Vì sao hộ kinh doanh Việt Nam không muốn lớn?

Theo GS Hoàng Văn Cường, không phải các hộ kinh doanh không muốn lớn mà là không thể lớn, thậm chí khi muốn lớn, muốn mở rộng thì ngay lập tức gặp rủi ro, phá sản'.

GS.TS. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - chia sẻ với Báo điện tử VTC News về những giải pháp để kinh tế tư nhân thực sự trở thành trụ cột phát triển của đất nước.

- Theo ông, vai trò của kinh tế tư nhân hiện nay là gì?

Những năm 1980 là thời điểm kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận. Thậm chí, trong công cuộc cải tạo công nghiệp tư bản tư nhân còn xóa bỏ kinh tế tư nhân.

Đến giai đoạn năm 1986, khi đất nước đổi mới thì mới thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Khoảng 10 năm sau chúng ta mới tiếp tục nâng vị thế kinh tế tư nhân lên tầng thứ 2, được coi bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Lại phải mất đến 10 năm sau nữa, tức là khoảng năm 2016, Nghị quyết 10 ra đời mới nâng vai trò kinh tế nhân lên mức cao hơn, là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Ngày nay, chúng ta đang đặt vị thế kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.

Thực tế, sự đóng góp của kinh tế nhân là rất lớn, khoảng 50% GDP, tạo công ăn việc làm cho đến 85% lao động.

Các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định được vị thế trong nền kinh tế nước nhà, thậm chí thay thế nhiều tập đoàn nước ngoài trong việc tạo ra những sản phẩm quan trọng cho đất nước.

Có nhiều tập đoàn tư nhân tên tuổi vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Điều đó thể hiện rất rõ kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định vị thế trong nền kinh tế.

- Dù có vai trò rất quan trọng như vậy nhưng tại sao tỷ trọng của nền kinh tế tư nhân trong những năm qua lại không cao?

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Đức Hiếu)

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Đức Hiếu)

Tỷ trọng kinh tế tư nhân chỉ xoay quanh khoảng 50% trong khi sử dụng đến 85% lực lượng lao động. Điều đó chứng tỏ 95% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhỏ và siêu nhỏ.

Những doanh nghiệp đó có hiệu quả hoạt động không cao, chủ yếu là nơi tạo công ăn việc làm, duy trì cuộc sống cho người lao động, chưa thể hiện rõ tầm, vị thế của hoạt động kinh doanh.

Điều đó cho thấy tiềm lực, nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân còn hạn hẹp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động không bền vững, số lượng dừng hoạt động, phá sản, rút khỏi thị trường hàng năm cũng rất lớn.

Thậm chí, nhiều năm số doanh nghiệp dừng hoạt động tương đương với số lượng doanh nghiệp mới ra đời. Điều đó thể hiện tính chất chưa bền vững. Vì chưa bền vững nên chưa khẳng định được vị thế của mình, chưa có đóng góp một cách bền vững, lâu dài cho nền kinh tế.

- Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân chính khiến kinh tế tư nhân chưa thể xé rào bứt phá?

Tôi cho rằng nguyên nhân căn bản nhất là tiềm lực của kinh tế tư nhân còn nhỏ bé, phân tán nên chưa tạo ra được sự liên kết với nhau. Thậm chí, giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa các hộ kinh doanh còn có những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra mâu thuẫn, triệt tiêu động lực, nguồn lực phát triển.

Khi nguồn lực yếu, tiềm lực yếu, lại không tạo ra sức mạnh cho sự phát triển sẽ không có đường hướng để các doanh nghiệp nhỏ vươn lên.

- Nhiều người chỉ ra thực trạng có nhiều hộ kinh doanh không muốn lớn, tức là không muốn trở thành doanh nghiệp. Lý do ở đây là gì và giải pháp nào để thúc đẩy họ phát triển?

Không phải các hộ kinh doanh không muốn lớn mà thực ra không thể lớn. Thậm chí, khi họ muốn lớn lên, muốn mở rộng thì ngay lập tức gặp rủi ro, thậm chí phá sản.

Muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành các doanh nghiệp để hoạt động chuyên nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ trở thành những doanh nghiệp lớn thì cần phải có những chính sách, biện pháp hỗ trợ. Chính sách phải hướng đến sự thay đổi về vị thế, quy mô, trạng thái doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp càng lớn thì càng sự chịu quản lý chặt chẽ hơn.

Cũng cần phải có nỗ lực cải thiện bản thân của từng hộ kinh doanh, từng doanh nghiệp thì mới có thể thành công.

Các chính sách cần thay đổi để tránh tình trạng doanh nghiệp càng lớn thì càng sự chịu quản lý chặt chẽ hơn. (Ảnh minh họa)

Các chính sách cần thay đổi để tránh tình trạng doanh nghiệp càng lớn thì càng sự chịu quản lý chặt chẽ hơn. (Ảnh minh họa)

- Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều bất lợi so với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI trong tiếp cận nguồn lực và chính sách. Làm sao để xóa bỏ sự phân biệt này, thưa Giáo sư?

Luật pháp Việt Nam hiện nay không quy định là doanh nghiệp Nhà nước thì được ưu đãi hơn, cũng không quy định doanh nghiệp nhỏ thì không được ưu đãi bằng doanh nghiệp lớn.

Thậm chí, có những quy định với doanh nghiệp nhỏ còn được ưu đãi hơn. Điển hình như trong một số lĩnh vực tham gia đấu thầu, doanh nghiệp lớn có thể không được phép cạnh tranh mà chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Đứng về mặt luật pháp là chúng ta đã tạo môi trường khá bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế khả năng tiếp cận của khối tư nhân, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn so với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI.

Bởi vì nguồn lực của họ rất nhỏ nên không đủ năng lực để tiếp cận những điều kiện đặt ra. Tôi lấy ví dụ như muốn tiếp cận nguồn vốn thì doanh nghiệp phải đủ lớn, phải có tài sản bảo đảm, phải minh bạch về mặt tài chính.

Rào cản ở đây là chính là năng lực của bản thân các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp tư nhân đó chưa đủ khả năng để chứng minh và tạo vị thế cho mình, để có thể tiếp cận được những nguồn lực như: vốn, đất đai, các cơ hội về đầu tư trong dự án lớn.

Luật pháp đã tạo ra các khuôn khổ tốt nhưng cần phải có cơ chế để làm sao tư nhân liên kết với nhau, tạo ra sức mạnh. Chính điều đó có thể nâng được vị thế của khu vực tư nhân đi lên.

- Nếu chỉ dừng ở việc hô hào khẩu hiệu rằng sẽ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thì rất khó tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo Giáo sư, cần làm gì hiệu quả hơn, ví dụ như đảm bảo quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh chẳng hạn?

Giáo sư Hoàng Văn Cường trả lời PV Báo Điện tử VTC News. (Ảnh: Đức Hiếu)

Giáo sư Hoàng Văn Cường trả lời PV Báo Điện tử VTC News. (Ảnh: Đức Hiếu)

Đúng là nếu chỉ dừng ở hô hào, đánh giá cao vị trí, vai trò nhưng không có hành động cụ thể thì rõ ràng các doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục nhỏ bé, khó khăn và không thể vươn lên.

Trước hết, về khuôn khổ pháp lý thì hiện nay đã bảo vệ khá tốt quyền tài sản cho doanh nghiệp, kể cả là tư nhân hay Nhà nước. Thậm chí, Việt Nam đang duy trì môi trường kinh tế vĩ mô khá tốt, lạm phát không cao. Điều đó thể hiện giá trị đồng vốn bỏ ra được bảo đảm. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam là bởi vì có được tỷ giá tốt.

Tuy nhiên vẫn cần phải có những hành động cụ thể hơn nữa. Những doanh nghiệp tư nhân còn có nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực yếu và khả năng tiếp cận các cơ hội đầu tư còn hạn chế. Như vậy, phải tạo môi trường kinh doanh để không cản trở khả năng tiếp cận chính sách của những doanh nghiệp này.

