Vì sao giới trẻ Hàn sợ phải đi tiệc nhậu với sếp

Việc tụ tập với đồng nghiệp sau giờ làm không xa lạ nhưng với nhiều người trẻ Hàn, văn hóa này không đơn thuần chỉ là cuộc họp mặt mà tiềm ẩn không ít mối nguy hiểm.

“Hoesik” là cách gọi văn hóa tụ tập ăn nhậu sau giờ làm tại các nhà hàng, quán karaoke ở Hàn Quốc. Hầu hết dân công sở cảm thấy áp lực khi tham gia những sự kiện này, dẫn đến hậu quả tiêu cực tại nơi làm việc, theo The Korea Herald.

“Đó là nguyên tắc ngầm nếu muốn được đánh giá tốt và thăng chức. Nhân viên không tham gia sẽ để lại ấn tượng xấu với cấp trên”, Song Jung-yup (38 tuổi), cựu nhân viên văn phòng, cho biết.

Theo hướng dẫn được Bộ Lao động và Việc làm công bố năm 2018, về mặt pháp lý, “hoesik” không phải phần bắt buộc của công việc. Do đó, người lao động không được trả lương làm thêm giờ dù bị sếp ép tham gia.

Mặc dù mục đích chính là thúc đẩy sự gắn kết trong nội bộ các công ty, văn hóa này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 “Hoesik” được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống của dân công sở Hàn. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

“Hoesik” được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống của dân công sở Hàn. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Tháng 5/2021, một người đàn ông gặp tai nạn và tử vong khi lái xe trong tình trạng say rượu. Trước đó, anh tham gia tiệc nhậu với sếp. Tòa án Seoul nhận định đây nên được coi là tai nạn lao động theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn lao động.

“Nạn nhân mới đảm nhận công việc này 70 ngày nên không thể từ chối đi nhậu với cấp trên. Rất khó để nói tai nạn này không liên quan đến ‘hoesik’”, Tòa án Seoul cho biết.

Tháng trước, Tòa án Seoul cũng phán quyết cái chết của một nhân viên văn phòng sau khi “hoesik” với đối tác của công ty là tai nạn nghề nghiệp.

“Ngay cả khi công ty không bắt buộc, nhân viên cũng phải có mặt ở đó để giữ mối quan hệ tốt với các đối tác”, tòa khẳng định.

“Hoesik” cũng có thể tạo tiền đề cho những sự việc đáng tiếc liên quan đến quấy rối tình dục.

Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết quấy rối tình dục xảy ra nhiều nhất tại các bữa nhậu vào năm 2015 và 2018.

Cuộc khảo sát gần đây chỉ ra tỷ lệ người lao động từng bị quấy rối tình dục giảm mạnh, từ 8,1% năm 2018 xuống 4,8% năm 2021. Kết quả này được cho là do “hoesik” không diễn ra thường xuyên trong đại dịch.

 Tình trạng quấy rối tình dục cũng xảy ra trong các tiệc nhậu sau giờ làm. Ảnh: Getty.

Tình trạng quấy rối tình dục cũng xảy ra trong các tiệc nhậu sau giờ làm. Ảnh: Getty.

Tuần trước, Tòa án quận Incheon ra phán quyết đối với cựu hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hàn Quốc với cáo buộc quấy rối cấp dưới và ép cô uống rượu giao bôi với đồng nghiệp nam.

“Với tư cách là hiệu trưởng, lẽ ra bị cáo phải nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục. Thay vào đó, ông ta lại lạm dụng chức vụ để quấy rối nhân viên”, tòa án cho rằng việc sa thải cựu hiệu trưởng là chính đáng.

Các tiền lệ pháp lý cho thấy ép uống rượu giao bôi có thể bị coi là quấy rối tình dục. Năm 2008, Tòa án Tối cao kết luận một người đàn ông phạm tội quấy rối tình dục vì ép các nhân viên nữ ở CLB golf làm hành động này với mình. Anh ta bị phạt 3 triệu won.

Văn hóa nhậu nhẹt vô độ là lý do chính khiến giới trẻ Hàn Quốc ghét “hoesik”.

Một nữ nhân viên công sở 26 tuổi cho rằng “hoesik” vào buổi trưa sẽ tốt hơn vì cô không bị ép uống rượu.

“Tôi sẽ chẳng có gì để làm ngoại trừ việc uống rượu và nghe cấp trên giáo huấn. Chưa kể hôm sau còn mệt nữa”, cô nói.

Theo cuộc khảo sát vào tháng 4 của trang web tìm kiếm việc làm Incruit, 65,6% và 71,2% người ở độ tuổi 20-30 chọn không uống rượu vào bữa ăn. Ngược lại, 68,7% người trên 50 tuổi thích ăn tối kèm đồ uống có cồn và 31,3% không ủng hộ.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gioi-tre-han-so-phai-di-tiec-nhau-voi-sep-post1331784.html