Vì sao Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở, thiếu cát và phù sa?

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị tổn thương khi xu hướng thời tiết và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được phù sa của dòng sông Mê Kông bồi đắp trong khoảng 6.000 năm qua. Hàng ngàn năm trước, trong quá trình sông Mê Kông bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, hai bên bờ có xảy ra hiện tượng lở bồi.

Tuy nhiên, phần bồi luôn trội hơn lở, kết quả là diện tích đồng bằng được mở ra, hướng Biển Đông khoảng 16m/năm, hướng mũi Cà Mau khoảng 26m/năm.

Châu thổ thiếu cát và phù sa

Thế nhưng, đến khoảng thập niên 1990 trở lại đây, việc bồi đắp từ dòng Mê Kông ngày càng giảm. Trong khi đó, tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng. Đến những năm 2005, việc bồi lở ở đồng bằng sông Cửu Long đạt ngưỡng sạt lở bằng với bồi đắp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là do thiếu cát và phù sa. Còn nguyên nhân dẫn đến thiếu cát và phù sa chính là việc xây dựng đập thủy điện ồ ạt. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Mê Kông ở các quốc gia khu vực.

 Nguyên nhân chính của việc sạt lở đồng bằng sông Cửu Long là do thiếu cát và phù sa. Ảnh: CHÂU ANH

Nguyên nhân chính của việc sạt lở đồng bằng sông Cửu Long là do thiếu cát và phù sa. Ảnh: CHÂU ANH

Một lão nông tri điền ở ĐBSCL nhận định ngày trước sông Mê Kông ở đoạn Tân Châu, Châu Đốc thường có màu đỏ sậm, nhưng khoảng vài chục năm trở lại đây, dòng nước ngày trong trong hơn. Điều này chứng tỏ lượng phù sa trên sông Mê Kông đang ngày càng giảm. Điều này là hiện tượng “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ, đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực, gây sạt lở.

“Có thể thấy rằng các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL có một đặc điểm chung là thường xuất hiện vết nứt trước đó vài ngày. Sau đó, toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt sẽ trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống” - ông Thiện phân tích.

Xâm nhập mặn đi sâu vào đất liền

Trong hơn hai thập niên gần đây, hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn có xu thế cực đoan hơn và gia tăng nhiều hơn, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt.

Còn nhớ, đợt hạn mặn năm 2016, được xem là đợt khô hạn lịch sử gần 100 năm mới xảy ra một lần. Đợt hạn mặn đã làm cho 10/13 tỉnh, thành phố phải công bố tình trạng thiên tai, nhiều tỉnh công bố khô hạn cấp hai và Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương phải cấp tốc can thiệp.

Đến năm 2020, một lần nữa hạn mặn lại xảy ra khốc liệt trên vùng đất châu thổ, nhiều nơi còn nghiêm trọng hơn năm 2016.

Hình ảnh dòng kênh cạn trơ đáy xuất hiện nhiều trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CHÂU ANH

Hình ảnh dòng kênh cạn trơ đáy xuất hiện nhiều trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CHÂU ANH

“Năm 2020 và cả năm nay, nhiều điểm mặn đến sớm hơn và nồng độ nhiễm mặn cao hơn nhưng thiệt hại giảm đi đáng kể. Điều này là nhờ người dân và các địa phương đã biết cách ứng phó tốt hơn. Những giải pháp chống đỡ và phục hồi của cộng đồng là có thể tin cậy được” - PGS TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, ĐH Cần Thơ, nhận xét.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL thì nhận định: “Trước năm 2016 thì khoảng 100 năm hạn, mặn khốc liệt mới xuất hiện một lần. Tuy nhiên, khoảng tám năm trở lại đây đã xảy ra ba đợt hạn, mặn lớn và thời gian hạn, mặn còn có thể diễn ra nhanh hơn nữa.

Sự xuất hiện của hạn, mặn đang thay đổi và chúng ta nhận thức rằng phải chung sống với hạn, mặn. Vì vậy phải thực sự hiểu về vấn đề này thì mới chung sống tốt được.”

Chia ra năm loại nước, ba vùng sinh thái

Chúng ta phải chia ra năm loại nước, gồm nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nước cho giao thông và nước sinh thái để có những cách ứng xử khác nhau.

Đối với nước ngọt phục vụ ăn uống không thể thiếu được, như vậy việc cung cấp nước sạch để phục vụ mục tiêu ăn uống trước tiên phải có và kế đến là nước sinh hoạt, nước sản xuất.

