Vì sao gia tộc Rothschild bỏ quyền định giá vàng thế giới sau 200 năm?
Trong suốt gần 200 năm kể từ cuộc chiến tranh Napoleon năm 1815, quyền định giá vàng đã nằm trong tay gia tộc Rothschild.
Cảnh báo cấp 1: Năm 2004, Rothschild rút lui khỏi hệ thống định giá vàng
Nguồn gốc của mọi quyền lực đều thể hiện ở quyền định giá thông qua quá trình khống chế giá cả để thực hiện phương thức phân phối của cải theo kiểu “lợi mình, hại người”. Việc tranh giành quyền định giá cũng khốc liệt như cuộc chiến giành địa vị đế vương vậy và luôn chứa đầy những âm mưu, dối trá. Hiếm khi giá cả sinh ra một cách tự nhiên, phía chiếm ưu thế vốn dĩ không từ bất cứ thủ đoạn nào để bảo vệ lợi ích của mình, và điều này chẳng có sự khác biệt về bản chất nào so với chiến tranh.
Để bàn về vấn đề giá cả, chúng ta cần phải liên tưởng tới việc nghiên cứu chiến tranh nhằm tiếp cận hình ảnh gốc của sự việc. Đặt ra giá cả, lật ngược giá cả, bóp méo giá cả, thao túng giá cả đều là kết quả của những cuộc đọ sức quyết liệt lặp đi lặp lại giữa những người trong cuộc. Nếu không có yếu tố con người làm bối cảnh tham chiếu thì chúng ta không thể hiểu rõ quỹ đạo hình thành giá cả.
Điều thú vị là cả người ngồi ở vị trí ông chủ phát hiệu lệnh lẫn số đông những kẻ phục tùng đều khốn khổ như nhau. Xét từ góc độ vàng, ai khống chế được các nhà buôn vàng lớn nhất thế giới thì người đó khống chế được giá vàng. Khống chế là việc làm cho các nhà buôn vàng chủ động, hoặc bị động, chấp nhận sự sắp đặt đến từ cấp cao hơn trên thang quyền lực vì lợi ích hoặc do bị ép buộc.

Chân dung một trong 5 người con quyền lực của gia tộc Rothschild. Ảnh: Rothschild & Co.
Trong suốt gần 200 năm kể từ cuộc chiến tranh Napoleon năm 1815, quyền định giá vàng đã nằm trong tay gia tộc Rothschild. Thể chế định giá vàng ban bố ngày 12 tháng 9 năm 1919, khi 5 đại biểu của các tập đoàn tài chính lớn tụ tập ở Ngân hàng Rothschild. Lúc này, giá vàng được định ở mức 4 bảng 18 shiling 9 penny, tức khoảng 7,5 đô-la Mỹ. Đến năm 1968, việc định giá vàng vẫn không hề thay đổi, dù đã sử dụng đồng đô-la Mỹ để xác định giá vàng.
Ngoài gia tộc Rothschild còn có các đại diện của Mocatta & Goldsmid, Pixley & Abell, Samuel Montagu & Co., Sharps Wilkins tham gia vào việc định giá vàng lần thứ nhất. Sau đó, trong nhiều năm liền, gia tộc Rothschild đóng vai trò chủ tịch kiêm đơn vị chủ trì triệu tập cuộc họp. 5 vị đại biểu họp mặt 2 lần/ngày ở Ngân hàng Rothschild để thảo luận về giá vàng. Bắt đầu phiên giao dịch, chủ tịch ra giá vàng và chuyển đến các sàn giao dịch bằng điện thoại. Sau khi định lượng nhu cầu và căn cứ vào giá thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, chủ tịch tuyên bố giá vàng được “xác lập” (The London Gold Fix).
Chế độ định giá vàng này được vận hành liên tục mãi đến năm 2004. Ngày 14 tháng 4 năm 2004, dòng họ Rothschild đột nhiên rút lui khỏi hệ thống định giá vàng London. Tin tức này lập tức làm chấn động các nhà đầu tư trên toàn thế giới. David Rothschild giải thích rằng: “Thu nhập trong giao dịch (bao gồm cả vàng) của chúng tôi ở thị trường hàng hóa London trong thời gian 5 năm qua đã giảm xuống mức chưa bằng 1% tổng thu nhập của chúng tôi. Xét từ góc độ chiến lược, kinh doanh vàng không còn là nghiệp vụ chính của chúng tôi nữa, vì thế chúng tôi quyết định rút lui khỏi thị trường này.”
Ngày 16 tháng 4, tờ Financial Times của Anh lập tức phụ họa rằng: “Đúng như Keynes từng nói, ‘di tích dã man’ này (vàng) đang chìm dần vào dòng lịch sử. Việc gia tộc Rothschild rút lui khỏi thị trường vàng khiến cho Ngân hàng Pháp, vốn cao ngạo là thế, cũng phải cân nhắc kho dự trữ vàng của mình. Và trong vai trò là một sản phẩm đầu tư, vàng đang đến hồi giãy chết.”
Không chỉ vậy, ngày 1 tháng 6, Tập đoàn AIG - một tên tuổi lẫy lừng trên thị trường giao dịch bạc trắng - tuyên bố rút lui khỏi hệ thống định giá bạc, tự nguyện giáng cấp xuống làm nhà giao dịch bình thường.
Cả hai việc này đều có vẻ hết sức kỳ quặc.
Lẽ nào gia tộc Rothschild thật sự xem nhẹ vàng? Nếu không phải thế thì tại sao họ không rút lui vào thời điểm giá vàng xuống đến điểm thấp nhất trong lịch sử vào năm 1999 mà lại phải rửa tay gác kiếm vào thời điểm giá vàng bạc đang thịnh như năm 2004?
Một khả năng khác chính là giá vàng bạc cuối cùng sẽ mất kiểm soát, và một khi âm mưu khống chế giá vàng và bạc bị bại lộ thì người nắm quyền khống chế sẽ trở thành kẻ thù chung của thế giới. Cắt đứt mối quan hệ với vàng một cách đột ngột, gia tộc Rothschild sẽ tránh được sự nguyền rủa của người đời nếu như 10 năm sau giá vàng bạc có trục trặc.
Đừng quên rằng từ trước tới nay, gia tộc Rothschild luôn nắm giữ mạng lưới tình báo chiến lược có hiệu suất cũng như tính bảo mật cao nhất trên thế giới. Nhà Rothschild luôn nắm giữ những nguồn thông tin quý giá và bí mật nhất. Mưu cao kế hiểm cộng thêm nguồn tài chính khổng lồ cùng khả năng thu thập, phân tích thông tin hiệu quả giúp cho gia tộc này nắm giữ số phận của cả thế giới từ hơn 200 năm qua.
Việc gia tộc này đột ngột tuyên bố rút lui khỏi thị trường vàng - một thị trường béo bở mà họ đã lao tâm khổ tứ xây dựng trong suốt 200 năm qua - không còn là chuyện bình thường.