì ít em thực sự có câu trả lời.

Nhận những cuốn sách Hành trình trao tặng, Quyền và Khánh cũng tỏ ra rất háo hức. Nghe chúng tôi kể qua cuộc đời của Chung Ju Yung trong cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, ai nấy đều đỏ hoe mắt. Đó là lần đầu tiên các em nghe nói đến những khát vọng và giấc mơ lớn.

"Hóa ra vẫn còn cách khác để ở gần bố mẹ là học giỏi, làm giàu, thành công hơn là đi làm thuê. Đây là lần đầu có người nói với em như vậy", Quyền nói.

Ở trường tiểu học và THCS Phong Điền (Trần Văn Thời, Cà Mau), rất nhiều em nhỏ cũng đã bật khóc nức nở khi lần đầu được người ở xa đến trao sách và nghe cô giáo chủ nhiệm kể về tấm gương làm giàu của Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là lần đầu tiên các em biết thế nào là khát vọng lớn. Đó cũng là lần đầu, các em nhận ra thế giới ngoài kia có quá nhiều con người vĩ đại và câu chuyện của họ không chỉ có trong sách vở mà tất cả đều là những người bằng xương bằng thịt đang sống trong thời đại của các em.

Hành trình Từ Trái Tim là một bước rất cần thiết để kiến tạo xã hội

Lý giải về Hành trình Từ Trái Tim, Á hậu Hoàng My cho rằng những gì mà Hành trình đang làm là bước rất quan trọng để kiến tạo lại nền tảng xã hội bằng cách ban đầu là xây dựng cho mọi người, nhất là giới trẻ nền móng cơ bản về tri thức, đạo đức, về ý chí, khát vọng, vấn đề xác định năng lực, vị trí của bản thân...

Theo Hoàng My, thông qua việc đọc những cuốn sách giá trị, không ngừng tu rèn bản thân, chúng ta có thể sửa hành vi, thói quen, thay đổi từ việc nhỏ rồi sau đó là thay đổi việc lớn, tiến tới thay đổi cuộc đời. Đất nước có hùng cường hay không, điều đó phụ thuộc vào nền tảng của mỗi công dân nước họ. Nếu nền móng đã vững thì chúng ta có thể đi được rất xa.

"Hành trình Từ Trái Tim đang cố gắng xây nền móng như thế. My nghĩ rằng, một ngày nào đó nếu đất nước mình trở thành một dân tộc dẫn dắt, văn minh, hiện đại, bác ái... thì chúng ta rất cần phải ghi công chương trình Hành trình Từ Trái Tim".

Lý giải về Hành trình Từ Trái Tim, HH Hương Giang cho rằng, thay vì trực tiếp hỗ trợ tài chính khởi nghiệp cho một số người trẻ, ông Vũ đã chọn chuyển giao cho nhiều người kinh nghiệm, tri thức của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã thành công và đúc kết được. Từ đó, mỗi người tự học hỏi và chọn cho mình cách làm tốt nhất.

Theo Hương Giang, sự thành công của một cá nhân sẽ kéo theo đó là thành công của gia đình, dòng họ, quê hương và của cả dân tộc thậm chí là cả thế giới. Một người như Lý Quang Diệu có thể thay đổi cả đất nước Singapore thì không có lý do nào, trong hàng triệu người Việt Nam, nếu chúng ta ai cũng chăm đọc sách, chịu tiến bộ từng ngày mà lại không thể tìm ra một vĩ nhân làm được điều tương tự như thế.

Trao đổi riêng với PV, Nhà giáo Nhân dân nổi tiếng, Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân (một người rất tâm huyến với vùng đất ĐBSCL) nhận xét: "Những gì Tập đoàn Trung Nguyên đã và đang làm đã gây chú ý tới cả cấp lãnh đạo nhà nước. Trong đó, chuyến Hành trình đến với vùng ĐBSCL có ý nghĩa rất lớn tỏng việc đánh thức khát vọng của thế hệ trẻ, giúp họ phải tập trung suy nghĩ nhiều hơn đến việc có thể làm được điều gì để giúp đỡ ba má, quê hương và đất nước mình vươn lên".

* Năm 2020, “Hành trình từ Trái tim” sẽ tiếp tục mở rộng trao tặng thêm các đầu sách mới trong “Tủ sách nền tảng đổi đời” với hơn 100 đầu sách thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất do Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách Nền tảng đổi đời sẽ được trang bị đến hàng chục ngàn thư viện, nhà văn hóa… và hàng triệu hộ gia đình ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt Hành trình sẽ đến với quân và dân trên các cụm đảo miền Trung, quần đảo Trường Sa để trao tặng tủ sách ý nghĩa này.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/vi-sao-con-duong-dang-le-nguyen-vu-da-dang-va-se-di-khong-con-don-doc-ky-1-1470235.tpo