Vì sao Indonesia dời thủ đô đến khu rừng cách xa hơn 1.000 km?

Thành phố Nusantara được chính phủ Indonesia xây dựng trong bối cảnh thủ đô Jakarta đang dần bị nhấn chìm với tốc độ kỷ lục.

 Các bản vẽ mô phỏng Nusantara cho thấy một đô thị xanh với hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, nơi người dân có thể đáp ứng các nhu cầu hàng ngày chỉ trong vòng 10 phút đi bộ hoặc đi xe. Ảnh: New York Times.

Các bản vẽ mô phỏng Nusantara cho thấy một đô thị xanh với hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, nơi người dân có thể đáp ứng các nhu cầu hàng ngày chỉ trong vòng 10 phút đi bộ hoặc đi xe. Ảnh: New York Times.

Khu rừng nguyên sinh trên hòn đảo Borneo, cách thủ đô Jakarta (Indonesia) khoảng 1.200 km, vốn là môi trường quen thuộc với các loài động vật hơn là con người.

Tuy nhiên, cảnh quan hoang sơ ở khu vực này đang được chính phủ Indonesia xem là lựa chọn hấp dẫn để thay thế thủ đô Jakarta hiện tại - nơi được dự đoán là siêu đô thị chìm nhanh nhất thế giới, theo Washington Post.

Kế hoạch dời đô khỏi Jakarta đã được thảo luận trong nhiều năm ở quốc đảo lớn nhất thế giới Indonesia. Vào ngày 17/8, Tổng thống Joko Widodo (hay còn được gọi là Jokowi) đã chủ trì lễ Quốc khách tại thủ đô tương lai Nusantara. Ban đầu, buổi lễ được lên kế hoạch để khánh thành thủ đô mới, song dự án này đang bị chậm tiến độ và chưa rõ thời gian bàn giao.

Vì sao Indonesia muốn dời đô?

Thành phố Jakarta, nằm trên đảo Java, là thủ đô của Indonesia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan vào ngày 17/8/1945. (Hà Lan đã công nhận độc lập của Indonesia 4 năm sau đó).

Kể từ đó, Jakarta đã phát triển thành một thành phố lớn với 10,5 triệu dân và khu đô thị mở rộng trở thành nơi sinh sống của khoảng 30 triệu người. Tuy nhiên, Jakarta đang chìm với tốc độ nhanh chóng. Các chuyên gia dự báo đến năm 2030, người dân sẽ không thể sống tại một số khu vực thuộc đô thị này hoặc phải chịu cảnh ngập lụt thường xuyên.

Năm 2022, Indonesia đã thông qua đạo luật tài trợ và tiến hành kế hoạch di dời thủ đô. Ủy ban phụ trách quy hoạch thủ đô mới cho biết kế hoạch dời đô rất “cấp bách” do “áp lực đáng kể” từ “những yếu tố như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường và dân số đông đúc” tại Jakarta và đảo Java.

 Ảnh vệ tinh thủ đô mới của Indonesia, Nusantara. Ảnh: NASA Earth Observatory/Washington Post.

Ảnh vệ tinh thủ đô mới của Indonesia, Nusantara. Ảnh: NASA Earth Observatory/Washington Post.

Thủ đô mới hứa hẹn điều gì?

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, mục tiêu dời đô cũng quan trọng như tham vọng chuyển đổi nền kinh tế và đưa Indonesia tiến gần hơn tới vị thế một quốc gia phát triển.

Trong “Báo cáo Thành tích năm 2023” của Ban quản lý thủ đô Nusantara, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh thủ đô mới là một phần “chiến lược lớn của Indonesia” - Tầm nhìn vàng 2045 - nhằm biến Indonesia thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm quốc khánh.

Theo kế hoạch của ban quản lý, trong hai thập kỷ tới, Nusantara sẽ trở thành một thành phố phát triển mạnh và bền vững. Trong đó, cơ quan này đưa ra một loạt giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, nhà ở, văn phòng chính phủ và hệ thống giao thông công cộng trong thành phố.

Tuy nhiên, dù tính bền vững được coi là nguyên tắc cốt lõi trong kế hoạch xây dựng thủ đô mới, dự án Nusantara đã nhận nhiều chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường vì họ cho rằng việc khai thác rừng để xây dựng đô thị mới không phải hoạt động thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, các nhà quy hoạch hy vọng thủ đô mới sẽ tránh được số phận tương tự Jakarta và gọi Nusantara là “thành phố bọt biển”.

“Điều này có nghĩa đất ở khu vực Nusantara sẽ có khả năng thấm hút nước mưa, từ đó ngăn chặn tình trạng ngập lụt”, theo báo cáo năm 2023.

Indonesia cũng có những mục tiêu đầy tham vọng khác. Đến năm 2035, Nusantara đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nghèo đói 0%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2022, gần 1/10 người Indonesia sống trong cảnh nghèo đói. Đến năm 2045, thành phố này cũng nhắm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không.

Hôm 17/8, Tổng thống Jokowi đã tổ chức lễ khánh thành thành phố mới, kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Indonesia. Tuy nhiên, buổi lễ đã bị ảnh hưởng phần nào bởi sự trì hoãn và trở ngại trong quá trình xây dựng. Các lễ kỷ niệm được chia thành hai phần ở cả Jakarta và Nusantara do lo ngại khả năng đáp ứng của thủ đô tương lai. Theo Financial Times, một số nhà ngoại giao đã được mời quay về Jakarta thay vì đến tham dự sự kiện ở Nusantara.

Trên nền tảng Twitter/X, Tổng thống Jokowi cũng xác nhận các buổi lễ “đã diễn ra theo hình thức kết hợp”.

“Tạ ơn thượng đế, mọi thứ diễn ra suôn sẻ và trang trọng”, ông viết.

Những quốc gia nào đã xây dựng thủ đô mới?

Ngoài Indonesia, một vài quốc gia cũng đã xây dựng thủ đô mới trong thế kỷ qua. Vào năm 1960, Brazil đã khánh thành thủ đô Brasília - thành phố có kiến trúc hiện đại, được xây dựng trên một cao nguyên hoang dã. UNESCO từng mô tả thủ đô Brasília là “ví dụ điển hình của chủ nghĩa đô thị hiện đại thế kỷ XX”.

Gần đây hơn, Ai Cập đã bắt đầu xây dựng thủ đô mới để thay thế Cairo. Đối mặt với các vấn đề về mật độ đô thị, ô nhiễm và ùn tắc giao thông, quốc gia này sẽ xây dựng thủ đô mới - hiện được gọi là Thủ đô Hành chính mới - về phía Đông Cairo.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-indonesia-doi-thu-do-den-khu-rung-cach-xa-hon-1000-km-post1492654.html