Trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu nằm ở Hà Lan. Ngày nay, mỏ Groningen có đủ công suất chưa sử dụng để một quốc gia công nghiệp như Đức đối phó tình trạng thiếu năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Tuy nhiên hiện tại cơ sở này đang bị đóng cửa và các nhà chức trách Hà Lan từ chối mọi yêu cầu tăng sản lượng. Lý do là quá trình khai thác đã gây ra nhiều trận động đất hơn và các quan chức không muốn phải chịu phản ứng dữ dội từ cư dân.
Groningen là một trong những nguồn cung cấp khí đốt chính cho châu Âu kể từ năm 1963. Khu mỏ khổng lồ này lưu trữ khoảng 450 tỷ mét khối nhiên liệu có thể thu hồi, trị giá ước tính khoảng 1.000 tỷ đô la.
Đáng chú ý là ngày nay Hà Lan có mọi cơ hội để sản xuất 50 tỷ mét khối khí mỗi năm, nhiều hơn mức cung cấp hiện tại. Điều này được chứng minh bằng dữ liệu của Shell Plc - công ty vận hành Groningen.
Nhưng toàn bộ vấn đề nằm ở những trận động đất mà người dân địa phương phải hứng chịu. Rung chấn phá hủy nhà cửa, gây thiệt hại tài sản, và với sự gia tăng của hoạt động khai thác, sự tàn phá dễ trở thành một tai họa thường xuyên đối với Hà Lan.
Ví dụ như ông Vilnur Hollaar - một cư dân 50 tuổi của Groningen tỏ ra vô cùng phẫn nộ khi các quan chức trước đó đã phớt lờ những lo ngại của bản thân. Động đất đã làm hư hại ngôi nhà cũ của ông được xây dựng từ năm 1926.
“Khi tôi mua căn nhà này vào năm 2004, nó là một cung điện. Nhưng giống như hàng ngàn công trình trong khu vực, nó đã bị ảnh hưởng bởi động đất; xuất hiện đầy những vết nứt và mặt tiền bị võng xuống. Ngôi nhà của tôi đã biến thành đống đổ nát”, ông Vilnur Hollaar nói. (ảnh minh họa)
,
Theo Bộ trưởng Bộ khoáng sản Hà Lan - ông Hans Wijlbrif, việc tiếp tục khai thác là cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên họ cũng không thể bỏ qua châu Âu - nơi đang thiếu nhiên liệu. Vị quan chức nói rằng khó có thể xảy ra, nhưng Hà Lan chấp nhận rủi ro nếu tình hình thiếu hụt trở nên nghiêm trọng.
Các nhà chức trách Hà Lan cho biết: nếu Đức cần thêm năng lượng thì sẽ an toàn hơn khi kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều con mắt ở châu Âu đang nhìn vào các mỏ khí đốt ở Hà Lan.
"Ủy viên Liên minh châu Âu về Thị trường Nội bộ Thierry Breton cho biết trong một bài phát biểu gần đây rằng Hà Lan nên xem xét lại quyết định đóng cửa các khu mỏ Groningen và Wiilbrifa", tờ Bloomberg cho biết.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte không loại trừ khả năng nước này có thể sử dụng hết công suất khai thác, nhưng đó là khi các trường học và bệnh viện ở châu Âu bị mất hệ thống sưởi - điều rất khó xảy ra.
Trong khi đó, những cư dân lo sợ động đất ngày càng bày tỏ sự bất mãn. Nhiều người trong số họ cho rằng các nhà chức trách không tính đến vấn đề của mình. Một số chỉ ra rằng ngay cả tiền bồi thường cũng không thể bù đắp được thiệt hại.
Cần lưu ý rằng những chấn động đầu tiên được ghi nhận vào năm 1986, nhưng hạn chế nghiêm ngặt về sản xuất chỉ bắt đầu được áp dụng vào năm 2014. Kết quả là sản lượng khai thác giảm từ 54 tỷ xuống 4,5 tỷ mét khối.
“Thay vì tăng sản lượng khí đốt, Hà Lan đã loại bỏ hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than để giúp đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với những thành viên EU khác chuyển sang sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm cao”, tờ Bloomberg cho biết.
Mặc dù vậy, cư dân Hà Lan lo sợ rằng chính quyền nước này cuối cùng sẽ lùi bước và đồng ý tăng sản lượng. Các chính trị gia EU ngày càng gây sức ép nhiều, và việc chống lại áp lực của họ trở nên khó khăn hơn.
Người dân địa phương khẳng định rằng họ sẽ chống lại một quyết định như vậy, vì động đất đe dọa phá hủy mọi thứ họ có. Tình hình trên cho thấy châu Âu còn lâu mới thoát khỏi được nguồn cung khí đốt của Nga. (Ảnh minh họa)
Bạch Dương