Vì sao công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế?

Sản xuất công nghiệp đang duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là sự phục hồi ấn tượng của lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 tăng cao nhất cùng kỳ 6 năm qua

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự khởi sắc. Với những tín hiệu tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất-kinh doanh trong năm nay.

Sản xuất công nghiệp đang duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là sự phục hồi ấn tượng của lĩnh vực chế biến, chế tạo. Ảnh: Cấn Dũng

Sản xuất công nghiệp đang duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là sự phục hồi ấn tượng của lĩnh vực chế biến, chế tạo. Ảnh: Cấn Dũng

Đơn cử như Công ty CP -Tập đoàn Kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng sản xuất vì cơn bão số 3, nhưng đơn vị tập trung chạy nước rút phục vụ các đơn hàng cả trong nước và xuất khẩu. Tại thời điểm lượng đơn hàng triển khai tăng 30% so với cùng kỳ. Các đơn hàng lập ra theo lộ trình đã thống nhất với khách hàng và tất cả các bộ phận phải chạy theo, bên cạnh đó chúng tôi phải tuyển dụng thêm nhân sự.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, động lực quan trọng cho mức tăng trưởng GDP 7,4% trong quý III/2024 là khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,11%, đóng góp 48,88% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41% - mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây.

"Giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III là một điểm sáng nổi bật, đạt cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây, cao hơn cả mức tăng của 9 tháng năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát" -báo cáo nêu rõ.

Tính chung giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế

Ngoài ra, tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).

Đáng chú ý, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Trong đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Lai Châu tăng 47%; Phú Thọ tăng 40,3%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 20%; Bình Phước tăng 17,5%.

Với kết quả trên, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

TS Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất.

Tập trung các giải pháp tăng trưởng trong dài hạn

Để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.

Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Về phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tiep-tuc-la-diem-sang-dan-dat-tang-truong-kinh-te-351085.html