Vì sao hơn 200 hộ dân ở Thái Bình phải bỏ ruộng hoang?
Gần chục hécta đất lúa của hơn 200 hộ dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình phải bỏ hoang vì dự án xây dựng đường giao thông nội đồng và kênh tưới tiêu bị lấn chiếm trái phép.
Đất giáp ranh bị lấn chiếm
Phản ánh đến Báo Giao thông, bạn đọc cho biết, những năm gần đây, hàng chục hécta đất hai lúa thuộc địa bàn thôn Hợp Châu và thôn Thiện Châu (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) bị nhiễm mặn từ khu nuôi trồng thủy sản khiến hơn 200 hộ dân phải bỏ ruộng hoang.
Những ngày trung tuần tháng 3/2024, PV Báo Giao thông ghi nhận trên cánh đồng rộng lớn nằm trên địa bàn thôn Hợp Châu, Thiện Châu (xã Nam Thịnh), gần chục hécta đất trồng lúa bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành bãi chăn thả trâu của một số hộ dân.
Theo quan sát, trên diện tích ruộng lúa thuộc thôn Hợp Châu và Thiện Châu, đường giao thông nội đồng được bê tông hóa bề rộng 3,5m, kênh tưới tiêu được xây dựng kiên cố.
Tuy nhiên, gần khu vực đê số 5 còn khoảng gần 100m bị bỏ dở do vướng bức tường xây khu nghĩa trang án ngữ.
Hệ thống bờ, kênh thoát nước bị bỏ dở không phát huy tác dụng khiến cánh đồng lúa còn một diện tích khoảng gần chục hécta người dân không cày cấy, đất đai bị hoang hóa.
Ông Trần Quốc Phòng, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Thịnh cho biết, năm 2022, UBND huyện Tiền Hải quyết định đầu tư công trình xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất tập trung Hợp tác xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải với tổng mức đầu tư dự kiến trên 7,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi dự án triển khai được 90% thì buộc phải dừng lại do một số công dân của xã Nam Thắng (huyện Tiền Hải) tự ý lấn chiếm đất dự án để xây dựng nghĩa trang.
Từ đó, khu nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ của xã Nam Thắng không ngăn được nước mặn, lợ chảy sang khu ruộng lúa thuộc xã Nam Thịnh. Mương tưới tiêu cũng không phát huy được tác dụng khiến hơn 200 hộ dân trồng lúa nước của xã Nam Thịnh đành bỏ ruộng.
"Khoảng 60ha ruộng lúa của hai thôn Hợp Châu và Thiện Châu nằm tiếp giáp với khu nuôi trồng thủy sản tập trung đã bị nhiễm mặn nặng. Vì vậy, hơn 200 hộ dân của hai thôn phải bỏ ruộng hoang", ông Phòng xác nhận.
Chính quyền loay hoay xử lý
Ông Trần Văn Tặng, Bí thư chi bộ thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh cho biết, người dân trong thôn rất bức xúc vì một số cá nhân trên địa bàn khác ngang nhiên chiếm đất của địa phương để xây nghĩa trang.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết, dự án công trình thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất tập trung Hợp tác xã Nam Thịnh đã được UBND huyện Tiền Hải quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần ngăn xâm nhập mặn từ vùng nuôi trồng thủy sản xã Nam Thắng, đáp ứng việc tưới tiêu cho cánh đồng gần 60ha trên địa bàn hai thôn của xã.
Dự án triển khai hoàn toàn nằm trên địa dư hành chính của xã Nam Thịnh, tuy nhiên dự án đến nay bị dở dang do một số hộ dân trên địa bàn xã Nam Thắng lấn chiếm xây dựng nghĩa trang.
"Từ tháng 8/2022 đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn chưa giải quyết được, dự án dở dang khiến kênh tưới tiêu thì chưa thể vận hành, đường giao thông nội đồng chưa thể thi công, do đó gây khó khăn trong việc ngăn mặn, phục vụ tưới tiêu và đi lại sản xuất của người dân khiến ruộng bỏ hoang như hiện nay, ông Quyết cho biết.
Theo ông Quyết, UBND xã Nam Thịnh đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Tiền Hải và các ngành chức năng phân định mốc giới địa chính của xã Nam Thắng, Nam Thịnh để đơn vị thi công công trình phát huy hiệu quả, tránh lãng phí và không gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này chưa được giải quyết.
Ông Phan Văn Du, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cũng xác nhận, việc công dân của xã Nam Thắng xây dựng nghĩa trang xâm lấn lên địa dư hành chính của xã Nam Thịnh.
"Các cơ quan chức năng của huyện, UBND xã Nam Thịnh và địa phương đang tiến hành động viên bà con tháo dỡ công trình sai phạm trên đất thuộc quản lý UBND xã Nam Thịnh", ông Du cho biết.