Vì sao con ông Lê Tùng Vân bị gia hạn tạm giam?

Theo luật sư, trường hợp bị can phạm tội nghiêm trọng và vụ án có tính chất phức tạp, cơ quan công an có quyền gia hạn tạm giam tối đa 2 tháng với các bị can.

Công an tỉnh Long An đã gia hạn tạm giam đến ngày 3/6 đối với các bị can Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) và Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi). Đây là 3 bị can liên quan tới vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai và đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 7/1 về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài 3 bị can, ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) cũng bị khởi tố về tội danh này nhưng không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi giam giữ.

Theo quy định pháp luật, những trường hợp nào bị can bị gia hạn tạm giam. Và thời gian tạm giam tối đa có thể áp dụng là bao lâu?

 Ông Lê Tùng Vân cùng những người liên quan tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: A.L.

Ông Lê Tùng Vân cùng những người liên quan tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: A.L.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho biết để tính thời hạn tạm giam, cần xác định các bị can bị khởi tố theo khoản nào tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu bị khởi tố theo khoản 1, mức án tối đa là 3 năm tù còn nếu bị xác định ở khoản 2, mức án tối đa các bị can đối mặt là 7 năm tù.

Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 về phân loại tội phạm, các bị can sẽ bị xếp vào nhóm phạm tội ít nghiêm trọng nếu bị khởi tố theo khoản 1 hoặc nhóm tội phạm nghiêm trọng nếu bị khởi tố theo khoản 2.

Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời hạn tạm giam bị can là không quá 2 tháng với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng và không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, cơ quan công an có quyền gia hạn thời gian tạm giam thêm tối đa 1 tháng với tội phạm ít nghiêm trọng và 2 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng.

"Như vậy, tổng thời gian tạm giam tối đa tại cơ quan công an đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng là 3 tháng và với bị can phạm tội nghiêm trọng là 5 tháng. Nếu các bị can trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 và cơ quan công an nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian dài hơn để điều tra, việc gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với các bị can là phù hợp với quy định", luật sư Tuấn Anh phân tích.

Cùng quan điểm, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cũng cho rằng việc gia hạn tạm giam đối với các bị can trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng là đúng quy định và có cơ sở.

Ngoài ra, luật sư cho biết khi vụ án được chuyển sang VKSND tỉnh Long An, nếu nhận thấy cần tiếp tục tạm giam bị can để điều tra, VKS có quyền gia hạn tạm giam một lần đối với tội phạm nghiêm trọng. Thời gian gia hạn tạm giam tương tự như tại cơ quan công an.

Khi đã hết thời hạn tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do cho người bị tạm giam. Trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-con-ong-le-tung-van-bi-gia-han-tam-giam-post1312305.html