Vì sao động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ gây hậu quả thảm khốc?

Chuyên gia của The Conversation lý giải vì sao trận động đất 7,8 độ richter xảy ra hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ lại gây ra hậu quả thảm khốc khiến hơn 3.700 người chết.

Rung chấn do trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã gây ra hậu quả trên diện rộng khi nhiều tòa nhà sụp đổ, ít nhất 3.700 người thiệt mạng ở hai quốc gia và đã có báo cáo về thiệt hại đối với các đường ống dẫn khí đốt dẫn đến hỏa hoạn.

Tại sao trận động đất lại xảy ra ở đây?

Khu vực này của Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nó nằm ở giao điểm của ba mảng kiến tạo vỏ Trái đất: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và châu Phi. Trong đó, mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc, hướng vào châu Âu, khiến mảng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây.

Bản đồ chuyển động của các mảng kiến tạo xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Wikipedia)

Bản đồ chuyển động của các mảng kiến tạo xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Wikipedia)

Sự chuyển động các mảng kiến tạo tạo áp lực lên các khu vực đứt gãy ở ranh giới mảng. Chính sự giải phóng đột ngột của áp lực này đã gây ra động đất và rung chuyển trên mặt đất.

Theo các chuyên gia trên The Conversation, trận động đất mới nhất này có thể đã xảy ra trên một trong những khu vực đứt gãy lớn giữa các mảng Anatolia và Ả Rập: hoặc là đứt gãy Đông Anatolia hoặc đứt gãy biển Chết. Cả hai đều là "đứt gãy trượt", nghĩa là các mảng di chuyển qua nhau.

'Lớn hơn đáng kể' so với các trận động đất trước

Mặc dù khu vực này có nhiều trận động đất hàng năm do chuyển động liên tục của các mảng kiến tạo, trận động đất mới nhất đặc biệt lớn và có sức tàn phá do giải phóng quá nhiều áp lực. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) tuyên bố, kể từ năm 1970, chỉ có ba trận động đất lớn hơn 6 độ richter xảy ra trong phạm vi 250 km tính từ địa điểm này. Ở cường độ 7,8 độ, trận động đất ngày 6/2 lớn hơn đáng kể so với những trận mà khu vực từng trải qua trước đây, giải phóng hơn hai lần năng lượng so với các trận động đất lớn nhất được ghi nhận.

Khi các nhà địa chấn học hiện đại sử dụng thang đo độ lớn theo thời điểm, đại diện cho lượng năng lượng được giải phóng bởi một trận động đất, mỗi bước tăng lên thể hiện năng lượng được giải phóng nhiều hơn 32 lần. Điều đó có nghĩa là một trận động đất mạnh 7,8 độ richter thực sự giải phóng năng lượng gấp khoảng 6.000 lần so với các trận động đất 5 độ richter.

Các tòa nhà đổ nát ở Syria. (Ảnh: EPA)

Các tòa nhà đổ nát ở Syria. (Ảnh: EPA)

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng năng lượng động đất đến từ một vị trí duy nhất, hoặc tâm chấn, nhưng thực sự những năng lượng này sinh ra từ sự di chuyển dọc theo khu vực đứt gãy. Trận động đất càng lớn thì diện tích đứt gãy càng lớn. Đối với trận động đất cường độ 7,8 richter này, các chuyên gia cho rằng có khả năng đã có sự di chuyển trên một khu vực dài khoảng 190 km và rộng 25 km.

Rung lắc mạnh dữ dội (đủ để gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản) đã được cảm nhận ở khu vực ước tính có 610.000 người sống, cách xa 80 km về phía đông bắc ranh giới mảng kiến tạo. Trong khi đó rung lắc nhẹ được cảm nhận ở tận thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ (cách khoảng 815 km), cũng như Baghdad ở Iraq (800 km) và Cairo ở Ai Cập (950 km).

Còn dư chấn thì sao?

Sau những trận động đất lớn sẽ có nhiều trận động đất nhỏ hơn được gọi là dư chấn xuất hiện, khi lớp vỏ Trái đất điều chỉnh lại. Quá trình này có thể tiếp tục trong nhiều ngày đến nhiều năm sau sự kiện ban đầu. Trong 12 giờ đầu tiên sau trận động đất ban đầu ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã có ba trận động đất khác trên 6 độ richter xảy ra. Trận đầu tiên là 6,7 độ xảy ra chỉ 11 phút và đã có hàng trăm cơn dư chấn có cường độ nhỏ hơn khác nối tiếp.

Vào cuối buổi sáng, một trận cường độ rất lớn khác, 7,5 độ richter xảy ra xa hơn về phía bắc trên hệ thống đứt gãy liền kề: đứt gãy Sürgü. Về mặt kỹ thuật, trận động đất này đủ mạnh để được coi là một trận động đất riêng, dù nó có thể đã được kích hoạt bởi trận động đất đầu tiên và sẽ tạo ra một loạt dư chấn riêng.

Mặc dù các dư chấn thường nhỏ hơn đáng kể so với chấn động chính, nhưng chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc không kém, làm hư hại thêm cơ sở hạ tầng và cản trở các nỗ lực cứu hộ.

Phương Anh(Nguồn: The Conversation )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-dong-dat-o-tho-nhi-ky-gay-hau-qua-tham-khoc-ar740305.html