Vì sao thế giới nên 'dán mắt' vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật?

Nhật Bản - đồng minh thân cận với nhiều lợi thế - đang tích cực đàm phán thỏa thuận với Mỹ. Kết quả cuối cùng sẽ trở thành bài học cho các nước cũng dò hướng tiếp cận Washington.

 Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Hôm 16/4, ông Ryosei Akazawa - Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế - đã dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản đàm phán với Mỹ về “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi thúc đẩy lợi ích của cả 2 nước”. Kết quả sau cùng của thỏa thuận thương mại này khiến Tokyo thấp thỏm, và cả thế giới cũng vậy.

Bloomberg nhận định Nhật Bản giống “chú chim hoàng yến trong mỏ than” thuế quan, cụm từ ám chỉ cảnh báo sớm về những nguy hiểm tiềm ẩn ở phía trước. Tờ báo nhận định nếu Tokyo không thể đạt được một thỏa thuận có lợi, các nước khác gần như không còn hy vọng.

Là một đồng minh an ninh quan trọng với Mỹ, Nhật Bản nằm ở vị thế tốt hơn mọi quốc gia khác, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh. Thế giới sẽ dõi theo để xem liệu “lợi thế đi trước” có thành hiện thực không, với Anh, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ nằm trong số những nước tiếp theo “đặt gạch”.

Những phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, cho thấy tiềm năng: “Nhật Bản vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ”.

Tuy nhiên, đàm phán không chỉ dừng lại ở thuế quan, mà còn cả “rào cản thương mại phi thuế quan, các vấn đề tiền tệ và trợ cấp chính phủ”, do đó Washington có khả năng sẽ “xả giận” toàn diện, nêu hàng loạt những bất bình có thật lẫn “trong tưởng tượng”.

Những bất bình không thực tế

Trước đây, Nhật Bản được nhìn nhận như một quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ. Song hiện tại, Tokyo ủng hộ thương mại tự do, cứu vãn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi ông Trump từ bỏ hiệp định này trong nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời dẫn dắt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực trên khắp châu Á.

Tuy nhiên, liệu ông Akazawa có thể thuyết phục phía Mỹ nhìn nhận vấn đề không? Những bất bình của ông Trump phần lớn không thực tế, từ việc nhắc tới rào cản với doanh số bán ôtô tới ám chỉ Nhật đánh thuế nhập khẩu 700% với gạo - một con số bị chế giễu là “không thể hiểu nổi”.

 Ông Trump bất ngờ xuất hiện tại cuộc gặp phái đoàn Nhật Bản hôm 16/4. Ảnh: Reuters.

Ông Trump bất ngờ xuất hiện tại cuộc gặp phái đoàn Nhật Bản hôm 16/4. Ảnh: Reuters.

Dẫu vậy, suy nghĩ này không chỉ giới hạn ở tổng thống Mỹ hiện tại. Các chính quyền Mỹ, ở cả hai đảng, đều có những điểm chưa hài lòng với Nhật Bản. Trong hồi ký, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kể chi tiết về việc cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra lập luận tương tự ông Trump vào năm 2014.

“Tôi chẳng thấy chiếc xe Mỹ nào trên đường tới đây. Ông cần phải làm gì đó thôi”, ông Obama nói với ông Abe khi hai người đang ăn tối tại quán sushi nổi tiếng Sukiyabashi Jiro.

Ông Abe giải thích Nhật Bản không áp thuế với ôtô Mỹ, nhưng ông Obama phản đối và viện dẫn “rào cản phi thuế quan”. Không khó để tìm ra nguyên nhân của lập luận này, khi Viện Hudson lưu ý ôtô Nhật Bản rất thành công ở thị trường Mỹ, chiếm hơn 3/4 thâm hụt thương mại.

Ông Abe đáp lời, nhấn mạnh các công ty Mỹ không nỗ lực quảng bá thương hiệu tại Nhật Bản, như thay đổi vị trí vô lăng cho phù hợp với đường sá Nhật hay quảng cáo sản phẩm trên TV như phía châu Âu. Sau đó, ông Obama “đã nhanh chóng im lặng”, ông Abe viết.

Ngược lại, ông Trump không có thói quen im lặng ngay cả khi sự thật đã được phơi bày. Tuy nhiên, ít nhất Nhật Bản sẽ phải đối phó với một người vốn luôn theo dõi nước này suốt nhiều năm, chính là Bộ trưởng Bessent. Hồi năm 2022, ông Bessent có một bài viết về di sản của ông Abe, cho thấy ông được truyền cảm hứng từ cố thủ tướng.

"Abe đã chứng minh bạn có thể đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, trong khi vẫn duy trì liên minh chặt chẽ với các đồng minh", ông Bessent viết. "Các nền dân chủ phương Tây chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ phong cách tài chính và sự lãnh đạo của ông ấy".

Nếu Nhật còn "bó tay" thì nước nào đủ sức?

Có rất nhiều lĩnh vực Mỹ và Nhật có thể tìm thấy điểm chung.

Nếu ông Bessent muốn nhắc tới tiền tệ, Nhật Bản sẽ hoan nghênh viễn cảnh đồng yen mạnh hơn và đồng USD yếu hơn để giảm bớt áp lực lạm phát.

Ngoài ra, Nhật Bản - quốc gia mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới và muốn đa dạng hóa nhà cung cấp - sẽ rất hài lòng với dự án 44 tỷ USD với Mỹ, cũng như cơ hội mua thêm nhiều thiết bị quân sự hàng đầu của Washington.

 Nhật Bản và Mỹ sẽ tìm thấy nhiều lĩnh vực có thể đàm phán. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản và Mỹ sẽ tìm thấy nhiều lĩnh vực có thể đàm phán. Ảnh: Reuters.

Tokyo cũng có thể đưa ra một số nhượng bộ khá vô nghĩa, như điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn giúp Washington dễ bán ôtô hơn mà không ảnh hưởng tới doanh số các hãng nội địa, hay nhập khẩu gạo từ Mỹ để giảm gánh nặng về giá với mặt hàng chủ lực này.

Mặc cho Thủ tướng Shigeru Ishiba không ngừng nói về một “cuộc khủng hoảng quốc gia”, cú sốc thuế quan lần này có thể là vận may trá hình. Câu chuyện về thuế quan đã đánh bật vụ bê bối tài chính từng đe dọa nghiêm trọng đến vị thế thủ tướng khỏi trang nhất, đồng thời mang cho ông Ishiba cái cớ tạm gác lại kỷ luật tài khóa và thoải mái chi tiêu trước thềm bầu cử Thượng viện vào mùa hè tới.

Nhật Bản có đòn bẩy khi là quốc gia nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất thế giới. Trái với đồn đoán chính Tokyo khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt buộc ông Trump phải chùn bước, gần như không thể tưởng tượng được Nhật Bản sẽ chơi ván bài ngoại giao nguy hiểm tới vậy.

Và bất chấp tuyên bố “Nhật Bản sẽ không nhân nhượng với hy vọng đạt được thỏa thuận nhanh chóng” của Thủ tướng Ishiba hôm 14/4, Tokyo chắc chắn sẽ thận trọng.

Dẫu vậy, đối phương lần này lại là ông Trump, một người hiếm khi có cách tiếp cận an toàn. Và nếu đến cả Tokyo cũng "bó tay" không thể đảm bảo một thỏa thuận tích cực, có lẽ các quốc gia khác sẽ nhận ra chiến lược tốt nhất ứng phó với Nhà Trắng chính là phản đòn và trả đũa.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-the-gioi-nen-dan-mat-vao-thoa-thuan-thuong-mai-my-nhat-post1546667.html