Vì sao Hà Tĩnh đề xuất xây sân bay quốc tế?
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị bổ sung quy hoạch CHK Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.
Trưa 14/9, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công văn số 5946 “Về việc đề nghị bổ sung quy hoạch CHK Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn, lập bổ sung CHK Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.
Theo văn bản đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, CHK Quốc tế Hà Tĩnh là sân bay dân dụng, có 2 đường băng, chiều dài ≥ 1.800m.
Đây là loại sân bay cấp 4C, có bay đêm. Đường bay nội địa sẽ có các tuyến bay đi và đến: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc...; Quốc tế sẽ có các tuyến Đài Loan, Hàn Quốc...
CHK Quốc tế Hà Tĩnh có diện tích khoảng 300ha (vào năm 2030) và lên khoảng 450ha (vào năm 2050). Năng lực khai thác, đến năm 2030 đạt 500.000 khách/năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu khách/năm.
Vị trí quy hoạch sân bay tại các xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên).
Để thực hiện bổ sung quy hoạch, tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam trong quá trình khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch khác đều xác định Hà Tĩnh là một trong các tỉnh nằm trong mạng cảng hàng không. Và giai đoạn sau 2020 cần thiết xây dựng 1 sân bay phục vụ chuyên cơ và dành diện tích để mở rộng về sau.
Trên thực tế, Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là tỉnh có 164,5km đường biên giới tiếp giáp với Lào, rất thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng để kết nối đường hàng hải quốc tế, giao lưu hàng hóa với các nước trên thế giới của Lào, 17 tỉnh Đông Bắc Thái Lan và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hà Tĩnh có bờ biển dài (137 km), có cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là một trong những cảng nước sâu lớn nhất của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế xây dựng để trở thành trung tâm logistics; là đầu mối giao thương quốc tế với Lào và Thái Lan và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Úc,…
Khu kinh tế Vũng Áng được xác định ưu tiên đầu tư xây dựng trong phương hướng phát triển chung của hệ thống 15 khu kinh tế ven biển để trở thành khu kinh tế trọng điểm tại khu vực miền Trung; đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim, trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm điện lực và các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, logistics.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Đèo Con; nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Núi Hồng - Sông La, Thác Vũ Môn, Đèo Ngang - Hoành Sơn Quan, Chùa Hương Tích, Khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Di tích Ngã ba Đồng Lộc...
Ngoài ra, qua thống kê, khảo sát, hiện nay nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của các chuyên gia, người lao động, khách du lịch về làm việc, tham quan tại Hà Tĩnh và nhân dân trong tỉnh Hà Tĩnh ngày càng tăng (hàng triệu lượt/năm). Hiện có một số nhà đầu tư đang quan tâm đến xây dựng sân bay Hà Tĩnh, nhưng do chưa có quy hoạch cảng hàng không nên chưa thể thực hiện…