Vì sao EURO 2020 có quá nhiều bàn thua 'phản lưới nhà'?
Chắc chắn đây phải là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân cộng lại. Cũng có thể nói: bóng đá đỉnh cao như hiện nay mà không có bàn thua phản lưới nhà, thì mới lạ. 'Bóng đá như hiện nay' là thế nào?
Ban đầu, người ta xem đấy là “điềm gở”. Khi mành lưới rung lên lần đầu tiên tại EURO 2020, thì đấy là do hậu vệ Merih Demiral tự đưa bóng vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, bàn thắng mở màn EURO là một pha tự đốt lưới nhà.
Thế rồi, “mưa kỷ lục” không ngừng đổ xuống. Wojciech Szczesny (Ba Lan) trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử EURO tự đưa bóng vào lưới nhà. Bồ Đào Nha trở thành đội đầu tiên có đến 2 bàn thua phản lưới nhà. Rồi có đến 2 đội lập “cú đúp vào lưới nhà” (sau Bồ Đào Nha là Slovakia).
Kỷ lục về số bàn thua phản lưới nhà (3 bàn, tại EURO 2016) thì đã nhanh chóng bị xô ngã từ rất lâu rồi, vấn đề chỉ là số lượng vẫn đang tiếp tục tăng lên đến mức khủng khiếp. Có cả bàn phản lưới nhà tự cự ly xa nhất xưa nay, bàn phản lưới nhà sớm nhất…
Thật ra, nếu không xem lại hình ảnh chiếu chậm, khán giả không dễ gì biết Ruben Dias hoặc Raphael Guerreiro (Bồ Đào Nha) tự đốt lưới nhà trong trận thua Đức 2-4. Đường bóng rất căng và Dias cùng Thomas Mueller (Đức) đứng rất sát nhau. Nếu Dias không cản phá thì Mueller cũng sẽ ghi bàn.
Dias thành công trong việc ngăn cản Mueller chạm bóng, rút cuộc chỉ để chính mình trở thành tội đồ. Đấy là đường bóng chỉ chờ văng vào lưới ngay khi chạm phải bất cứ cầu thủ nào. Juraj Kucka (Slovakia) trở thành “tội đồ” trong trận thua Tây Ban Nha cũng vậy. Chẳng qua, quả bóng “tìm đến” Kucka, thay vì bất cứ người nào khác, trong rừng cầu thủ ngay trước khung thành.
Tổng quát hơn, đa số bàn thua phản lưới nhà tại EURO 2020 là những pha bóng ác nghiệt mà cầu thủ xui xẻo chạm bóng khó thoát khỏi kết cục bi đát. Bây giờ, tình huống lộn xộn và nguy hiểm trước khung thành rất nhiều. Bóng bay rất căng khi nó được tạt vào vùng cấm, nhất là trong các tình huống chuyền ngược từ vạch cuối sân (mà Demiral chuốc phải ngay trận khai mạc EURO). Đấy chính là xu thế về cách tấn công trong bóng đá đương đại.
Ngược lại, tình huống sút xa hoặc chuyền bóng tinh tế, kiến tạo cơ hội bên ngoài vùng cấm bây giờ ít hẳn. Bây giờ là sự phổ biến của thứ bóng đá “thô thiển” - nếu chẳng biết làm gì cho hay ho, đẹp mắt, thì cứ tạo dựng tình huống nguy hiểm càng sát khung thành đối phương càng tốt!
Tất nhiên, bất cứ hiện tượng lạ nào xảy ra trong bóng đá đỉnh cao thời nay cũng sẽ được giới chuyên môn kết nối với hoàn cảnh “sống chung với dịch”. Hơn một năm nay, làm gì còn có thứ bóng đá hoàn hảo nữa! Điều kiện chuẩn bị kém đi trong mọi khía cạnh, bất lợi thì tăng lên – kiểu như lịch thi đấu dồn ép, phải đá bóng cho đủ số lượng nếu không muốn bị kiện tụng rắc rối… Hậu quả là các hậu vệ và thủ môn không có thể lực tốt nhất, không phối hợp với nhau một cách hợp lý nhất, không đủ tỉnh táo, sáng suốt để suy nghĩ trước khi xử lý bóng.
Những “cỗ máy” cứ thấy bóng là thò chân vào - thay vì nhìn trước nhìn sau, suy nghĩ giải pháp, thông tin với nhau để phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Chúng ta đang xem một kỳ EURO mà phẩm chất nghệ thuật phải nói là không thể nhạt hơn nữa, cách chơi “có đầu óc” – nói xin lỗi – là thứ gì đó thật xa xỉ. Pedri (TBN) nghĩ gì mà bỗng từ giữa sân đá thẳng quá bóng về phía gôn mình? Thủ môn Martin Dubravka (Slovakia) nghĩ gì anh ta đẩy hẳn quả bóng vào lưới của mình? Hay họ phải chơi bóng trong hoàn cảnh sức cùng lực kiệt, chứ cũng chẳng muốn?
Cuối cùng là một thực tế đáng buồn: đây không phải là kỳ EURO của các thủ môn giỏi. Rất nhiều thủ môn hàng đầu thế giới, mà chúng ta vẫn được xem thường xuyên ở đấu trường câu lạc bộ, không hề góp mặt tại EURO này. Thủ môn, trong nhiều trường hợp, là nhược điểm lớn nơi đội bóng của họ. EURO mà không có thủ môn nào bắt chính cho các CLB vô địch Champions League, La Liga, Premier League, Serie A… thì rõ chán. Chất lượng EURO này thật ra đâu chỉ nghèo nàn trước các khung thành!
Đâu là “tội đồ” thật sự?
Tiền vệ Pedri (Tây Ban Nha) bị ghi nhận là tác giả của bàn phản lưới nhà trong trận gặp Croatia. Nhưng thủ phạm lớn hơn dĩ nhiên là thủ môn Unai Simon (ảnh), khi anh không chặn được đường chuyền về của Pedri, để bóng lăn vào lưới. Vì sao Pedri ở tận giữa sân lại bất ngờ chuyền về cho thủ môn, thì đấy lại là vấn đề bài bản, lối chơi. Thủ phạm lớn nhất trong trường hợp này chính là huấn luyện viên Luis Enrique - người đã dạy cho Pedri kiểu chuyền “bố láo” như vậy!
Đấy là một sự nối tiếp!
Trận khai mạc EURO 2020, rút cuộc lại có kịch bản như trận chung kết World Cup 2018 (Mario Mandzukic tự phá lưới Croatia, “giúp” Pháp mở tỷ số). Khi trận đấu khép lại kỳ World Cup trước và trận đấu mở ra kỳ EURO này đều có “lần đầu tiên” đáng ghét như nhau, thì đành kết luận: đấy là sự nối tiếp nói lên một xu thế của bóng đá đỉnh cao. Người xem, dù muốn hay không, từ nay sẽ phải quen dần với cảnh cầu thủ tự đốt lưới nhà.
10. Vòng tứ kết còn chưa khép lại, EURO 2020 đã có đến 10 bàn thua “phản lưới nhà” (tính đến hết trận Thụy Sĩ – Tây Ban Nha), nhiều hơn 1 bàn so với tổng số bàn thua “phản lưới nhà” trong toàn bộ lịch sử EURO cộng lại tính đến trước giải năm nay.