Vì sao hội hay quên thích dùng tiền trong thẻ, ví điện tử?
Nhiều lần gặp tình trạng tiền 'không cánh mà bay' khiến nhiều người dần chuyển sang xu hướng thanh toán mọi thứ bằng thẻ hoặc các ứng dụng trực tuyến, ví điện tử,...
Có một thực tế mà phần đông hội chị em nắm chi tiêu trong gia đình thường rỉ tai nhau: “Nếu đã hay quên tốt nhất đừng xài tiền mặt”. Không phải tự nhiên mà ai nghe câu này cũng phải gật gù đồng tình bởi nhiều người đã có những trải nghiệm “đánh rơi” tiền, chỉ biết ngồi ngẩn ngơ tiếc nuối.
Mai Nhi (26 tuổi, Hà Nội) cho biết trước đây cô có thói quen đút tiền mặt vào bất cứ đâu thuận tiện như túi áo, túi quần. Tuy nhiên cũng vì không để tiền vào ví nên Mai Nhi không tránh được trường hợp bị rơi tiền, thất thoát mà không biết ở đâu. Chưa kể việc để tiền lung tung như vậy khiến Mai Chi gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu cá nhân cũng như cho gia đình.
Có thể nói, đây không chỉ là thói quen của riêng Mai Nhi mà cũng rất nhiều người gặp tình trạng này. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người thỉnh thoảng chia sẻ “nhặt” được tiền của chính mình sau khi giặt quần áo, dọn nhà,... Đôi khi chỉ là 10k, 20k nhưng cũng có người bỏ quên cả 100k, 200k và cứ thế đến cuối tháng khi cộng sổ chi tiêu sẽ thấy tiền “không cánh mà bay”.
Bên cạnh những ai hay nhớ nhớ quên quên, một rủi ro nữa khi sử dụng tiền mặt trong thanh toán chính là kẹp dính hoặc trả nhầm tiền. Có không ít trường hợp chia sẻ bản thân đã đưa nhầm 500k thay vì 20k hoặc do sử dụng tiền mới nên liên tục bị kẹp dính 2 mệnh giá tiền.
Cũng vì sợ bản thân sẽ rơi vào trải nghiệm không mong muốn đó, Tươi Lê (30 tuổi, Hà Nội) quyết định chuyển sang thanh toán online, quét mã QR để thuận tiện: “Trong một lần đi ăn thanh toán hóa đơn là 760k nhưng mình ấn nhầm thành 7,6 triệu đồng. Phải đến ngày hôm sau xem lại tài khoản mới biết mình chuyển khoản nhầm nên cũng đã liên hệ để được hỗ trợ giải quyết. Vậy mới nói chuyển khoản nếu sơ xuất còn có thể đối chiếu để hoàn trả. Còn nếu đôi khi trả tiền mặt mà bị kẹp dính, mình không kiểm tra kỹ, người nhận không biết thì coi như sẽ mất luôn số tiền đó rồi”, Tươi Lê kể.
Còn đối với Mỹ Linh (28 tuổi), cô cho rằng bản thân không giỏi tính toán và cũng hay quên nên đôi khi không nhớ trong ngày mình đã chi tiêu vào những món đồ nào. Đến khi cuối tháng kiểm soát chi tiêu mới ngỡ ngàng vì thiếu tiền hoặc không còn nhớ chi tiết từng chi phí lẻ để cộng trừ.
Đó là lý do tiên quyết khiến cô nàng thay đổi thói quen chi tiêu sang “không tiền mặt”. “Không biết mọi người có giống vợ chồng mình không, hồi xưa xài tiền mặt, trong ví có 500k cũng hết mà 1 triệu hay 5 triệu cũng hết. Kiểu như mình cứ thấy có tiền trong người là sẽ tiêu vô tội vạ. Còn giờ mỗi khi thanh toán sẽ hiện hóa đơn giao dịch trừ bao nhiêu, số dư còn lại thế nào. Nếu một ngày toàn thông báo đỏ vì chi tiêu, nhìn thấy sợ là bỗng dưng mình tự biết phải chi tiêu quy củ hơn, tránh tình trạng bị cạn tiền”, Mỹ Linh chia sẻ.
Theo Mỹ Linh, cô cảm thấy cuộc sống bớt căng thẳng hơn từ khi chuyển sang sống “không tiền mặt”. Bởi lẽ, không còn lúc nào cũng gồng lên để nhớ xem mình vừa mua gì, trả tiền cho dịch vụ nào,... tất cả hiện tại sẽ đều thể hiện qua giao dịch trực tuyến. Mỹ Linh bày tỏ: “Mình thấy có khá nhiều tiện ích từ nhanh gọn, thao tác nhanh mà còn giúp bản thân dễ dàng kiểm soát chi tiêu. Điều này giúp bản thân tiết kiệm được khá nhiều so với khi dùng tiền mặt, đặc biệt là không gặp trường hợp tiền vô tình “bị rơi” nữa”.