Vì sao giáo dục Nepal thất bại?
Việc công bố kết quả thi cuối năm lớp 12 mới đây ở Nepal khiến nhiều người thất vọng.
Kỳ thi này có 396.185 thí sinh tham dự nhưng khoảng một nửa trong số đó không đạt yêu cầu. Theo các chuyên gia và bên liên quan, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi hệ thống giáo dục của Nepal còn rất nhiều vấn đề.
Những vấn đề nổi cộm
Hệ thống giáo dục của Nepal có thể được chia chủ yếu thành 3 giai đoạn: Mầm non, phổ thông (gồm cấp cơ sở từ lớp 1 đến lớp 8 và cấp trung học từ lớp 9 đến lớp 12) và đại học (giáo dục đại học và sau đại học).
Càng lên cao, số lượng học sinh càng giảm và điều này cho thấy sự thất bại của hệ thống giáo dục Nepal. Họ đã không thể cho học sinh thấy được sự cần thiết của giáo dục và đây được xem là vấn đề lớn nhất.
Bên cạnh đó còn có các vấn đề quan trọng khác mà hệ thống giáo dục Nepal phải đối mặt. Đó là việc giáo dục tách rời khỏi kỹ thuật số, các vấn đề mang tính hệ thống như việc lặp lại câu hỏi giống nhau trong các kỳ thi và thiếu sinh viên ở các khoa khác nhau.
Nhà giáo dục Bidya Nath Koirala chỉ ra rằng, thái độ sai lầm của giáo viên và những người giữ vị trí lãnh đạo trong ngành Giáo dục là nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề xảy ra trong hệ thống này.
Theo ông Koirala, kết quả thi gần đây của học sinh lớp 12 cũng cho thấy cách giáo viên và trường học đã lợi dụng đại dịch và thao túng hệ thống nhằm mang lại lợi ích cho họ. Ngay sau khi cách chấm điểm nội bộ bị hạn chế sử dụng, điểm tổng thể của học sinh cũng giảm xuống theo.
Ông Koirala giải thích, ban đầu đa số học sinh đều được nhận điểm A hoặc A+ nhưng khi cách chấm điểm thay đổi, số học sinh không đạt yêu cầu tăng vọt.
Các báo cáo khác nhau của Văn phòng Đánh giá Giáo dục (ERO) thuộc Bộ Giáo dục Nepal cho thấy, học sinh từ các lớp khác nhau chỉ có thể nắm được 50% nội dung chương trình học.
Giáo viên thờ ơ với công việc
Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên trung học phổ thông Dipak Subedi cho biết, Nepal rất thiếu giáo viên và khoản tài chính chi cho lương giáo viên cũng thiếu trầm trọng. Các trường bắt buộc phải tự bỏ tiền để thuê giáo viên. Giáo viên họ thuê thường là những người làm việc bán thời gian và không thể dành nhiều thời gian cho việc tham khảo ý kiến sau giờ học.
Một báo cáo nghiên cứu của cựu Bộ trưởng Giáo dục đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khảo thí quốc gia Mahashram Sharma cho biết, trong năm 2018, Nepal cần bổ sung ngay lập tức 7.800 giáo viên ở các trường đang dạy lớp 11, 12. Báo cáo này còn cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Toán và Khoa học.
Theo các chuyên gia giáo dục, chính phủ dường như chú tâm đến các vấn đề nổi như thay đổi hệ thống đánh giá mà ít chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Chủ tịch Liên minh Sinh viên Tự do quốc gia Nepal (ANNFSU) Sunita Baral cho biết, bà lo ngại về số lượng sinh viên bỏ học. Ngoài nguyên nhân từ giáo viên, bà còn đổ lỗi cho lãnh đạo chính quyền địa phương về việc đó.
Theo bà Baral, chính quyền các địa phương có vẻ xa cách với hệ thống giáo dục và không đưa ra các biện pháp để cải thiện. Bà tin rằng, họ có thể giúp giáo dục cấp trường trở nên hiệu quả hơn, nhưng họ đã không làm bất cứ điều gì để đạt mục đích này.
Anurag Shah là thư ký tại Chi hội RR Campus thuộc Hội Sinh viên Nepal. Anh nói rằng, những người làm việc trong ngành Giáo dục đang sử dụng nơi làm việc của mình để có nguồn thu nhập thay vì biến nó thành một trung tâm học tập và nghiên cứu. Tương tự như vậy, các hội sinh viên và các quan chức được cho là giúp cải cách ngành Giáo dục lại thiếu hiểu biết và thờ ơ với các vấn đề của sinh viên.
Lo ngại về chương trình học
Sau chất lượng giáo viên, chất lượng chương trình giảng dạy là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Bà Baral nói rằng, các trường đại học đã không hiểu được cảm xúc của sinh viên và cung cấp chương trình giảng dạy như họ muốn. Mặc dù, chương trình giảng dạy đã được sửa đổi, nhưng một số môn học quan trọng đang nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn.
Ví dụ, hàng trăm sinh viên muốn theo học Cử nhân Quản trị Kinh doanh (BBA), nhưng họ không muốn học Cử nhân Kinh doanh học (BBS). Điều này đang xảy ra do các trường đại học không dạy sinh viên về tầm quan trọng của môn học, bà Baral nói.
Bà cho biết, Nepal có các trường cao đẳng khác nhau về nông nghiệp và du lịch, nhưng các chuyên gia trong những lĩnh vực đó lại rất ít. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo sinh viên muốn chính phủ tập trung vào việc làm cho giáo dục trở nên thiết thực và dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người.
Tương tự, nhà giáo dục Koirala muốn hệ thống giáo dục vượt ra ngoài sách vở. Ông cho rằng, hệ thống giáo dục hiện tại không nên chỉ xoay quanh sách giáo khoa, mà cần phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh và sau đó nâng cao khả năng tư duy phản biện của các em.
Ông Koirala nhận xét thêm rằng, việc giáo viên tham gia vào các đảng phái chính trị đã trở thành một vấn đề ở tất cả các cấp. Theo ông, thay vì giảng dạy, các giáo viên bận rộn phục vụ lãnh đạo chính trị và các đoàn thể. Họ né tránh nhiệm vụ thực sự của mình là dạy học. Việc các nhà lãnh đạo không nhận ra giáo viên giỏi và giáo viên dở là một vấn đề lớn khác trong ngành Giáo dục Nepal hiện nay.
Theo OnlineKhabar
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-giao-duc-nepal-that-bai-post611866.html