Vì sao giá dầu quay đầu lao dốc?
Việc Thượng Hải tái phong tỏa một số khu vực khiến giá dầu quay đầu lao dốc. Nhưng giới quan sát cho rằng giá vẫn ở mức cao vì nguồn cung vẫn bị thắt chặt trên toàn cầu.
Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 10/6, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent lao dốc từ gần 122,5 USD/thùng xuống hơn 120 USD/thùng, rồi tăng nhẹ lên 120,8 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm từ mức 124 USD/thùng xuống 121,65 USD/thùng, sau đó phục hồi phần nào lên 122,3 USD/thùng.
"Giá dầu đã điều chỉnh do những lo ngại về việc Trung Quốc tái phong tỏa một số khu vực ở Thượng Hải", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - bình luận với Zing.
Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc
"Thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với một số rủi ro giảm giá trong ngắn hạn, nhất là những lo ngại về việc Trung Quốc tái áp đặt các lệnh phong tỏa và làm gián đoạn hoạt động kinh tế", ông Halley nói thêm.
Theo Reuters, mới đây, Thượng Hải và Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế chống dịch sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới trong cộng đồng giảm. Tuy nhiên, hôm 9/6, giới chức quận Mẫn Hàng, Thượng Hải, cho biết sẽ xét nghiệm 2,7 triệu dân trong ngày 11/6 và yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.
Cư dân ở một số khu phố khác cũng được yêu cầu không ra khỏi nhà trong giai đoạn thực hiện các đợt xét nghiệm bắt buộc.
Thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với một số rủi ro giảm giá trong ngắn hạn, nhất là những lo ngại về việc Trung Quốc tái áp đặt các lệnh phong tỏa và làm gián đoạn hoạt động kinh tế
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia tài chính tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore)
Việc tái áp dụng các lệnh phong tỏa ở một số khu vực chỉ vài ngày sau khi Thượng Hải nới lỏng quy định khiến giới quan sát lo ngại. Họ cho rằng nếu vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó trở lại bình thường bởi biến thể Omicron dễ lây lan hơn.
Đất nước 1,4 tỷ dân là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch gắt gao ở Trung Quốc làm gián đoạn hoạt động di chuyển, sản xuất và vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu.
"Những hạn chế mới ở Thượng Hải là nguyên nhân chính đằng sau đợt điều chỉnh giảm của giá dầu. Với chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc, nhu cầu dầu có thể lao dốc đáng kể và góp phần cân bằng cung - cầu trên thị trường thế giới, từ đó hạ nhiệt giá dầu", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
Còn theo chuyên gia Halley, giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao báo cáo lạm phát chuẩn bị được công bố của Mỹ. Thị trường dầu có thể chịu tác động tiêu cực nếu lạm phát của Mỹ tăng vọt.
Bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải hành động mạnh tay để kiểm soát lạm phát. Việc nâng lãi suất sẽ đe dọa dòng tiền chảy vào những thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.
Nguồn cung vẫn eo hẹp
"Tuy vậy, bất cứ rủi ro giảm giá nào đối với thị trường dầu đều không đáng kể. Bởi nguồn cung thực của cả các sản phẩm thô lẫn tinh chế trên toàn cầu đều eo hẹp. Đó vẫn là những động lực mạnh mẽ cho đà tăng giá", ông Halley bình luận.
Mới đây, UAE - thành viên chủ chốt của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) - tuyên bố giá dầu sẽ còn thiết lập kỷ lục mới. Nguyên nhân là nhu cầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi, làm thắt chặt hơn nữa thị trường dầu toàn cầu vốn đang chao đảo vì nguồn cung khan hiếm.
Những bình luận của UAE như một lời thừa nhận rằng việc OPEC+ (OPEC và đồng minh) đạt thỏa thuận nâng sản lượng sẽ không có tác động quá lớn đối với chi phí năng lượng, vốn đã tăng vọt trong năm nay.
Mới đây, OPEC+ (bao gồm Nga) đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Mức nâng này cao hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ.
Ông Suhail Al-Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng UAE - thừa nhận rằng các nước thành viên của OPEC đang gặp khó trong việc khôi phục sản xuất theo đúng kế hoạch.
"Với mức tiêu thụ hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa mở cửa trở lại", ông Suhail Al-Mazrouei lập luận. Theo ông, một khi hoạt động tại đất nước 1,4 tỷ dân được khôi phục hoàn toàn, nhu cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Theo ông Suhail Al-Mazrouei, nếu không có thêm đầu tư trên toàn cầu, OPEC+ sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. "Giá có thể tăng vọt lên mức chưa từng thấy, nếu dầu và khí đốt của Nga hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường", ông cảnh báo.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ vừa cảnh báo rằng trong vòng 18 tháng tới, các đòn trừng phạt và lệnh cấm vận từ phía Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến sản lượng dầu của Nga giảm 18% so với quý I/2022, tương đương 2 triệu thùng.
Con số này không tính đến tác động của lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển. "Tình trạng khan hiếm trên thị trường dầu sẽ không được cải thiện dễ dàng", chuyên gia Erlam nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-dau-quay-dau-lao-doc-post1325206.html