Vì sao Gen Z 'chê' ngành sản xuất công nghiệp?
Gen Z ngày càng chiếm số đông trong lực lượng lao động nhưng lại thờ ơ với các ngành công nghiệp sản xuất, gây ra tình trạng thiếu nhân lực thay thế cho các nhà máy.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới năm 2025, thế hệ Gen Z sẽ đóng góp 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Gen Z sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động và đang dần thay thế lực lượng lao động hiện tại.
Thế nhưng hiện nay, lực lượng này đang thờ ơ với các ngành công nghiệp sản xuất, gây ra tình trạng thiếu nhân lực thay thế cho các nhà máy.
Từ thông tin trên, bạn đọc của PLO có nhận định và ý kiến như thế nào về chủ đề này?
Môi trường làm việc năng động, linh hoạt và cởi mở
Chia sẻ với PLO, anh Ngọc Thắng, 34 tuổi, cho biết: “Mình đang làm nhân viên quản lý đơn hàng cho công ty xuất khẩu balo và bản thân mình nhận định rằng Gen Z không hợp với môi trường này. Chủ quan mình thấy nhân sự cấp quản lý sẵn có ở công ty đa phần là nhân sự lớn tuổi rất khó để nói chuyện, cũng như hòa hợp vì khoảng cách thế hệ. Thêm nữa, quy trình sản xuất bị bó buộc, môi trường công việc không có sự sáng tạo, linh hoạt nên mình thấy Gen Z sẽ khó có thể hòa nhập với môi trường nhà máy sản xuất so với các ngành dịch vụ sôi động. Vì các bạn thích một môi trường mở để phát huy tính sáng tạo. Không phải cứ lương cao là thu hút và giữ chân được Gen Z".
Bạn đọc Cẩm Thu cũng cho rằng: “Mình thấy Gen Z ngại môi trường nhà máy sản xuất một phần vì bất tiện xa trung tâm, phần lớn là do môi trường làm việc không cởi mở bằng mấy công ty ở khu vực trung tâm lớn. Gen Z là thế hệ muốn “phá vỡ”, phá vỡ để theo hướng sáng tạo, cởi mở và luôn thích sự thay đổi chứ không thích theo giờ giấc chuẩn mực hay làm theo nguyên tắc. Có lẽ thị trường lao động sẽ phải thay đổi để linh hoạt và cởi mở hơn đối với thế hệ năng động, nhanh nhạy nhưng cũng rất ẩm ương và cứng đầu này!".
Cùng chung quan điểm, chị Trần Vy cũng đề xuất: “Giờ Gen Z chú trọng nhiều về môi trường văn hóa doanh nghiệp hơn các thế hệ trước nhiều. Không chỉ đơn giản là vấn đề tăng lương, mà các công ty còn phải có thêm nhiều phúc lợi như du lịch, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao cho nhân viên tham gia, họ vừa xả stress vừa tăng kết nối trong môi trường làm việc. Nếu muốn đi đường dài, thiết nghĩ các doanh nghiệp còn cần chú trọng tới phúc lợi nhân viên nữa".
"Ở nhiều nơi, người khoảng 35 tuổi đã bị coi là quá tuổi lao động. Gen Z chắc cũng thấy được tương lai của mình ở một thị trường "vắt chanh bỏ vỏ" như này. Thật buồn cười khi các doanh nghiệp chạy theo xu hướng tuyển dụng lứa Gen Z trong khi các em không hề yêu thích ngành công nghiệp sản xuất vì các em không chịu được áp lực công việc. Trong khi đó lứa 8x, 9x như tôi có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có mong muốn làm một công việc ổn định thì công ty lại chê già, chậm tiến và không tuyển dụng. Thay vì chỉ tập trung lựa chọn những người trẻ, tại sao các nhà tuyển dụng không thay đổi tư duy, mở rộng tệp nhân lực sang những lứa tuổi cao hơn?" - anh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.
Ở chiều hướng ngược lại, cũng có nhiều bạn đọc đưa ra các quan điểm và ý kiến khác về thế hệ Gen Z.
Anh Việt Anh cho rằng: "Nhiều bạn thế hệ Gen Z có cuộc sống khá tốt nên sẽ không chấp nhận vất vả, gò bó và ý chí cũng kém đi so với thế hệ trước. Gen Z hiện là lứa trẻ nhất đi làm, chưa có áp lực bị thay thế như Gen X, Y nên có thể chấp nhận làm công việc ít áp lực cũng được, vẫn còn gia đình phía sau chống đỡ cho họ. Hãy cứ để thị trường và cuộc sống quyết định. Thế hệ nào thì khi đói, đầu gối cũng phải bò. Muốn có thu nhập thì phải lao động!".
