Vì sao cựu đại tá Phùng Anh Lê chỉ đạo thả nghi phạm vụ cướp?
Người trung gian khai ông Lê nhắn người nhà nghi phạm vụ cướp chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại. Tuy nhiên, bị can Lê không thừa nhận số tiền này.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã đề nghị truy tố ông Phùng Anh Lê (55 tuổi, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Nhóm thuộc cấp gồm cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự Nguyễn Đức Châu, cựu đội phó Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung (cựu Đội phó Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) bị đề nghị truy tố cùng tội danh trên.
Nhận tiền để hòa giải vụ cướp?
Theo cáo buộc, ngày 19/9/2016, sau khi nhận tin báo của anh Thành (ở quận Hoàn Kiếm) về việc bị nhóm người bắt giữ trái pháp luật và hành hung, trực ban Công an phường Yên Phụ báo ông Lê và phó trưởng công an quận khi đó là Phạm Quý Hải. Sau đó, vụ việc được giao cho Đội Cảnh sát hình sự thụ lý.
Qua điều tra, cảnh sát làm rõ Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, ở quận Ba Đình) và 4 đồng phạm gây ra vụ cướp tài sản đối với anh Thành. Ngày 22/9/2016, sau khi Tài ra đầu thú, điều tra viên Phan Tất Hùng đề xuất tạm giữ Tài.
Khi đội trưởng Châu đồng ý với đề xuất trên, Ngọc và Hùng mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Phạm Quý Hải để báo cáo. Tối cùng ngày, ông Hải ký quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Tài. Đến khuya, nghi phạm được đưa vào nhà tạm giữ. Hôm đó, bị can Trung là chỉ huy ca trực tại nơi tạm giữ.
Theo cơ quan điều tra, khi hay tin Tài bị tạm giữ, chị Hiền (vợ của Tài) và người nhà đã nhờ người quen kết nối với ông Phùng Văn Bảy (49 tuổi, người sửa chữa phòng làm việc của ông Lê) để giúp Tài không bị xử lý.
Ông Bảy trình bày sau khi đặt vấn đề, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ đồng ý rồi thông qua người trung gian, ông Lê nhắn gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Khoảng 22h ngày 22/9/2016, chị Hiền mang 103 triệu đồng đưa cho Bảy. Sau đó, ông ta tự bỏ thêm 7 triệu đồng rồi đặt trên bàn làm việc của cựu đại tá Phùng Anh Lê và nói "cháu xem giúp hòa giải để cho nó về".
Ngày 23/9/2016, ông Bảy nhận được tin Nguyễn Hữu Tài đã được tha về nhà trong đêm. Sau đó, gia đình Tài trả 7 triệu đồng cho người trung gian.
"Quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được"
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định khoảng 22h ngày 22/9/2016, khi ông Bảy đặt 110 triệu đồng lên bàn làm việc của ông Lê, bị can này gọi điện cho Nguyễn Đức Châu, yêu cầu Châu chỉ đạo mang hồ sơ vụ việc Nguyễn Hữu Tài đến để xem xét.
Một giờ sau đó, bị can Ngọc trình hồ sơ và nói rằng việc tạm giữ Tài là có căn cứ. Song ông Lê cho rằng "chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu" nên chỉ đạo cấp dưới phải đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ, cho viết cam kết để tránh tự thương, tự sát.
Theo cáo buộc, bị can Ngọc cho rằng việc đưa nghi phạm ra ngoài phải có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ. Tuy nhiên, ông Lê yêu cầu Ngọc thực hiện và chỉ đạo cựu đội phó hình sự đến nhà tạm giữ, đưa điện thoại cho Lê Đình Trung để nói chuyện.
Khi nghe Ngọc kể lại chuyện, bị can Châu nói: "Trưởng quận quyết định như vậy thì anh em phải thực hiện, không cưỡng lại được". Rạng sáng 23/9, Ngọc đến nhà tạm giữ, kết nối điện thoại để ông Lê nói chuyện với Lê Đình Trung chỉ đạo bàn giao Tài cho đội hình sự.
Tuy nhiên, Trung đòi hỏi việc thả người phải báo cáo Phó trưởng Công an quận Lê Sinh Hùng và Đội trưởng Cảnh sát thi hành án hình sự Nguyễn Quang Huy. Theo kết luận điều tra, khi nghe cấp dưới gọi điện, ông Huy nói với Trung "sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được". Còn ông Lê Sinh Hùng nói "sếp đã chỉ đạo thế thì cứ thực hiện".
Đến sáng 23/9, ông Phạm Quý Hải nghe Vũ Công Ngọc báo cáo việc thả Nguyễn Hữu Tài theo yêu cầu của ông Lê. Sau đó, ông Hải cho rằng "thủ trưởng quyết vậy thì kệ thủ trưởng". Ông Hải còn trình bày sau khi gặp trưởng công an quận, ông Lê nói "anh không cần làm vụ này nữa".
Sau thời điểm trên, điều tra viên Phan Tất Hùng nhiều lần đề xuất ông Châu tiếp tục mở rộng vụ án nhưng bị can Châu nói rằng ông Lê không đồng ý và chỉ đạo "cho hòa giải, rút đơn". Qua 2 lần hòa giải tại công an quận, Nguyễn Hữu Tài bồi thường 15 triệu đồng cho anh Thành. Vụ án sau đó rơi vào im lặng, không được thông báo cho VKSND quận Tây Hồ.
Tháng 1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố Nguyễn Hữu Tài cùng 4 đồng phạm về tội Cướp tài sản. 3 tháng sau đó, TAND Hà Nội tuyên Tài 2 năm tù. 4 bị cáo còn lại bị phạt các mức án 15 tháng tù treo đến 20 tháng tù.
Đến ngày 23/9/2021, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, bắt giam ông Phùng Anh Lê và các bị can liên quan. Quá trình tố tụng, cơ quan điều tra đánh giá ông Lê và 3 bị can "hiểu rõ các quy định của pháp luật" nhưng "thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức" nên phạm tội.
Ngoài những hành vi trên, nhà chức trách ghi nhận lời khai của ông Bảy và người thân của Tài về việc đã đưa cho Phùng Anh Lê 110 triệu đồng. Hiện, bị can Lê không thừa nhận cáo buộc này nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi có dấu hiệu đưa, nhận và môi giới hối lộ.