Vì sao Hà Nội liên tục đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí?
Những ngày qua, chỉ số không khí ở Hà Nội liên tục thuộc top ô nhiễm nhất thế giới gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Vậy nguyên nhân do đâu?
Hà Nội liên tục “chìm” trong bụi mịn, đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí
Nhiều ngày nay, Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ghi nhận ở mức 201- 300 (thuộc ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe). Thậm chí có thời điểm, Hà Nội nhiều ngày xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.
Cụ thể, 8h sáng ngày 7/1, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 272 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người.
7h58 phút sáng 8/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 219, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức tím, mức “rất không tốt.”
7h37 phút sáng 9/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 187, Hà Nội đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức “không lành mạnh”.
Tuy nhiên, các điểm đo ở khu vực Hồ Tây vẫn ghi nhận chỉ số ô nhiễm cao ở ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe con người như Quảng Khánh AQI 238, Tô Ngọc Vân AQI 221, Hồ Tây Compound AQI 210, Quảng Bá AQI 205...
Các khu vực khác ghi nhận chỉ số chất lượng không khí mức đỏ như Hoàng Quốc Việt AQI 196, Phố Lò Đúc AQI 187, Cừ Khôi (Long Biên) AQI 189, Minh Khai AQI 177...
Với việc ô nhiễm không khí nặng như hiện nay, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ với Gia đình Việt Nam rằng, chỉ cần một buổi sáng ngoài đường hít thở có thể gây tác hại tương đương hút hai bao thuốc lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí kỷ lục?
Trước việc Hà Nội liên tục xếp hạng đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, nhiều ý kiến lo ngại liệu đây có phải điều bất thường.
Chia sẻ về những thắc mắc này, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho hay, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hà Nội đã ô nhiễm từ vài năm trở lại đây nên không có dấu hiệu gì bất thường.
Ông Tùng lý giải ô nhiễm đầu tiên đó là do các nguồn thải của Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát. Thay đổi về thời tiết như mưa, gió, độ ẩm… những điều kiện này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm mức độ ô nhiễm.
"Những điều kiện thời tiết không thể điều khiển được. Cách kiểm soát được đó là hạn chế các nguồn ô nhiễm. Mấy năm qua chúng ta cũng đã biết được các nguồn ô nhiễm cụ thể từ khói thải từ giao thông, công trình xây dựng, đốt rơm rạ… Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch nâng cao cải thiện chất lượng không khí, trong đó có rất nhiều biện pháp ngắn, trung, dài hạn để hạn chế ô nhiễm.
Việc này cũng đã đưa ra kế hoạch nhưng triển khai thực hiện kế hoạch đó chưa nhìn thấy rõ. Việc triển khai này chúng ta đừng hy vọng nay làm mai giảm ngay luôn được. Đó là những biện pháp ngắn hạn để giảm dần. Chúng ta kỳ vọng với các biện pháp này mỗi ngày ô nhiễm không khí sẽ được giảm một ít, nhiều ngày giảm ít đi mới thành công được. Những biện pháp này vừa tốn công, vừa tốn sức lại tốn tiền", ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, Hà Nội đã có rất nhiều biện pháp, trong đó biện pháp ngắn hạn cần làm ngay. Ví dụ như phun nước rửa đường trước đầu giờ sáng để làm sạch đường phố và giảm bụi. Hoạt động này được thành phố Hà Nội tăng cường trong những ngày gần đây, khi tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn. Vào dịp cuối năm, người dân rất bức xúc trước việc vỉa hè cứ bị đào xới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã giao các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý kịp thời để khắc phục, chấn chỉnh.
"Đối với các công trình xây dựng tôi cho rằng nên yêu cầu lắp đặt camera kiểm soát. Làng nghề tái chế, đốt nhiên liệu rất nhiều nhưng không có quy trình xử phạt, cương quyết xóa bỏ những điểm đen. Đối với giao thông có biện pháp xử lý ngay đó là giảm xe buýt chạy bằng xăng dầu, tăng cường xe buýt điện.
Ai cũng bảo như vậy sẽ tốn kém nhưng muốn không khí sạch thì không thể không tốn tiền. Những bài học của các nước họ làm, cương quyết và có lộ trình có tác dụng cộng hưởng. Tôi thấy rất nhiều việc có thể làm được. Sắp tới chúng ta bàn chuyện hạn chế rác thải, có những chính sách triển khai", ông Tùng nêu quan điểm.
Làm gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí?
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, vị chuyên gia này cho rằng, thành phố cần triển khai quyết liệt. Đặt ra kế hoạch nhưng không làm mạnh thì khó có lý do để giảm thiểu được ô nhiễm.
"Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao các hệ thống quan trắc để thông báo cho người dân, một mặt nâng cao nhận thức, mặt khác bảo vệ sức khỏe, người dân cũng thấy trách nhiệm của mình ở trong đó, làm gì để mỗi người giảm thiểu đi xe máy, bảo dưỡng xe máy, tham gia giao thông công cộng…
Các biện pháp ngắn hay dài hạn liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương và cụ thể các địa phương trong nội thành làm gì, ngoại thành làm gì, có biện pháp triển khai quyết liệt chứ không phải kế hoạch, hô hào chung chung", ông Tùng nói thêm