Vì sao đại gia Nguyễn Cao Trí có thể thay đổi nội dung kết luận thanh tra?
Đại gia Nguyễn Cao Trí đã dùng tiền, quan hệ móc nối nhiều cá nhân có chức vụ để sửa kết luận thanh tra, nhằm thâu tóm dự án Đại Ninh.
Bản cáo trạng vừa được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cho thấy chỉ trong vòng 1 năm, dự án khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, từ trạng thái phải chấm dứt, thu hồi đã được thay đổi theo hướng cho giãn tiến độ tiếp tục thực hiện và rơi vào tay đại gia Nguyễn Cao Trí.
Để làm được điều đó, ông Trí đã móc nối, câu kết với một số cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để thay đổi nội dung kết luận thanh tra. Sau khi thâu tóm dự án, ông Trí đã chuyển nhượng toàn bộ để trục lợi.
Theo điều tra, tháng 12/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh do bà Phan Thị Hoa làm chủ tịch được thực hiện dự án khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh với tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Trong quá trình thanh tra, đối với dự án Đại Ninh, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm khi thực hiện dự án thuộc các trường hợp phải thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án.
Biết được việc này, ông Nguyễn Cao Trí đã tìm cách tác động "bẻ lái" kết luận để mua lại dự án. Đây chính là thời điểm khởi đầu cho kế hoạch thay đổi kết luận thanh tra của ông Trí.
Mọi thứ bắt đầu từ việc ông Trí có quan hệ thân thiết với Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã mất) từ khi còn đi học và cùng bảo vệ tiến sĩ kinh tế. Ông Minh là người ký kết luận kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh cũng là người trực tiếp can thiệp, hướng dẫn ông Trí lo lót thủ tục "hồi sinh" dự án.
Ông Trí đã nhiều lần gặp trao đổi với ông Minh về việc muốn mua lại dự án và nhờ tìm cách thay đổi kết luận.
"Tôi kiến nghị thu hồi được thì sẽ tháo gỡ cho gia hạn phục hồi dự án được", ông Minh nói với ông Trí và yêu cầu làm theo hướng dẫn của mình. Thỏa thuận này đã mở đường cho phi vụ thâu tóm dự án.
Khi được ông Minh nhận lời giúp đỡ, ông Trí thỏa thuận với bà Phan Thị Hoa để mua lại dự án bằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Trí được đứng tên đại diện theo pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh để "danh chính ngôn thuận" lo các thủ tục dự án.
Theo kế hoạch do ông Minh vạch ra, ông Trí gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ để Chính phủ có văn bản chỉ đạo Thanh tra vào cuộc kiểm tra.
Từ hướng dẫn của phó tổng thanh tra Chính phủ, đầu tháng 10/2020, ông Trí ra Hà Nội gặp ông Mai Tiến Dũng (thời điểm đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) để trình bày việc mua lại dự án Đại Ninh đang bị kiến nghị thu hồi.
Tại cuộc gặp này, ông Trí đưa đơn kiến nghị để ông Dũng bút phê vào đơn, chuyển Vụ I, Văn phòng Chính phủ tham mưu cho lãnh đạo có ý kiến chỉ đạo.
Đơn kiến nghị lần một chưa được giải quyết do chỉ đạo này chung chung nên ông Minh hướng dẫn ông Trí làm đơn kiến nghị thêm một lần nữa.
Ngày 16/1/2021, ông Trí đến gặp ông Dũng để đưa đơn lần hai. Ngoài ra, ông Trí còn gặp gỡ, nhờ bà Trần Bích Ngọc khi đó là Vụ trưởng Vụ I của Văn phòng Chính phủ, giúp đỡ để sớm có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ.
Ngày 21/1/2021, Phó thủ tướng thường trực đồng ý với đề xuất của Vụ 1 tại phiếu trình, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh của Sài Gòn Đại Ninh.
Có ý kiến chỉ đạo đó, ông Trần Văn Minh lập tổ xác minh gồm 4 người, do ông Lê Quốc Khanh, Cục phó Cục 2 Thanh tra Chính phủ, làm tổ trưởng. Ông Minh yêu cầu ông Khanh quan tâm, tạo điều kiện giải quyết kiến nghị của công ty theo hướng cho gia hạn, giãn tiến độ dự án.
Ông Khanh sau đó họp với các thành viên tổ công tác để phổ biến kế hoạch và truyền đạt ý kiến của ông Minh về việc tạo điều kiện cho Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn dự án. Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được giãn tiến độ dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với báo cáo của Thanh tra Chính phủ.
Khi có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao thực hiện, ngày 30/6/2021, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Dự án Đại Ninh vì thế được kiến nghị không bị thu hồi, tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.
Chi hàng chục tỷ đồng để "mua chuộc" quan chức
Để thay đổi kết luận thanh tra, Nguyễn Cao Trí còn phải nhờ sự giúp sức của cựu Bí thư tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch UBND tỉnh này là ông Trần Văn Hiệp.
Sau khi mua lại dự án Đại Ninh, ông Trí đến gặp hai người trên để nhờ tác động giúp cho được thay đổi đăng ký kinh doanh, người đại diện pháp luật. Từ đây, ông Trí dễ dàng thay đổi đăng ký kinh doanh dù việc đó trái quy định pháp luật.
Khi Thanh tra Chính phủ xác minh kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với báo cáo, theo hướng thống nhất để dự án Đại Ninh không bị thu hồi.
Sau khi kết luận thanh tra được sửa, UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện thủ tục chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại dự án Đại Ninh thêm 24 tháng. Hai cựu lãnh đạo Lâm Đồng còn giúp đỡ để ông Trí được hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xác định nghĩa vụ tài chính, tính giá đất, quy hoạch, xây dựng.
Nhìn lại hồ sơ vụ án, để thay đổi được kết luận thanh tra, Nguyễn Cao Trí đã chi hàng chục tỷ đồng hối lộ các lãnh đạo, cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Cáo trạng xác định ông Trí đưa 5 lần cho cựu Bí thư Trần Đức Quận với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng, cựu Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp 7 lần với tổng số tiền là 4,2 tỷ đồng…
Tại Văn phòng Chính phủ, ông Trí biếu cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 200 triệu đồng; đưa bà Trần Bích Ngọc 50 triệu đồng.
Nguyễn Cao Trí đã 2 lần đến nhà riêng của ông Trần Văn Minh tại quận 3, TP.HCM và đưa 10 tỷ đồng.
Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Anh cũng nhận 100 triệu đồng từ ông Trí. Còn ông Lê Quốc Khanh, Cục phó Cục 2 Thanh tra Chính phủ, nhận 500 triệu đồng. Ngoài ra, ông Trí cũng nhờ ông Khanh đưa cho các thành viên trong tổ công tác một phong bì đựng 100 triệu đồng...
Hành vi của đại gia Nguyễn Cao Trí và những người trên bị cáo buộc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước là giá trị toàn bộ dự án, đã được ông Trí bán cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Thiên Vương thuộc Tập đoàn Novaland, tổng số tiền 27.600 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc sau khi chuyển nhượng dự án cho Tập đoàn Novaland, ông Trí thu lợi 2.700 tỷ đồng.