Vì sao COVID-19 tưởng đột ngột biến mất ở châu Phi bùng trở lại?
Dịch bệnh quay lại tấn công châu Phi ở thời điểm nhiều người dân lục địa đen tin rằng COVID-19 chỉ còn là dĩ vãng.
Tại một khu chợ sầm uất ở ngoại ô thủ đô Harare của Zimbabwe hồi giữa tháng 11, Nyasha Ndou đút khẩu trang vào trong túi. Như nhiều người khác trong chợ, anh chen lấn vào các quầy hàng để mua hoa quả.
Tại Harare và phần lớn Zimbabwe cách đây một tháng, COVID-19 dường như đã chìm vào quá khứ. Các sự kiện công cộng được tổ chức trở lại. Người dân tới các khu chợ mua sắm mà không còn đeo khẩu trang hay vải che mặt.
"Virus đã biến mất, lần cuối cùng bạn nghe đến COVID-19 là khi nào? Khẩu trang chỉ là thứ bảo vệ cho ví tiền của tôi. Cảnh sát sẽ phạt tiền nếu bạn ra ngoài mà không đeo nó", Ndou nói.
Ndou và nhiều người khi đó thực sự tin rằng dịch bệnh đã biến mất.
Truyền thông quốc tế cũng liên tục đưa tin về sự hạ nhiệt bất thường ở Nam Phi và đặt giả thiết đó có thể là một dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sắp chấm dứt. Nhưng đó là trước khi họ được nghe về Omciron.
Tan mộng hết dịch vì Omicron
Được báo cáo lần đầu tiên hôm 23/11, chỉ trong một tuần biến chủng COVID-19 này xuất hiện ở 4 quốc gia của lục địa đen là Nam Phi, Botswana, Ghana và Nigeria.
Tới tuần này, Omciron lây lan sang 7 quốc gia khác ở châu Phi bao gồm Uganda, Zambia, Senegal, Tunisia, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Tuần từ 29/11-5/12 ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục ở châu Phi khi lục địa này báo cáo 98.000 ca nhễm mới, tăng 88% so với tuần trước.
Trong số 1.000 ca lây nhiễm biến thể Omicron trên toàn cầu, 46% số ca được phát hiện tại châu Phi.
Đặc biệt ở Nam Phi, số ca COVID-19 đang tăng chóng mặt với nguyên nhân mà các chuyên gia tin là do sự xuất hiện của biến chủng mới.
Hồi đầu tháng 11, số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày của Nam Phi dừng ở mức 200 ca bệnh/ngày. Vào những ngày đầu phát hiện các ca nhiễm Omicron, số ca bệnh nước này báo cáo vào khoảng vài nghìn ca.
Nhưng tới 8/12, nước này ghi nhận tới gần 20.000 ca bệnh và 36 người chết. Thống kê cho thấy số ca bệnh mới tại Nam Phi đã tăng 255% trong 7 ngày qua.
Omicron hiện cũng là biến chủng thống trị ở Nam Phi. Trong số 249 ca COVID-19 được giải trình gen trong tháng 11, có tới 183 ca được xác định nhiễm Omicron, tương đương với tỷ lệ 70-75%.
Thông tin liên quan tới Omicron vẫn còn rất mơ hồ, về khả năng lây nhiễm, né tránh hệ thống miễn dịch và vaccine của nó.
Nhưng ông Marco Cavaleri, người đứng đầu các mối đe dọa sinh học đối với sức khỏe và chiến lược vaccine tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết các loại vaccine COVID-19 đã được WHO phê duyệt hiện nay có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa Omicron.
“Chúng tôi cần thu thập một bức tranh chính xác hơn về mức độ miễn dịch có thể được duy trì”, ông này cho biết.
Trong khi đó, bà Anne von Gottberg, chuyên gia tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi, khẳng định vaccine vẫn có tác dụng ngăn ca nghiêm trọng, nhập viện và tử vong trước biến chủng mới.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi - lục địa gần 1,2 tỷ dân hiện vẫn còn rất thấp. Mới chỉ có 7% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn cung, triển khai chiến dịch chậm chạp và tâm lý dè chừng của người dân.
Các chuyên gia cũng lo ngại việc gặp nhiều hạn chế trong giám sát bộ gene sẽ khiến nhiều quốc gia châu Phi khó phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron vốn được đánh giá là rất dễ lây lan.
Một số mẫu bệnh nhân mắc Omicron ở Nam Phi gần đây được xác nhận nhiễm phiên bản tàng hình của biến chủng này. Phiên bản trên có thể qua mặt phương pháp xét nghiệm PCR và chỉ có thể bị phát giác qua giải trình tự gene.
Ngoài ra, ở một quốc gia ở châu Phi như Zimbabwe, người dân bắt đầu trở nên chủ quan với tâm lý COVID-19 đã lùi vào dĩ vãng. Họ từ bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang và không mấy bận tâm tới khuyến nghị về giãn cách xã hội.
Chính những điều này tạo ra môi trường lý tưởng để Delta, Omicron hoặc thậm chí có thể là một biến chủng COVID-19 mới trong tương lai lây lan mạnh mẽ.