Chị Hoài Thu phân tích: “Các em Gen Z đa phần đều có đặc điểm là cha mẹ đã thành đạt và đáp ứng khá đầy đủ cho các em trước ngưỡng cửa khởi nghiệp. Gen Z đi làm yêu cầu rất cao, chỉ làm đủ 8 tiếng, làm không được đổ mồ hôi, làm phải ăn mặc theo gu, mặc đồ công nhân là không chịu,… Nên thôi các doanh nghiệp vẫn nên tuyển lao động trên 35 tuổi nếu công việc không quá yêu cầu về tuổi tác, họ sẽ hiểu rõ giá trị lao động hơn là các bạn trẻ.”
Gen Z: Phải coi trọng thái độ hơn trình độ
Trao đổi với PLO, Tiến sĩ Trần Đức Tài, Phó Trưởng Khoa - Khoa Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Văn Lang, chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị nguồn nhân lực cho rằng: “Gen Z là thế hệ tạo ra xu hướng mới trong nhiều lĩnh vực, có tư duy sáng tạo, cởi mở và linh hoạt. Bên cạnh những điểm mạnh, Gen Z cũng có những điểm hạn chế nhất định; tuy nhiên thế hệ này luôn sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, tiếp thu để điều chỉnh.
Nếu chỉ giỏi chuyên môn vững nghiệp vụ mà không có nền tảng văn hóa, phẩm chất đạo đức thì dù có tài năng cỡ nào cũng khó có thể tiến xa được. Chính vì thế, Gen Z cần hình thành và xây dựng cho chính bản thân những phẩm chất và thái độ tích cực, lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng và xã hội. Từ đó, Gen Z sẽ biết cách tạo ra những cơ hội mới dù ở bất kỳ vị trí công việc nào".
Với các doanh nghiệp sử dụng lao động, TS Trần Đức Tài cho rằng, cần chú ý 3 yếu tố để tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực Gen Z tại doanh nghiệp của mình. Đầu tiên, chú ý đến văn hóa tổ chức doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên hiểu rõ về đặc điểm và xu hướng của thế hệ Gen Z, từ đó chủ động xây dựng cơ cấu tổ chức mở, linh hoạt. Đồng thời, thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo, quản lý trong suốt quá trình làm việc với thế hệ Gen Z. Song song đó, cần tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của Gen Z để họ cảm thấy bản thân được thuộc về, là một phần của tổ chức và sẵn sàng cống hiến cho tổ chức.
Thứ hai, doanh nghiệp nên phối hợp với các trường đại học hoặc các trường cao đẳng nghề để cùng đồng hành ngay trong quá trình giáo dục, đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho người học thuộc thế hệ Gen Z. Từ đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp cũng chính là nguồn nhân lực đầu vào cho doanh nghiệp một cách thuận lợi nếu ngay từ ban đầu có sự kết hợp giữa Nhà trường – Người học – Doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần linh hoạt phương thức làm việc. Theo đó, tùy theo tính chất công việc mà có thể linh hoạt về mặt thời gian và không gian làm việc. Có thể làm việc từ xa, cho đăng ký lịch làm việc online/ offline xoay theo tuần… Doanh nghiệp kiểm soát và đánh giá dựa trên hiệu quả công việc của cá nhân/ dự án.
“Tóm lại, sự tăng cường thế hệ Gen Z trong lực lượng lao động tại Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức mới, nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Để tận dụng triển vọng của thế hệ này, các doanh nghiệp cần hiểu và đáp ứng được các mong muốn, kỳ vọng của Gen Z trong môi trường làm việc.” – TS. Trần Đức Tài chia sẻ.
Khảo sát Xu hướng lựa chọn ngành nghề của Gen Z năm 2023 của Anphabe (công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc) dựa trên 9.638 mẫu khảo sát cho kết quả những ngành nhận được sự gia tăng yêu thích từ phía Gen Z là: Ẩm thực và Nghỉ dưỡng, Dịch vụ tài chính và Bán lẻ, bán sỉ, thương mại. Ngành sản xuất công nghiệp lọt khỏi top 10 ngành nghề yêu thích, ưu tiên lựa chọn của Gen Z.
Theo đó, cơ cấu tổ chức ngành sản xuất công nghiệp không linh hoạt, mang tính “cứng” nên khi đưa lên bàn cân, khối sản xuất bất lợi hoàn toàn so với các nhóm ngành dịch vụ thương mại. Chính từ những đối nghịch giữa ngành sản xuất công nghiệp và nhu cầu, mong muốn của Gen Z nên khó để doanh nghiệp có thể tìm ra điểm “chạm” với người lao động ở thế hệ trẻ này.
PHAN THÚY
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-gen-z-che-nganh-san-xuat-cong-nghiep-post788518.html