Vì sao gia tăng ly hôn trong giới trẻ?

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, tỷ lệ ly hôn ở giới trẻ chiếm tỷ lệ khá cao, phần lớn dưới 35 tuổi, nhiều trường hợp chưa tới 30. Tính trung bình mỗi tháng toàn tỉnh có 150 vụ ly hôn.

Cán bộ Tòa án Nhân dân thành phố Yên Bái thường xuyên có các phiên hòa giải vụ án ly hôn với người có quyền lợi liên quan

Cán bộ Tòa án Nhân dân thành phố Yên Bái thường xuyên có các phiên hòa giải vụ án ly hôn với người có quyền lợi liên quan

Những cuộc chia tay không hẹn trước

Đầu năm 2019, người dân ở xã Thanh Lương và thị thị trấn Sơn Thịnh (Văn Chấn) vui mừng chúc phúc cho đôi bạn trẻ là Trần Thị H. sinh năm 2001 và Hà Văn V. sinh năm 1999 về chung một mái nhà. Hạnh phúc càng nhân lên khi đôi trẻ có con trai đầu lòng.

Tuy nhiên, chung sống với nhau hơn 3 năm, giữa đội vợ chồng trẻ đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không có tiếng nói chung và quyết định "đường ai nấy đi" trong sự buồn phiền của hai bên nội ngoại.

Lý do là vì: "Trong quá trình chung sống, vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Anh V. nghiện ma túy đã được đưa đi trung tâm cai nghiện nhưng khi trở về không thay đổi, lười lao động, hay trộm cắp tài sản, chửi bới, hành hung tôi. Khi không có tiếng nói chung nữa thì tôi quyết định ly hôn để giải thoát. Chỉ thương cho con, vì cháu quá nhỏ” - chị H. chia sẻ.

Còn chị Bàn Thị D. và anh Bàn Ton L. ở xã Nậm Mười xây dựng tổ ấm từ năm 2015. Cuộc hôn nhân kéo dài hơn 8 năm cũng kết thúc ở ngày "chia tay không hẹn trước" tại tòa án. Chịu tổn thương nhiều nhất vẫn là hai đứa trẻ 8 tuổi và 6 tuổi đang rất cần bàn tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ.

"Không hiểu sao sau khi kết hôn được hơn một năm, chồng tôi hay ghen tuông vô cớ, đánh đập tôi nhiều lần; buộc tôi phải bỏ về nhà ngoại ở. Vì thương con nên đành phải làm lành nhưng khi về chung sống với nhau thì anh ấy vẫn chứng nào tật ấy. Bất đắc dĩ, tôi phải ly hôn”, chị D. buồn bã kể lại.

Các cặp vợ chồng trên là 2 trong số 634 vụ việc về hôn nhân gia đình mà Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn giải quyết trong hai năm 2022 và 2023.

Trung bình mỗi tháng có 150 vụ ly hôn

Cũng như huyện Văn Chấn, từ năm 2022 đến hết tháng 7/2023, Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái cũng đã thu lý, giải quyết 671 vụ. Điều đáng nói, hầu hết các cặp vợ chồng ly hôn khi tuổi đời còn khá trẻ, phần lớn dưới 35.

Thẩm phán Lê Thị Hoàng Hải - Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái cho biết: "Nhiều cặp vợ chồng ly hôn do bệnh tật, không có con; người nghiện ma túy, sa ngã vào các tệ nạn xã hội; kinh tế gia đình khó khăn; bạo lực gia đình… Nguyên nhân gia tăng ly hôn là do tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Cùng với đó, có nhiều cặp đến với nhau khi tuổi đời khá trẻ, bước vào cuộc sống gia đình còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý nên khi gặp khó khăn về kinh tế thường nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn”.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2018 đến 30/9/2023, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã giải quyết 10.859 vụ. Tính trung bình mỗi năm có trên 1.800 vụ ly hôn, chia ra mỗi tháng có 150 vụ.

Theo các hồ sơ bản án, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do: mâu thuẫn gia đình (chiếm 8.480 vụ), bạo lực gia đình (275 vụ), ngoại tình (269 vụ), bệnh tật, không có con (10 vụ), nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc (492 vụ), mâu thuẫn về kinh tế (16 vụ), các nguyên nhân khác (trên 1.300 vụ).

Ông Phạm Hồng Quân - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: "Qua số liệu trên cho thấy, nguyên nhân chủ yếu trong các vụ án ly hôn là do mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay chủ yếu là do sự trình bày của các bên đương sự, có nhiều trường hợp các đương sự không hợp tác hoặc vì lý do nào đó không trình bày chính xác về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mâu thuẫn trầm trọng của vợ chồng”.

Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng ly hôn trong giới trẻ ngày càng gia tăng là do họ thiếu kỹ năng sống. Theo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái Lê Thị Hoàng Hải: "Nhiều cặp vợ chồng bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu của cuộc hôn nhân. Trong khi đó nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hạn chế”.

Cùng với đó, do kinh tế gia đình khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp; nhiều người còn có tư tưởng lạc hậu, người vợ không sinh được con trai nên người chồng ngoại tình hoặc ly hôn để lấy vợ mới với mục đích có con "nối dõi tông đường”. Vấn đề bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội … cũng là một nguyên nhân. Cộng thêm lối sống ích kỷ, thực dụng do tác động mặt trái của chế thị trường và ảnh hưởng của cuộc sống xã hội hiện đại "từ trong trứng" cũng nhanh chóng biến các cặp đôi thành "chồng cũ", "vợ cũ"!

Ly hôn để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Nhưng người chịu tổn thương nhất là những đứa con thơ, thiếu vắng tình yêu thương, dạy dỗ của cha mẹ. Trong thực tế, do thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, bị cú sốc về tinh thần khi bố mẹ bỏ nhau nên nhiều bạn trẻ sẽ buông xuôi, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được thực hiện tại Trường THPT Cảm Ân, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình.

Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được thực hiện tại Trường THPT Cảm Ân, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình.

Giải pháp?

Giải pháp gì để giải quyết tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, nhất là trong giới trẻ? Theo ông Phạm Hồng Quân - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, trước hết cần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đối với các vụ ly hôn gắn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Cùng đó, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ tòa án trong giải quyết các vụ án ly hôn, đặc biệt là kỹ năng hòa giải tại tòa nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phải luôn xung kích đi đầu, nắm bắt tình hình, thông tin, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh và kịp thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên, hội viên của mình và nhân dân; thường xuyên tổ chức các "phiên tòa giả định” để tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho giới trẻ, nhất là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tăng cường phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình. Đặc biệt, mỗi cặp vợ chồng cần tôn trọng, biết lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… Có như vậy, mới xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.

Văn Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/304240/vi-sao-gia-tang-ly-hon-tr111ng-gioi-tre.aspx