Vì sao doanh nghiệp phương Tây di chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ?

Theo một báo cáo từ dịch vụ nghiên cứu dữ liệu Rhodium Group, các công ty Mỹ và châu Âu đang chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang những thị trường đang phát triển khác. Trong đó, Ấn Độ nhận được phần lớn số vốn bị chuyển hướng này, theo sau đó là Mexico, Việt Nam và Malaysia.

Các công ty này đang quay lưng lại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc kệ tỷ trọng tăng trưởng toàn cầu của nước này vẫn đang tiếp tục tăng. Điều này cho thấy, giới doanh nghiệp nước ngoài đang bày tỏ lo ngại về môi trường kinh doanh, về mức độ phục hồi kinh tế và tình hình chính trị của Trung Quốc.

Báo cáo ngày 13/9 cho biết, trong giai đoạn năm 2021 - 2022, Mỹ và châu Âu đã đầu tư thêm 65 tỷ USD vào Ấn Độ, đạt mức tăng trưởng đầu tư là 400%. Trong khi đó, trong năm 2022, đầu tư vào Trung Quốc đạt chưa đến 20 tỷ USD, so với đỉnh điểm 120 tỷ USD của năm 2018.

Tổ chức nghiên cứu viết: “Sự đa dạng hóa đang xảy ra”, nhưng “sẽ mất nhiều năm để các nền kinh tế tiên tiến đạt được các mục tiêu đằng sau chính sách ‘giảm rủi ro’ của họ”, vì Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vào cuối những năm 1980, chi phí sản xuất thấp và triển vọng tầng lớp trung lưu đông đảo đã thu hút những công ty nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, một khi nước này từ bỏ mô hình kinh tế của Mao Trạch Đông. Nhưng ngày nay, thị trường Trung Quốc đang mất đi sự hấp dẫn, vì người tiêu dùng đã thắt chặt hầu bao, còn chi phí sản xuất thì tiếp tục tăng lên.

Sự chuyển hướng đầu tư diễn ra cùng thời điểm mà chính quyền địa phương Trung Quốc đang cố gắng khôi phục hoạt động đầu tư nước ngoài sau thời kỳ chịu tàn phá về mặt kinh tế bởi đại dịch Covid-19, theo sau đó là cuộc khủng hoảng bất động sản.

Báo cáo cho biết, các công ty phương Tây đang đẩy mạnh đầu tư vào những thị trường đang phát triển khác nhằm cung cấp cho họ thêm lựa chọn về nguồn cung ứng hàng lắp ráp và những mặt hàng nhạy cảm về mặt địa chính trị (như linh kiện bán dẫn), cũng như để giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo rằng việc đa dạng hóa khó có thể giúp họ nhanh chóng ngừng tiếp xúc với Trung Quốc, vì thị trường mà các công ty nước ngoài đang đầu tư vào là những thị trường phụ thuộc rất nhiều vào thương mại và đầu tư với chính gã khổng lồ châu Á này.

Kết quả: “Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy tỷ trọng tổng thể của Trung Quốc tiếp tục tăng trong xuất khẩu toàn cầu, chuỗi sản xuất và cung ứng, ngay cả khi họ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và rời khỏi Trung Quốc”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-doanh-nghiep-phuong-tay-di-chuyen-tu-trung-quoc-sang-an-do-694302.html