Vì sao Cục Đường bộ Việt Nam chỉ xử lý cá nhân vi phạm thầu?

Nhân sự vi phạm, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ quyết định cấm thầu đối với cá nhân mà không phải pháp nhân doanh nghiệp là vấn đề được bạn đọc quan tâm.

CTCP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236

CTCP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236

Nhân sự sử dụng bằng giả

Cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã ra quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại các dự án do cục là cấp quyết định đầu tư trong thời gian 3 năm tính từ ngày 6/2/2024 đối với ông Đinh Gia Lâm (sinh ngày 28/9/1989, thường trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Cá nhân này được xác định vi phạm quy định tại điểm c, khoản 4 điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Đây là nhân sự được CTCP Quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 (sau đây gọi là Xây dựng công trình giao thông 236) kê khai vị trí chỉ huy trưởng khi tham gia dự thầu tại gói thầu số 3 Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa để đảm bảo giao thông, hoàn thiện hệ thống ATGT đoạn Km2381+450 - Km2382+900... đường Hồ Chí Minh, tỉnh Cà Mau (theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu số PL2200081734 ký bởi quyết định 3249/QĐ-CĐBVN ngày 30/08/2023 của Cục Đường bộ Việt Nam).

Tại báo cáo đánh giá E-HSĐXKT của Ban Quản lý dự án 8 về nhận sự chủ chốt (Chỉ huy trường) - tổ chuyên gia cho biết, trong quá trình đánh giá E-HSĐXKT của nhà thầu có nghi vấn một số nội dung nhà thầu kê khai và cung cấp tài liệu không trung thực về văn bằng tốt nghiệp đại học đối với vị trí là chỉ huy trưởng công trình là ông Đinh Gia Lâm và đã có văn bản gửi Trường Đại học Giao thông vận tải để xác nhận.

Ngày 30/10/2023, Trường Đại học Giao thông vận tải đã có văn bản xác nhận văn bằng tốt nghiệp đại học của ông Đinh Gia Lâm là không chính xác.

Ngày 6/11/2023, bên mời thầu có văn bản yêu cầu nhà thầu làm rõ. Ngày 8/11/2023, Xây dựng công trình giao thông 236 cho biết: “Nhà thầu đã thiếu sót trong việc kiểm tra, đối chiếu các bằng cấp trong công tác tuyển dụng nhân sự, cụ thể là ông Đinh Gia Lâm đã làm ảnh hưởng tới uy tín, cũng như các hoạt động xây dựng của công ty. Ông Lâm đã bị công ty kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc”.

Với dấu hiệu gian lận khi cung cấp tài liệu theo quy định, Tổ chuyên gia kiến nghị “sau khi xác định được cụ thể hành vi cá nhân, tổ chức vi phạm (Xây dựng công trình giao thông 236) sẽ xử lý cấm tham gia hoạt động đấu thầu 3 năm (do vi phạm lần đầu) theo quy định của pháp luật tại khoản 1, điều 122, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”.

Vấn đề là E-HSĐXKT của Xây dựng công trình giao thông 236 có dấu hiệu gian lận khi cung cấp tài liệu theo quy định của Luật Đấu thầu tại điểm c, khoản 4, điều 89, nhưng Cục Đường bộ Việt Nam lại chỉ ra quyết định cấm thầu đối với cá nhân mà không phải pháp nhân doanh nghiệp này.

Theo điều tra của GD&TĐ, trước khi bị phát hiện gian lận về bằng tốt nghiệp đại học, ông Đinh Gia Lâm là nhân sự được Xây dựng công trình giao thông 236 đưa vào danh sách cán bộ kỹ thuật tại Hồ sơ dự thầu gói Sửa chữa công trình Công trình sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước các đoạn Km73+350 ÷ Km76+700... Quốc lộ N2, tỉnh Long An do Cục Quản lý Đường bộ IV là chủ đầu tư. Tại gói thầu này, Xây dựng công trình giao thông 236 cùng liên danh trúng thầu với giá 22.616.322.747 VND, gói thầu có giá 22.641.063.000 VND tiết kiệm 24 triệu đồng, tương ứng 0,1%.

