Vì sao doanh nghiệp giải thể ở Đắk Nông tăng cao?

7 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tại Đắk Nông tăng 213%, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng 250%.

Doanh nghiệp giải thể tăng 250%

Công ty TNHH MTV Quế Thu, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) được thành lập năm 2022, hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ nhà hàng.

Đầu tháng 4/2024 vừa qua, công ty này chính thức ngừng hoạt động. Khoảng 10 lao động tại công ty cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Số doanh nghiệp giải thể tại Đắk Nông tăng cao so với cùng kỳ 2023

Số doanh nghiệp giải thể tại Đắk Nông tăng cao so với cùng kỳ 2023

Theo bà Lê Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quế Thu, nguyên nhân công ty giải thể là do nhu cầu người tiêu dùng giảm. Các chi phí phục vụ sản xuất tăng cao. Trong khi, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để quay vòng không phải dễ dàng.

“Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng đều sử dụng dịch vụ hàng hóa trên các nền tảng điện tử. Chúng tôi đưa vào thử nghiệm một số dịch vụ, nhưng quy mô nhỏ không thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp lớn”, bà Thu cho biết.

Theo Sở KH-ĐT, trong 7 tháng đầu năm, Đắk Nông có 28 doanh nghiệp giải thể, tăng 250% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 8,5% so với năm 2023. Trên địa bàn tỉnh có 65 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Đắk Nông vẫn khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để quay vòng sản xuất

Doanh nghiệp Đắk Nông vẫn khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để quay vòng sản xuất

Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp ở Đắk Nông giải thể, ngừng hoạt động gia tăng. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân chính gồm: khó khăn về đơn hàng; khó khăn về dòng tiền; khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính; khó khăn về tiếp cận vốn vay.

Đơn cử như liên quan đến vay vốn ngân hàng, hiện nay, vẫn rất nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận. Bởi vì, điều kiện đầu tiên để vay vốn vẫn là tài sản bảo đảm.

Dù các ngân hàng đã hạ lãi suất cơ bản, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn khá cao. Còn về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay, số doanh nghiệp được hưởng chính sách này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cần chính sách hỗ trợ

Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của năm 2023. Trong thời gian dài, "sức khỏe" doanh nghiệp không duy trì được sẽ rút khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông giải thể, trả lại mặt bằng để chuyển sang kinh doanh online

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông giải thể, trả lại mặt bằng để chuyển sang kinh doanh online

Một số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trả cửa hàng, trụ sở, chuyển qua kinh doanh online. Chưa kể, hiện nay, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến nhiều, không cần phải đăng ký chính thức nên nhu cầu mở doanh nghiệp không còn cao.

Qua tìm hiểu, mặc dù, khó khăn đang tiếp diễn, nhưng qua khảo sát, đánh giá hiệu quả hỗ trợ niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại. Tuy nhiên, xét về tổng thể, mức độ khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.

Hơn lúc nào hết, các giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn cần được coi trọng, thực thi mạnh mẽ. Doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ, vào cuộc của các sở, ngành, địa phương.

UBND huyện Đắk Glong tổ chức buổi cà phê doanh nhân để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp

UBND huyện Đắk Glong tổ chức buổi cà phê doanh nhân để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Cũng theo Sở KH-ĐT, đơn vị đang tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài việc kêu gọi, Đắk Nông bắt tay triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư. Sở ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi, nhằm kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các thủ tục hành chính được công khai minh bạch, kịp thời trên hệ thống thông tin một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Các nội dung về trình tự thực hiện, thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, công khai các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất… đều được niêm yết rõ ràng.

Đắk Nông đang có khoảng 4.750 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 55.800 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong, ngoài tỉnh và được phân bổ đều cho các ngành nghề. Vốn đăng ký của các doanh nghiệp ngày một tăng.

Qua khảo sát của đơn vị chuyên môn tại các doanh nghiệp Đắk Nông cho thấy, có 28,57% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 52,38% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định; 19,05% dự báo khó khăn hơn.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/vi-sao-doanh-nghiep-giai-the-o-dak-nong-tang-cao-227825.html