Vì sao Giám đốc Đại học Huế bị bắt?
PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc đại học (ĐH) Huế trong thời gian là Hiệu trưởng trường thành viên đã chiếm đoạt tài sản của sinh viên và tiền chênh lệch từ mở lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ B1 ngoại ngữ cho học viên cao học...
Ngày 19/01, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế xác nhận, ngày 18/01/2015 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Anh Phương (SN 1974, quê Quảng Bình, ngụ P.An Đông, Q.Thuận Hóa, TP.Huế) - Giám đốc ĐH Huế về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, ngày 26/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Vinh - nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng đào tạo sau ĐH thuộc Trường ĐH Sư phạm Huế về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra xác định, năm 2020 và 2021, PGS.TS Lê Anh Phương đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế và ông Nguyễn Văn Vinh đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của sinh viên hơn 2,6 tỷ đồng. Năm 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra "Dự án đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế", dự toán đầu tư là 12,5 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách nhà nước qua Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo).
Kết thúc dự án, Trường ĐH Sư phạm Huế chưa thực hiện quyết toán; không thực hiện việc báo cáo quản lý, sử dụng tài sản của dự án sau khi đưa vào sử dụng. Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị Hội đồng ĐH Huế, Giám đốc ĐH Huế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm. ĐH Huế chỉ đạo Trường ĐH Sư phạm Huế và các đơn vị thành viên thuộc Đại học Huế nghiêm túc thực hiện các quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật về đấu thầu; rà soát tổng thể việc thực hiện công tác đấu thầu, tổ chức triển khai các dự án để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế, thiếu sót, vi phạm.
Cuối năm 2021, ông Phương ký 2 thông báo mở lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ B1 ngoại ngữ cho học viên cao học khóa 29 ở trường với chi phí 7,5 triệu đồng/học viên. Phương giao Vinh tổ chức, thu tiền của 700 học viên, chuyển toàn bộ học viên sang Trường ĐH Ngoại ngữ Huế để học, thi lấy chứng chỉ. Trường ĐH Ngoại ngữ Huế chỉ thu của học viên mức 4,9 triệu đồng. Vinh chuyển tiền chênh lệch hơn 1 tỷ đồng cho Phương. Đại học Sư phạm Huế không có Khoa Ngoại ngữ, không có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ B1 nên khoảng chênh lệch này không được chuyển về theo dõi tại trường cũng như bộ phận kế toán.
Cuối năm 2023, ông Vinh có đơn xin nghỉ công tác, nhưng nhà trường không xem xét xử lý, vì xác định ông Vinh là mắt xích trong chuỗi sai phạm xảy ra ở trường cần phải làm rõ. Ông Vinh tự nghỉ việc, chuyển vào TPHCM sinh sống. Cuối năm 2024, ông Phương có đơn gửi các cấp, thông báo xin nghỉ ốm. Phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị và cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ đến Công an TP Huế để điều tra.
Ngày 26/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế bắt Vinh và ngày 18/01/2024 bắt tạm giam Phương, tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. PGS.TS Lê Anh Phương từng học ĐH ngành sư phạm Toán học tại Khoa Sư phạm Toán - Trường ĐH Sư phạm Huế, học thạc sĩ (năm 2001), tiến sĩ (năm 2013) tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành Tin học. Năm 1997, ông Phương là giảng viên tập sự của Khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm Huế đến năm 1999 là giảng viên. Năm 2017, ông Phương được bổ nhiệm chức danh PGS.
Sau đó, ông Phương giữ chức các chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy ĐH Huế, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế. Tháng 7/2022, ông Phương được Bộ GD&ĐT bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc ĐH Huế nhiệm kỳ 2021-2026, cho đến lúc bị bắt giam.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/vi-sao-giam-doc-dai-hoc-hue-bi-bat_173073.html