Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Theo ông Phan Kiều Hưng – Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng, nếu chậm triển khai dự án mở rộng nhà ga T1, sân bay Đà Nẵng sẽ đối mặt nguy cơ quá tải và ảnh hưởng đến nhu cầu tăng trưởng của các hãng hàng không đến TP.
Bàn giao đất quốc phòng để phát triển hàng không dân dụng
Ông Phan Kiều Hưng – Giám đốc Cảng HKQT Đà Nẵng cho hay, nhà ga hành khách quốc nội (T1) sân bay Đà Nẵng đã được Bộ GTVT phê duyệt quy mô đầu tư mở rộng công suất lên đến 10 triệu khách/năm (theo Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tại văn bản 235/TB-BGTVT ngày 19/6/2020 và văn bản 7256/BGTVT-KHĐT ngày 27/7/2020)
Thời gian thực hiện dự án dự kiến 2026 - 2028. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã ghi nguồn vốn đầu tư phát triển (5.000 tỷ đồng – có thể điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư) song song với việc triển khai thực hiện thi công xây dựng dự án nhà ga hàng hóa, triển khai hồ sơ FS dự án mở rộng nhà ga hành khách T1.
Ông Phan Kiều Hưng cũng cho biết, trong thời gian qua Cảng HKQT Đà Nẵng cùng với ACV thường xuyên báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT sớm triển khai quy hoạch lại Cảng HKQT Đà Nẵng và bàn giao đất để thực hiện dự án.
Thực hiện Luật Đất đai mới, Cảng vụ Hàng không miền Trung đã và đang tiến hành các thủ tục bàn giao toàn bộ diện tích đất quản lý trước đây về cho địa phương, sau đó địa phương giao trở lại cho doanh nghiệp. Riêng phần mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng có liên quan đất quốc phòng. Thuận lợi là trung đoàn huấn luyện chiến đấu tại đây đã rút vào Chu Lai để tạo điều kiện cho phát triển hàng không dân dụng tại Cảng HKQT Đà Nẵng
Cuối tuần qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác bàn giao đất quốc phòng về địa phương theo Luật Đất đai mới, sau đó địa phương bàn giao lại cho doanh nghiệp để triển khai dự án. Qua lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị hoạt động tại Cảng HKQT Đà Nẵng cơ bản đều thống nhất để trình Thủ tướng ban hành trong thời gian đến.
Sân bay Đà Nẵng sẽ sớm tới ngưỡng quá tải
Theo ông Phan Kiều Hưng, với việc Quốc hội cho phép thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng, chắc chắn trong thời gian đến lượng khách du lịch và các nhà đầu tư có nhu cầu đến đây sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên hiện nay công suất thiết kế của nhà ga quốc nội T1 chỉ 8 triệu khách/năm, nhà ga quốc tế T2 là 6 triệu khách/năm. Với tốc độ tăng trưởng ước tính 7 – 10%/năm hiện nay thì Cảng HKQT Đà Nẵng sẽ sớm đạt ngưỡng quá tải.
Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tài trợ sản phẩm quy hoạch sân bay Đà Nẵng, đến nay đơn vị tư vấn của Pháp đã thực hiện xong. Đồng thời đơn vị tư vấn của Úc cũng đã thẩm định xong quy hoạch định hướng phát triển sân bay Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ông Phan Kiều Hưng nhấn mạnh, theo đề án quy hoạch và nội dung thẩm định thì không có thay đổi gì về công suất lẫn chức năng của Cảng HKQT Đà Nẵng, vẫn là đến năm 2045 đạt công suất 30 triệu hành khách/năm chứ không có việc chuyển nhà ga quốc tế và ga hàng hóa của sân bay Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai, chỉ còn giữ lại nhà ga quốc nội như một số thông tin vừa qua”, ông Phan Kiều Hưng nhấn mạnh.
Tuy nhiên khó khăn vướng mắc hiện nay là hồ sơ đã được trình nhưng vẫn trong thời gian Bộ GTVTxem xét hoàn thiện các thủ tục thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Từ đó dẫn đến chậm triển khai dự án mở rộng nhà ga quốc nội T1.
“Nếu chậm triển khai dự án mở rộng nhà ga T1, sân bay Đà Nẵng sẽ đối mặt nguy cơ quá tải và ảnh hưởng đến nhu cầu tăng trưởng của các hãng hàng không đến TP. Nhưng muốn triển khai được thì phải xong quy hoạch. Vì vậy chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Đà Nẵng để ACV có căn cứ triển khai thực hiện bảo đảm theo quy định”, ông Phan Kiều Hưng nói.