Vì sao giá dầu giằng co liên tục?
Hai nỗi sợ đang thay nhau chi phối thị trường dầu toàn cầu. Đó là mối lo ngại khan hiếm nguồn cung và rủi ro kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Giá dầu thô thế giới giằng co liên tục trong tuần qua, khi lo ngại khan hiếm nguồn cung và nỗi sợ suy thoái liên tục thay nhau chi phối tâm lý thị trường.
Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 5/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu hiện đạt 113,12 USD/thùng, tăng mạnh so với mức hơn 108 USD/thùng ngày 1/7.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI có lúc chạm ngưỡng 111,4 USD/thùng sau khi rơi xuống dưới mốc 106 USD/thùng hôm 1/7. Tính đến 14h30, loại hàng hóa này được giao dịch quanh ngưỡng 110 USD/thùng.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích giá dầu quay đầu tăng khi nỗi lo ngại về nguồn cung vượt qua nỗi sợ suy thoái. Theo đó, cuộc đình công ở Na Uy, tình hình chính trị tại Libya và việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) không tăng sản lượng đáng kể đều tạo sức ép lên thị trường dầu vốn đã bị siết chặt.
Nguồn cung vẫn khan hiếm
"Giá dầu tiếp tục phục hồi sau đợt bán tháo do lo ngại suy thoái. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường thực tế đã đẩy giá lên cao", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - giải thích với Zing.
Còn theo ông Warren Patterson - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa của ING, nhiều nhà giao dịch bắt đầu lo ngại về nhu cầu khi triển vọng kinh tế vĩ mô ảm đạm hơn. "Tuy nhiên, thị trường dự kiến vẫn thắt chặt trong phần còn lại của năm", ông nhận định.
Hôm 5/7, các công nhân khai thác dầu ngoài khơi Na Uy đã bắt đầu đình công. Theo nhà sản xuất Na Uy Equinor, cuộc đình công có thể khiến sản lượng sụt giảm tương đương 89.000 thùng dầu/ngày, trong đó sản lượng khí đốt tự nhiên tương đương 27.500 thùng dầu/ngày.
Giá dầu tiếp tục phục hồi sau đợt bán tháo do lo ngại suy thoái. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường thực tế tiếp tục đẩy giá lên cao
Nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley
Hôm 3/7, Hiệp hội Dầu khí Na Uy dự báo sản lượng dầu sẽ giảm còn 130.000 thùng/ngày kể từ hôm 6/7. Theo tính toán của Reuters, con số này tương đương 6,5% sản lượng dầu của Na Uy.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya đã khiến các cảng chính - Es Sider, Ras Lanuf - và mỏ dầu El Feel phải đóng cửa. Điều này khiến xuất khẩu giảm khoảng 2/3 so với mức bình thường.
Giới quan sát cũng cho rằng mức tăng sản lượng của OPEC là không đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Trên thực tế, các quốc gia thành viên cũng đang chật vật đạt mục tiêu sản lượng.
Các dữ liệu cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản và Trung Quốc - một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã được cải thiện. Điều này cũng góp phần thúc đẩy giá dầu.
Vào tháng 6, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong ngành dịch vụ của Trung Quốc - do Caixin công bố - đã ngắt đà giảm kéo dài 3 tháng và tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm.
Trong khi đó, PMI tháng 6 của Nhật Bản - do au Jibun Bank công bố - đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2013.
Lực cản với thị trường dầu
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng nhu cầu sẽ suy yếu trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Những ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất để đối phó với mức lạm phát cao kỷ lục.
"Thị trường dầu thế giới vẫn bị thắt chặt nghiêm trọng. Điều đáng buồn là trường hợp duy nhất khiến giá giảm đáng kể là một cuộc suy thoái", ông Craig Erlam - nhà phân tích có trụ sở ở Anh - bình luận với Zing.
Mới đây, Nomura Holdings Inc. cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nguyên nhân là việc giới chức siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc.
Tập đoàn tài chính Nhật Bản dự báo khu vực đồng EUR, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Giới chức Australia và Hàn Quốc đã nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Tại Hàn Quốc, lạm phát tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong vòng 24 năm. Điều đó làm tăng thêm lo ngại về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thô hạ nhiệt.
"Thị trường dầu vẫn đang gặp khó khi thị trường chuyển từ mối lo ngại lạm phát sang nỗi sợ suy thoái", chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định.
Tuy nhiên, nói với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng lo ngại suy thoái đang góp phần hạ nhiệt giá dầu, nhưng giá đã giảm khoảng 17% so với mức kỷ lục hồi tháng 3. Vì vậy, giá sẽ không giảm nhiều vì nguồn cung thực tế vẫn còn khan hiếm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-dau-giang-co-lien-tuc-post1332801.html