Vì sao cựu chủ tịch Hoa Tháng Năm phải giám định tâm thần?
VKSND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu giám định tâm thần đối với bị can Lê Thị Thanh Thúy, cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm.
CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) giao đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.
CQĐT giữ nguyên quan điểm và tiếp tục đề nghị truy tố ông Tài, ông Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), ông Nguyễn Hoài Nam (cựu bí thư Quận ủy quận 2), bà Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) và ông Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TP.HCM).
Tất cả cùng bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (khoản 3 Điều 219 BLHS năm 2015).
Theo hồ sơ, trong vụ án này, ông Tài vì có quan hệ tình cảm với bà Thúy nên đã ký nhiều văn bản, chỉ đạo cấp dưới và các cơ quan liên quan chấp thuận cho công ty của bà tham gia đầu tư, giao đất, cho thuê đất trái pháp luật.
Tháng 2, VKSND tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án trong đó có yêu cầu giám định tâm thần bà Thúy.
CQĐT đã đưa bà Thúy đi trưng cầu giám định tâm thần. Ngày 14-4, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận: "Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội từ tháng 8-2010 đến hết tháng 1-2011, bị can Lê Thị Thanh Thúy không có bệnh tâm thần.
Tại thời điểm giám định, bị can bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hưng cảm nhẹ. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F31.0. Bệnh ở giai đoạn thuyên giảm.
Tại các thời điểm trên bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bị can không thuộc diện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Như vậy, CQĐT kết luận: Tại thời điểm trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm ban hành bản kết luận điều tra bổ sung này, bị can không mắc bệnh tâm thần, không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.