Vì sao Cục Thuế đưa ra ngưỡng doanh thu đóng thuế từ 200 triệu đồng?

Theo dự thảo Luật Quản lý thuế, có 4 mức đóng thuế với hộ kinh doanh, bắt đầu từ mức doanh thu 200 triệu đồng và cao nhất là trên 10 tỷ. Vì sao Cục Thuế đưa ra ngưỡng doanh thu này?

Có 4 ngưỡng doanh thu chịu thuế với hộ kinh doanh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung khá quan trọng là đổi mới phương pháp quản lý đối với doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo chính sách này, sẽ phân loại và định nghĩa lại đối tượng hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh đề quản lý theo quy mô, thiết lập các tiêu chí định lượng (doanh thu, địa điểm cố định, hình thức hoạt động kinh doanh) để xác định phương thức quản lý phù hợp, đồng bộ với luật thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, trên thực tế, có nhiều HKD có các hoạt động kinh doanh trải dài, không chỉ ở địa phận một phường, một tỉnh thành mà còn trải dài qua các tỉnh, thành khác, thậm chí là có thể kinh doanh xuyên biên giới. Bên cạnh đó, công tác theo dõi cũng như là hỗ trợ của cơ quan thuế bằng các phương thức điện tử cũng gặp khó khăn nhất định.

Chưa kể, Các HKD này cũng kinh doanh rất nhiều mặt hàng mà cơ quan thuế cho rằng có thể thực hiện công tác kế toán và tổ chức kế toán giống như một doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc vừa và nhỏ được. Ví như các HKD theo chuỗi hàng ăn, kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc là kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm y tế hoặc dịch vụ thẩm mỹ...

Ông Sơn cũng cho biết, sau khi nghiên cứu thực tế cũng như nhằm thực hiện Nghị quyết 68. theo dự kiến, Cục Thuế sẽ chia việc quản lý thuế dối với HKD thành 4 bốn nhóm theo dự thảo. Bao gồm: ngưỡng dưới 200 triệu đồng/năm. Ngưỡng thứ hai từ 200 triệu đến dưới 1 tỉ đồng/năm. Đối với các ngưỡng cao hơn, có sự phân biệt theo ngành nghề như mức từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và mức từ 1 tỉ đến 10 tỉ đồng áp dụng cho thương mại, dịch vụ và ngưỡng cao nhất là trên 10 tỉ đồng/năm. Trong đó, ngưỡng trên 1 tỷ đồng bắt buộc áp dụng hóa đơn diện tử, mức dưới 1 tỷ đồng thì khuyến khích áp dụng. Các dự kiến này đều đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các tổ chức sau đó sẽ được tổng hợp lại.

Về ý kiến cho rằng, cần nâng mức chịu thuế từ ngưỡng doanh thu 400 triệu đồng/năm, ông Sơn cho biết, đây cũng là một nội dung cơ quan thuế đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, việc đưa ra các ngưỡng doanh thu chịu thuế là đã được liên thông với dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, tính toán thu nhập giữa người làm công ăn lương và người kinh doanh. “Ví dụ chúng tôi sẽ xác định dựa trên mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân làm công ăn lương, sau đó, sẽ có bước tính toán theo ngành hàng và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, HKD bình quân chung ở một mức để xác định ra doanh thu tối thiểu chịu thuế với HKD”.

Ông Sơn cũng khẳng định, cơ quan thuế sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung này nhằm đảm bảo rằng khi hoàn thành dự thảo luật thì phương thức tính thuế sẽ có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động của HKD, cá nhân kinh doanh và đặc biệt sẵn sàng dối với việc bỏ thuế khoán.

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

Việc sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền hiện nay đang triển khai là tiền đề và cơ sở để HKD có thể làm quen với phương thức điện tử một cách đơn giản nhất. Thực tế việc này đã được triển khai từ năm 2022 với các HKD có sử dụng hóa đơn kê khai. Sau quá trình triển khai, Cục Thuế cho rằng, các HKD cũng đã làm quen và thực hiện. Tiến tới đây, Cục Thuế sẽ nghiên cứu phương thức kê khai trên điện thoại thông minh hoặc là trên thiết bị điện tử một cách đơn giản để các HKD không gặp khó khăn.

Đáng chú ý, ông Sơn cho biết, cơ quan thuế cũng có ý tưởng đưa ra các điều kiện điều kiện trong dự thảo Luật để có thể thúc đẩy HKD hoạt động theo phương thức doanh nghiệp. “Chúng tôi cùng với Cục Kinh tế tư nhân cũng đang nghiên cứu nghiên cứu lại khái niệm "HKD" bởi hiện nay khái niệm này không còn phù hợp”.

Theo ông Sơn, trên thế giới, cá nhân kinh doanh thường được xem như một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì vậy, cách tiếp cận hiện nay sẽ không đơn thuần là "khoán" theo doanh thu nữa, mà phải dựa trên tỷ suất lợi nhuận và áp thuế suất phù hợp (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), thay vì chỉ áp dụng tỷ lệ khoán đơn giản như trước đây, dù theo ông Sơn mức thuế khoán cũng là dựa trên các yếu tố nêu trên để đưa ra mức ấn định thế cụ thể.

Nhật Thu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/vi-sao-cuc-thue-dua-ra-nguong-doanh-thu-dong-thue-tu-200-trieu-dong-84158.html