Vì sao HoREA không đồng tình với đề xuất giao dịch bất động sản phải qua sàn?

HoREA đề nghị không nên bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản; việc bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho những đơn vị này, đồng thời thiếu công bằng với chủ đầu tư...

Trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản có vị trí quan trọng và rất cần thiết trong thị trường bất động sản, giữ vai trò cầu nối để kết nối cung - cầu, kết nối bên bán - bên mua; bên mua - bên bán; bên cho thuê - bên thuê giúp bên mua tìm kiếm được sản phẩm nhà đất phù hợp hoặc giúp bên bán tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, về bản chất, sàn giao dịch chỉ là đơn vị làm dịch vụ phục vụ cho bên bán, hoặc phục vụ cho bên mua, hoặc phục vụ cả bên bán và bên mua nhà đất và được trả tiền công là phí dịch vụ.

“Nếu bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn thì sàn giao dịch từ chuyên cung cấp dịch vụ cho bên bán và bên mua sẽ trở thành “ông vua” của thị trường bất động sản”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu bày tỏ lo ngại.

HoREA đề nghị không nên bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản (Ảnh minh họa: Int)

HoREA đề nghị không nên bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản (Ảnh minh họa: Int)

Theo Chủ tịch HoREA, sàn giao dịch không góp vốn với chủ đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng hay đầu tư xây dựng các công trình trong dự án, nên không thể hưởng đặc quyền bán sản phẩm. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cũng không thể bị tước bỏ quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh đã được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.

Đặc biệt, HoREA cho rằng, quy định giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải thông qua sàn giao dịch là không hợp lý vì dẫn đến việc sàn giao dịch được đặc lợi khi được hưởng phí dịch vụ bán hàng tối thiểu là 2% trên doanh số bán hàng, thậm chí có không ít trường hợp phí môi giới này cao hơn rất nhiều (có thể đến 7-8% hoặc cao hơn), mà tổng giá trị của thị trường bất động sản lên đến hàng triệu tỷ đồng, chỉ tính mức phí dịch vụ môi giới tối thiểu là 2% thì tổng chi phí môi giới có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

HoREA cũng bày tỏ quan ngại sàn giao dịch có thể “vô tình” chiếm dụng tiền thanh toán bán hàng của chủ đầu tư, vì sàn giao dịch thường định kỳ mới chuyển tiền thanh toán của khách hàng cho chủ đầu tư dự án sau một thời gian nhất định.

Hiệp hội cũng cảnh báo, nhờ đặc quyền tiếp cận khách hàng nên sàn giao dịch còn nắm giữ được toàn bộ thông tin khách hàng, mà đây là một cơ sở dữ liệu rất quan trọng để khảo sát, đánh giá và ra quyết định đầu tư kinh doanh nhưng chủ đầu tư dự án không còn tiếp cận được.

“Người sản xuất hàng hóa, chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại mà không nắm được khâu bán hàng, phân phối hàng hóa, sản phẩm ra thị trường thì luôn luôn chịu thua thiệt do không nắm được nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của thị trường, nên người sản xuất cũng không thể sản xuất sản phẩm phù hợp với thị trường, không thể tham gia chế biến sâu trong chuỗi cung ứng”, HoREA nêu.

Minh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tin-tuc/vi-sao-horea-khong-dong-tinh-voi-de-xuat-giao-dich-bat-dong-san-phai-qua-san-1087855.html