Tại E-HSDT mà Xây dựng công trình giao thông 236 đã kê khai theo Mẫu 11b để tham dự gói thầu nêu trên thì ông Đinh Gia Lâm có Hợp đồng lao động ký ngày 02/5/2019, có bằng tốt nghiệp đại học do trường Đại học GTVT cấp ngày 6/4/2015 (chuyên ngành Xây dựng công trình giao thông), ông Lâm có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng số 51/2019/HĐ-TCXD ngày 9/9/2019 (có hạng mục thảm bê tông nhựa) được ký giữa Ban Quản lý bảo trì đường bộ - Sở GTVT Tuyên Quang và Xây dựng công trình giao thông 236 xác nhận ông Đinh Gia Lâm là Cán bộ kỹ thuật.

Ai chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn đầu tư?

Tài liệu đã được GD&TĐ xác minh, Xây dựng công trình giao thông 236 trong quá trình hoạt động đã trúng 154 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu 7.241.375.756.595 VND. Đáng lưu ý, trong nhiều gói thầu mà Xây dựng công trình giao thông 236 tham gia ở các đơn vị quản lý Nhà nước đều có chung một thực trạng đó là tỷ lệ tiết kiệm nguồn vốn đầu tư đang ở mức rất thấp.

Gói thầu XL11: Xây dựng cầu vượt N2, dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức. Xây dựng công trình giao thông 236 cùng liên danh trúng thầu với giá 134.013.096.410 VND, gói thầu có giá 134.201.626.870 VND tiết kiệm 180 triệu, tương ứng tỉ lệ 0,1%.

Hay gói Gói thầu số 30: Thi công xây dựng hệ thống an toàn giao thông đoạn tuyến từ Km0+00 - Km40+200, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Xây dựng công trình giao thông 236 cùng liên danh trúng thầu với giá hơn 198.568.807.000 VND, gói thầu có giá 198.975.714.000 VND tiết kiệm 400 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,2%.

Tiếp tục mở rộng tìm hiểu, Xây dựng công trình giao thông 236 cũng là một trong những nhà thầu “quen thuộc” khi tham gia đấu và trúng nhiều gói thầu tại Ban Quản lý dự án 8 (trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam).

Tính riêng trong tháng 3/2024, Xây dựng công trình giao thông 236 đã trúng 3 gói thầu từ Cục Đường bộ Việt Nam, do ông Nguyễn Xuân Ảnh Phó Cục Trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) ký quyết định.

Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, Công trình: Vuốt dốc cầu Gò Dầu Km48+830; Sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống ATGT các đoạn Km47+850 - Km48+000 (P), Km47+950 - Km49+000 (T)… Quốc lộ 22, tỉnh Tây Ninh giá trúng thầu hơn 9,6 tỷ đồng.

Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, Công trình: Sửa chữa hệ thống thoát nước các đoạn Km159+700 - Km161+040 (P)… QL.20, tỉnh Lâm Đồng giá trúng thầu hơn 10,46 tỷ đồng.

Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, Công trình: Sửa chữa hệ thống thoát nước các đoạn Km34+450 – Km35+000 (P), Km38+000 – Km38+171 (T), Km38+650 – Km39+003 (T), Km53+700 – Km54+100 (P), Km55+200 – Km55+932 (T), Km56+200 – Km56+358 (T), Quốc lộ 22B, tỉnh Tây Ninh giá trúng thầu hơn 6,20 tỷ đồng.

Một số gói thầu khác do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư cũng về tay Xây dựng công trình giao thông 236 như: Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, Công trình: Sửa chữa hư hỏng mặt đường, hoàn thiện hệ thống ATGT,…. Quốc lộ 20, tỉnh Đồng Nai (giá trúng thầu hơn 6,9 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 7,4 tỷ đồng); hay Gói thầu số 2: Thi công xây dựng, Công trình: Sửa chữa mặt đường, gia cố lề, hoàn thiện hệ thống ATGT các đoạn Km81+765 - Km82+492, Km82+900 - Km83+900, Quốc lộ 22B, tỉnh Tây Ninh (giá trúng thầu hơn 10,40 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 10,45 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, Xây dựng công trình giao thông 236 tiền thân là Phân khu Quản lý đường bộ 236, được thành lập vào tháng 6/1992. Sau đó được chuyển thành doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và đổi tên thành Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 236 vào năm 1988.

Ngày 21/11/2005, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 236 thành Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236, với vốn điều lệ 13,735 tỷ đồng.

Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động của Công ty khi được cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 29,8%. Cuối tháng 9/2006, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-cuc-duong-bo-viet-nam-chi-xu-ly-ca-nhan-vi-pham-thau-post685136.html