Vì sao điểm học bạ cao, điểm thi tốt nghiệp THPT lại thấp?
Điểm trung bình học bạ của thí sinh cao hơn đến 2,26 điểm so với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Sáng 22-7, Bộ GD&ĐT đã công bố chi tiết thống kê đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, điểm học tập bậc THPT (học bạ).
XEM BẢNG THỐNG KÊ
Mức chênh lệch cao ở môn Công nghệ, môn Toán

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo bảng so sánh trên, điểm trung bình học bạ 12 môn đều cao hơn 0,12 - 2,26 điểm so với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, môn Công nghệ công nghiệp có chênh lệch điểm lớn nhất là 2,26, giữa điểm trung bình học bạ THPT 8,05 so với điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 5,79.
Môn Toán xếp thứ 2 về mức độ chênh lệch khi có điểm trung bình học bạ là 7,03, cao hơn so 2,25 so với điểm trung bình thi tốt nghiệp là 4,78.
Môn tiếng Anh có mức chênh là 1,57 điểm. Sinh học có mức chênh lệch là 1,83 điểm.
Trong đó, môn Văn có mức chênh thấp nhất chỉ 0,12 điểm, cho thấy kết quả thi văn có liên quan với học bạ nhưng không quá cao.
Bên cạnh đó, số liệu trên cũng cho thấy điểm học bạ lớp 12 thường cao hơn so với lớp 10 và 11..
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh kết quả thống kê nhằm giúp các cơ sở đào tạo có căn cứ khi thực hiện xét tuyển.
Hệ quả tất yếu
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng sự chênh lệch này là hệ quả tất yếu của việc các trường đại học, đặc biệt là dân lập xét tuyển vào đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ.
Mặt khác, kết quả xét tốt nghiệp, tỉ lệ học bạ cũng chiếm đến 50%. Chính hai điều này làm cho thí sinh không còn có động lực học để thi tốt nghiệp khi biết chắc đã đậu.
“Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng đến kết quả thi. Nhiều em chỉ chú trọng học để đủ điều kiện tốt nghiệp, không thật sự đầu tư cho việc xét tuyển vào đại học, nhất là những em không thi khối có môn Toán. Chính vì vậy, khi làm bài trong đề thi được thiết kế dành cho 2 mục tiêu, các em bị đuối sức" - thầy Thịnh nói.
Thầy Thịnh phân tích, khi đề thi được thiết kế theo hướng phân hóa để phục vụ các trường đại học trong công tác tuyển sinh, nhóm học sinh chỉ cần tốt nghiệp lại trở nên yếu thế. Mặt khác, nếu đề thi quá dễ, thì lại không còn khả năng phân loại thí sinh, điều kiện cần thiết trong tuyển sinh đại học.
“Nếu đề thi chỉ để xét tốt nghiệp thì nên ra ở mức độ vừa phải. Nhưng nếu kết hợp để phục vụ tuyển sinh đại học thì đương nhiên phải phân hóa. Trong khi đó, không phải học sinh nào cũng thi đại học. Vậy, đề khó sẽ gây trở ngại cho những em không có nhu cầu tuyển sinh” - thầy Thịnh nói.
Theo thầy Thịnh, hiện nhiều trường đại học đã và đang tổ chức các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… Tuy nhiên, điều này lại vô tình tạo ra gánh nặng mới cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa.
“Dù nói là tổ chức riêng, nhưng học sinh vẫn phải lên thành phố lớn, tốn kém chi phí, thời gian. Mỗi trường lại ra một kiểu đề, không theo một chương trình thống nhất, khiến giáo viên cũng không biết dạy sao cho trúng đích” - thầy Thịnh chia sẻ thêm.
Từ thực tế trên, thầy Thịnh cho rằng việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chung vẫn là lựa chọn tối ưu, với điều kiện đề thi phải được thiết kế hợp lý, đảm bảo tính phân hóa nhưng không quá xa rời chương trình học phổ thông.
Về phía nhà trường, giáo viên cũng cần phải thay đổi việc dạy và học, để phù hợp với tình hình mới, kết quả đánh giá thực chất hơn.
Ở góc độ quản lý, ông Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM, đánh giá mức chênh lệch điểm là điều hiển nhiên.
Thứ nhất, hiện việc đánh giá điểm số ở các trường học có phần “nhẹ nhàng” để học sinh có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận đề thi tốt nghiệp THPT năm nay khó hơn so với đề kiểm tra trong trường.
"Trong trường, giáo viên thường ra đề bám sát chương trình học, phù hợp với năng lực của học sinh. Còn đề thi tốt nghiệp ra trên phạm vi cả nước do đó áp lực rất lớn đối với người ra đề. Đề thi phải đảm bảo tính phân hóa, nên đôi khi có những câu hỏi thực sự khó, thậm chí học sinh khá giỏi cũng khó làm kịp trong vài phút" - ông Danh nói.
Theo ông Danh, đề Toán năm nay dễ hơn so với năm ngoái nhưng tại sao điểm trung bình môn này lại thấp hơn.
“Lý do, đề thi năm ngoái có nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan, học sinh có thể “đánh lụi” và vẫn đạt điểm cao. Nhưng năm nay, đề có 6 câu trả lời ngắn, phần trắc nghiệm chủ quan, học sinh phải thực sự hiểu bài thì mới làm được, nên không thể “đánh lụi” nữa” - ông Danh nói.
Nhiều người cho rằng, nếu đề thi chỉ để xét tốt nghiệp thì có thể làm đơn giản hơn. Nhưng hiện nay, Bộ GD&ĐT còn hướng tới việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, vì vậy đề bắt buộc phải có tính phân loại.
“Vì vậy, một đề thi tốt nghiệp tốt phải làm sao cho học sinh trung bình đạt 4 điểm, học sinh trung bình khá đạt 5 điểm, học sinh khá có thể lấy 6-7 điểm, học sinh giỏi 8-9 điểm và học sinh xuất sắc đạt 10 điểm” - ông Danh nêu quan điểm.
Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn nhấn mạnh mức độ chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp cho thấy các trường cần nghiêm túc hơn trong việc dạy và học. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc, điều chỉnh khâu ra đề, tránh xa rời chương trình học, nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa để phục vụ mục tiêu tuyển sinh đại học.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-diem-hoc-ba-cao-diem-thi-tot-nghiep-thpt-lai-thap-post861878.html