Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ khi giá cà phê lập đỉnh?
Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên, hiện các nhà xuất khẩu cà phê đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục.
Ghi nhận giá cà phê trong nước vào ngày 25/3 cho thấy tiếp tục đạt đỉnh, dao động ở mức 94.700 - 95.300 đồng/kg.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nêu nguyên nhân khiến giá nông sản này tăng vọt. Trước tiên, tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, khiến sản lượng sụt giảm. Riêng Việt Nam, sản lượng hụt 10% trong vụ mùa 2023-2024, do người trồng chuyển đổi canh tác khi giá lao dốc trước đây. Tồn kho trong doanh nghiệp thấp kỷ lục, nguồn cung ít đẩy giá tăng.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cuối cùng, nhiều nhà đầu tư tài chính chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ, khiến giá nông sản này đắt thêm.
Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên, hiện các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục.
Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP HCM) liên tục họp với các đơn vị cung ứng để thương thảo điều chỉnh đơn giá. Theo ông, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó.
"Doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg", ông chia sẻ.
Ông Luận cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó "trở tay" như năm nay. Hàng năm, cà phê không biến động "sốc" nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ.
"Chúng tôi không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6", ông Luận nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước) cũng cho biết công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang. Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. Nếu càng xuất khẩu, doanh nghiệp càng lỗ.
Còn theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên họ vẫn phải mua để giao hàng. Ở trong nước thì giá cứ tiếp tục leo thang hàng ngày và bán nhỏ giọt. Còn các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký thì lỗ nặng hàng chục triệu đồng/tấn trong khi hợp đồng cà phê thông thường là hàng trăm đến hàng ngàn tấn.
Theo ông Thông, với giá trên 94.000/kg, cà phê rất khó bán mà mua trữ nếu giá giảm thì cũng sẽ lỗ khôn kể. Các công ty xuất khẩu cà phê của Việt Nam hầu hết chưa thể quản lý nổi khi giá biến động quá cao như hiện nay. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng bị phá vỡ khi mà nông dân thấy giá lên quá cao nên lại “xù” hợp đồng.
Giới quan sát cho rằng dù giá xuất khẩu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê lại phải nếm vị đắng. Bởi vì họ ký hợp đồng bán trước với giá thấp, nhưng khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Nhất là các doanh nghiệp phải bỏ vốn nhiều hơn trong quá trình thu mua khi cà phê tăng giá, trong khi nguồn vốn lại là điểm hạn chế của họ.
Trong bối cảnh giá tăng cao như hiện tại, để tránh rủi ro thua lỗ cho doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân trồng cà phê, điều nên làm là cần nhanh chóng có chiến lược bài bản, cả dài hạn và ngắn hạn, và đặc biệt là bài toán quản trị rủi ro cho ngành hàng này.
Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý cũng cần quản lý sát sao nhằm tránh nhiễu loạn thị trường, tránh xảy ra vấn nạn mua bán khống, cũng như hạn chế tình trạng phá vỡ các hợp đồng, cam kết đã ký giữa nông dân và doanh nghiệp.