Vì sao giá vàng giảm mạnh, trái ngược dự báo tăng khi 'bão thuế'?

Sáng nay (7/4), giá vàng trong nước giao dịch quanh mốc 100 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước có một tuần giảm liên tiếp theo giá thế giới, trái với dự báo tăng giá của nhiều chuyên gia liên quan chính sách thuế quan Mỹ vừa công bố.

Giá vàng giảm không phanh?

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 97,1 - 100,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Chênh lệch mua - bán nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng.

Ngày 1/4, vàng miếng SJC tăng kỷ lục lên 102,6 triệu đồng/lượng, sau đó quay đầu giảm.

Giá vàng nhẫn cũng có một tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 97,5 - 100,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 96,7 - 100,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng giảm liên tiếp trong 1 tuần qua (ảnh: Như Ý).

Giá vàng giảm liên tiếp trong 1 tuần qua (ảnh: Như Ý).

Sáng nay, giá vàng thế giới giảm về mức 3.008 USD/ounce, giảm 28 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới giảm mạnh trái ngược với kỳ vọng của nhiều chuyên gia rằng vàng sẽ tiếp tục giữ vai trò trú ẩn an toàn, trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn.

Theo suy luận thông thường, khi căng thẳng thương mại lên cao, tài sản an toàn như vàng sẽ càng có lợi, là nơi trú ẩn của dòng tiền, trái ngược với thị trường chứng khoán, thị trường tiền số… Điều này đúng trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Mỹ công bố các mức thuế với 180 nền kinh tế, giá vàng trong ngày 3/4 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử 3.168 USD/ounce.

Nhiều chuyên gia dự báo vàng sẽ tăng mạnh khi căng thẳng thương mại lên cao. Tuy nhiên, bức tranh không đơn giản như vậy. Lần này, sự hỗn loạn từ tin tức thuế quan của Mỹ, cùng với phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc - áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ - đã tạo ra một hiệu ứng domino. Thay vì tăng giá như kỳ vọng, vàng lại chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư.

Theo một số chuyên gia, việc giá vàng giảm có thể chỉ là một khoảng dừng, không phải đảo chiều hoàn toàn, nhờ các yếu tố cơ bản vẫn đang thuận lợi cho kim loại quý này. Có nhiều lý do cho thấy đợt giảm không kéo dài, bao gồm vấn đề lạm phát, tình hình chính trị căng thẳng, và thế giới vẫn cảnh giác với cú sốc kinh tế.

Tỷ giá USD diễn biến phức tạp

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.886 đồng/USD. Giá USD ngân hàng giao dịch ở mức 25.600 - 25.960 đồng/USD.

Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định đây là vấn đề tất cả các doanh nghiệp rất quan tâm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh thuế.

Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát sắc thuế của Tổng thống Trump và nhận thấy sự khác biệt so với những lần trước. Cụ thể, lần này sắc thuế dựa trên thặng dư thương mại của 57 quốc gia, không đề cập rõ đến vấn đề tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước nhận thấy các giải pháp thương mại đưa ra từ các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất phù hợp với tinh thần của Tổng thống Trump.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%. Nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-gia-vang-giam-manh-trai-nguoc-du-bao-tang-khi-bao-thue-post1731583.tpo