Phải để chi phí không chính thức, những chi phí tuân thủ, chi phí cho doanh nghiệp tiếp cận được cơ hội giảm đi. Hiện nay, Chính phủ đang đặt ra mục tiêu phải cắt giảm 30% những quy định về thủ tục hành chính.

Phải tiến đến giai đoạn hạn chế quản lý bằng thủ tục và phải quản lý đo lường xem đã hỗ trợ được bao nhiêu doanh nghiệp, hỗ trợ được bao nhiêu yêu cầu của người dân. Phải chuyển sang quản lý theo phương thức phục vụ, theo phương thức định hướng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân cũng như là người dân được tốt hơn.

- Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới con số 70% GDP đóng góp của khối tư nhân đến giai đoạn năm 2030. Ông kỳ vọng gì về con số này và đánh giá liệu có thể thực hiện được?

Con số 70% đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế năm 20230 hoàn toàn có cơ sở. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia phát triển thì khu vực tư nhân đóng góp là phần chính, khu vực Nhà nước có xu hướng giảm.

Phải đẩy mạnh khu vực tư nhân vì đấy là khu vực rất năng động, rất hiệu quả, thích ứng nhanh với các xu thế phát triển của thời đại.

Một nền kinh tế độc lập, tự chủ muốn tạo ra được các giá trị nội tại thì phải dựa vào doanh nghiệp dân tộc. Vì thế thời gian tới phải thay đổi phương thức thu hút đầu tư nước ngoài. Không để nhà đầu tư nước ngoài vào để độc diễn mà là vào để liên kết, liên doanh, bắt tay cùng doanh nghiệp trong nước. Từ đó phải chuyển giao về công nghệ, kỹ thuật để doanh nghiệp trong nước làm chủ.

Như vậy khu vực tư nhân sẽ dần dần vươn lên làm chủ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, mới trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển.

Tóm lại, không thể nghi ngờ vai trò kinh tế nhân càng ngày càng tăng, chuyện 70% tôi cho rằng hoàn toàn có thể đạt được và cần phải đạt được. Thậm chí phải cao hơn nữa thì kinh tế đất nước mới bứt phá.

Việt Nam cần có những tập đoàn tư nhân lớn vươn tầm quốc tế, làm bệ đỡ cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Việt Nam cần có những tập đoàn tư nhân lớn vươn tầm quốc tế, làm bệ đỡ cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

- Làm thế nào để Việt Nam có thể tạo ra những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu?

Việc phải tạo lập ra những tập đoàn tư nhân lớn để làm trụ cột cho các lĩnh vực của nền kinh tế là vấn đề căn cốt để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bứt phá.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, những nước phát triển thấp trở thành cường quốc đều phải dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn, mang tầm cỡ quốc tế.

Những tập đoàn lớn sẽ tạo ra sức mạnh của nền kinh tế. Việt Nam nếu muốn vươn mình, bứt phá, muốn trở thành nước có thứ hạng cao trên bản đồ kinh tế thế giới chắc chắn phải dựa vào các doanh nghiệp trong nước, trong đó có cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Khu vực Nhà nước càng ngày càng có xu hướng thu hẹp lại. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ giữ những lĩnh vực mà có vai trò quan trọng đối với an ninh - quốc phòng, an ninh - kinh tế. Còn lại, hầu hết những khu vực khác sẽ nhường cho khối tư nhân.

Tư nhân bao giờ cũng hiệu quả, nhanh nhạy, thích ứng tốt hơn, tạo ra được nguồn lực phát triển tốt hơn cho nền kinh tế.

Đương nhiên, rất cần phải tạo dựng nên những tập đoàn tư nhân mạnh làm trụ cột, xương sống cho một số ngành, một số lĩnh vực cốt yếu của nền kinh tế. Chỉ khi nào có được tập đoàn đó thì mới có nền kinh tế độc lập, tự chủ và mới có sức mạnh về kinh tế.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-ho-kinh-doanh-viet-nam-khong-muon-lon-ar934011.html