Ngoài ra, chúng ta chia ba vùng sinh thái về tài nguyên nước là ngọt, mặn, lợ. Như vậy, các công trình đầu tư tại những địa phương phải sát với ba vùng sinh thái này. Vì vậy, phải rất hiểu nguồn nước để có quyết định đầu tư công trình, dự án nào mới là quan trọng, tránh đi ngược lại với các vùng sinh thái nguồn nước nó sẽ ảnh hưởng rất là lớn.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL

 Người dân đồng bằng sông Cửu Long bơm nước ngọt vào cứu đồng ruộng bị khô hạn. Ảnh: CHÂU ANH

Người dân đồng bằng sông Cửu Long bơm nước ngọt vào cứu đồng ruộng bị khô hạn. Ảnh: CHÂU ANH

Qua các đợt hạn mặn của chu kỳ bốn năm tính từ năm 2016 đến nay, độ mặn sẽ tăng và đi sâu vào đất liền ở một vài địa điểm. Điều này cho thấy hạn mặn đang ngày càng diễn biến khó lường và có thể trong tương lai, biên độ các tác động tiêu cực của hạn mặn sẽ còn gia tăng. Đáng chú ý, trong đợt hạn mặn năm 2024, nhiều nơi ở ĐBSCL đã xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng và có cả cháy rừng.

Thống kê đầu tháng 5-2024, trên địa bàn huyện U Minh Thượng đã có 404 điểm sạt lở, hơn 10,3km đường giao thông sụt lún, 38 căn nhà bị sạt lở, sụt lún. Nắng nóng kéo dài cũng khiến khoảng 2.975 ha tôm nước lợ ở hai huyện An Biên, An Minh bị thiệt hại do sốc môi trường.

Đơn cử, tại huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh, mặt nước trên các kênh trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng khô cạn. Từ đó, dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở... của người dân.

 Đồng ruộng thiếu nước. Ảnh: CHÂU ANH

Đồng ruộng thiếu nước. Ảnh: CHÂU ANH

Các giải pháp cấp bách và lâu dài

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hệ thống thủy lợi điều tiết nước vùng ĐBSCL đang gặp nhiều thách thức từ việc phát triển phía thượng lưu Mê Kông. Viện cũng đã định hướng giải pháp quy hoạch thủy lợi đảm bảo chủ động nguồn nước.

Theo đó, về giải pháp phi công trình, cần tăng cường công tác dự báo, tuyên truyền về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Cạnh đó, phân phối nước theo đối tượng ưu tiên, sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước. Cũng cần xem xét đẩy sớm thời vụ để né hạn, mặn, nâng cao nhận thức cho người dân.

 Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi. Ảnh: CHÂU ANH

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi. Ảnh: CHÂU ANH

Còn đối với giải pháp công trình, ông Quỳnh kiến nghị cần tăng cường trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi; trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương; trữ nước trên ruộng trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn...

Bảo vệ “cơ thể sống”

Cần phải xem cả hệ sinh thái vùng ĐBSCL như một cơ thể sống. Trong đó, dòng sông là các mạch máu bên trong, đất đai là xương thịt hình hài; cây trái, sinh vật là diện mạo và nền văn minh sông nước chính là tâm hồn và tính cách cơ thể sống. Do đó phải bảo vệ sự điều hòa, lưu thông như mạch máu của một con người.

PGS TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ

Mặt khác, hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất. Đồng thời xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Ngoài ra, nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu.

Về biện pháp lâu dài để hạn chế những tác động của hạn mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu dân sinh, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) kiến nghị: “Các ngành phải tuân thủ các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long”.

 Người dân khó khăn trong việc ngăn hạn mặn xâm nhập đồng ruộng. Ảnh: CHÂU ANH

Người dân khó khăn trong việc ngăn hạn mặn xâm nhập đồng ruộng. Ảnh: CHÂU ANH

Trong đó, đặc biệt lưu ý phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái nước mặn, nước lợ, nước ngọt đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước sông Cửu Long. Căn cứ vào đó, các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng và các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước. Từ đó, chủ động nguồn nước, nhất là nước cho sinh hoạt của người dân trong vùng.

Sạt lở tăng, nước sinh hoạt thiếu

Thời gian qua, tình trạng sạt lở gia tăng còn bồi đắp thì giảm dần xảy ra nhiều nơi. Hiện nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển đang bị sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, còn sạt lở bờ sông thì xảy ra khắp nơi, từ sông lớn đến sông nhỏ.

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn từ 2005-2010 ĐBSCL xảy ra 5.271 điểm sạt lở; giai đoạn từ 2011-2015 xảy ra 4.854 điểm sạt lở và giai đoạn từ 2016-2020 xảy ra 3.887 điểm sạt lở. Còn giai đoạn 2021-2023, tổng cộng có 1.421 điểm/1618 km, trung bình mỗi năm khoảng 423 điểm/539 km.

Đối với vấn đề nước sinh hoạt, trong năm 2024, thống kê đến nay, có khoảng 74.000 hộ dân ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... bị thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn. Tuy vậy, số lượng này vẫn ít hơn so với đợt khô hạn năm 2020 (95.600 hộ) và thấp hơn rất nhiều so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (210.000 hộ).

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-dong-bang-song-cuu-long-sat-lo-thieu-cat-va-phu-sa-post793057.html