Vì sao củ hành tây lại gây ra cuộc khủng hoảng giá bán trên thế giới?

Hành tây là nguyên liệu chính của hầu hết các món ăn trên thế giới và mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng khác.

Hành tây đang trở thành thực phẩm cháy hàng và tăng giá kỷ lục trong năm qua ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Morocco, Kazakhstan… Thậm chí tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá hành tây đã tăng gần 800% trong một năm qua, vì nguồn cung hạn chế, theo Bloomberg.

Tại Philippines hành tây còn đắt hơn thịt, giá hành tây cao hơn 25% so với thịt bò. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông nước này, chi phí của hành tây đã tăng gấp bốn lần trong bốn tháng qua, trong khi đó ước tính mỗi tháng nước này tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành, theo tờ Fistpost.

Ở các nước này, hành tây là nguyên liệu chính để chế biến món ăn, chính vì thế việc giá tăng cao đang làm rung chuyển thị trường rau quả, xương sống của chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững.

Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong tháng này rằng không chỉ hành tây mà các mặt hàng khác như cà rốt, cà chua, khoai tây và táo cũng đang dần trở nên khan hiếm.

Trên thực tế, đánh giá từ các chuyên gia dinh dưỡng của tờ Healthline, hành tây không chỉ là gia vị trong ăn uống mà chúng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hành tây chứa rất ít calo, trong 100g hành thường chỉ có khoảng 40 calo. Một củ hành tươi có 89% là nước, 9% carbs và 1,7% chất xơ, ít protein và chất béo. Chúng còn là nguồn cung cấp vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa dồi dào.

Hành tây được bày bán ở Philippines. ẢNH: Reuters.

Hành tây được bày bán ở Philippines. ẢNH: Reuters.

Hành tây được chứng minh là có chứa quercetin, giúp chống lại cảm lạnh, cúm, viêm amidan, ho, hen suyễn và dị ứng một cách tự nhiên. Với thành phần quercetin có trong hành tây và nhiều loại hành khác, chúng có tác dụng ngăn cấm hoạt động hoặc tạo ra các yếu tố gây ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Hành tây có chứa các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, giúp giảm mức độ cholesterol trong cơ thể và cũng có thể giúp phá vỡ các cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra hợp chất quercetin và các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ trong hành tây còn góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó hành tây còn được chứng minh là hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nếu ăn hành tây đúng cách.

Đây cũng là lý do khiến loại rau củ được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau cà chua và cũng là nguyên liệu chính của các món ăn trên khắp thế giới. Khoảng 106 triệu tấn hành tây được sản xuất hàng năm, gần bằng tổng số cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại.

Cindy Holleman, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Chất lượng chế độ ăn uống là mối liên hệ quan trọng giữa an ninh lương thực và dinh dưỡng. Chất lượng chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến các dạng suy dinh dưỡng khác nhau”.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-cu-hanh-tay-lai-gay-ra-cuoc-khung-hoang-gia-ban-tren-the-gioi-post721407.html